Giáo dục quyền con người là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và hòa bình. Thanh niên, với vai trò là những người kế thừa và phát triển tương lai, cần được trang bị kiến thức và ý thức về quyền con người để trở thành những công dân có trách nhiệm và tích cực tham gia vào đời sống xã hội. Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, giáo dục quyền con người không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức về các quyền mà còn nhằm phát triển các kỹ năng, thái độ và giá trị sống, từ đó thúc đẩy thanh niên trở thành động lực cho sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn
1. GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI CHO THANH NIÊN THEO TINH THẦN CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế tiên phong trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, vì vậy, tổ chức lớn nhất hành tinh này đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân quyền, xem đó như là một biện pháp cốt yếu và một chiến lược hiệu quả để ngăn chặn các vi phạm nhân quyền cũng như để xây dựng những xã hội bình đẳng, tự do và hòa bình.
Để phổ biến và vận động cho hoạt động giáo dục nhân quyền trên toàn thế giới, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một Nghị quyết số 48/127 ngày 20/12/1993 (A/RES/48/127) quy định lấy giai đoạn 1995-2004 là Thập kỷ giáo dục nhân quyền của Liên hợp quốc. Tiếp theo đó, từ 1994 đến 2003, Đại hội đồng Liên hợp quốc còn thông qua một loạt nghị quyết khác đề cập đến những vấn đề cụ thể trong việc triển khai thực hiện Thập kỷ Giáo dục nhân quyền[1]
Trên thực tế, tầm quan trọng và yêu cầu tổ chức, thúc đẩy hoạt động giáo dục nhân quyền đã được đề cập từ lâu trong nhiều văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể là trong Điều 26 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Điều 13 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Điều 28 Công ước về quyền trẻ em; và đặc biệt là trong các đoạn 78-82 Tuyên bố Viên và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị toàn thế giới về quyền con người lần thứ hai năm 1993. Từ nội dung các quy định này, có thể hiểu giáo dục nhân quyền là những hoạt động giảng dạy, tập huấn và phổ biến thông tin về quyền con người, nhằm xây dựng một nền văn hóa nhân quyền trong đó hướng tới: Tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người; Phát triển đầy đủ nhân phẩm và ý thức về nhân phẩm của con người; Thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; Tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động của xã hội và hỗ trợ các hoạt động của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.[2]
Để thực hiện thành công Thập kỷ Giáo dục nhân quyền, các nghị quyết kể trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thời cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện các kế hoạch quốc gia về giáo dục nhân quyền. Kế hoạch quốc gia này bao gồm nhiều hoạt động, trong đó có việc thành lập hoặc tăng cường các cơ sở, tổ chức và các nguồn lực cho hoạt động giáo dục nhân quyền ở quốc gia
Hưởng ứng Thập kỷ Giáo dục Nhân quyền của Liên hợp quốc và để thi hành các nghị quyết có liên quan của tổ chức này, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch quốc gia về giáo dục nhân quyền với những sáng kiến phong phú. Để hỗ trợ cho các quốc gia trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục nhân quyền, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã biên soạn nhiều tài liệu về vấn đề này và cung cấp miễn phí cho các chủ thể có nhu cầu trên trang web của Văn phòng.
Gần đây, Cao uỷ nhân quyền của Liên hợp quốc đã soạn thảo Dự thảo kế hoạch hành động cho giai đoạn thứ 4 (2020-2024) của Chương trình giáo dục nhân quyền dành cho tuổi trẻ. Thanh thiếu niên với tư cách là đối tượng của dự thảo này là những người trẻ ở độ tuổi từ 15-24 tuổi. Một số mục tiêu chính của chương trình này là:
Thứ nhất, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, khuyến khích phát triển và áp dụng các chiến lược quốc gia về giáo dục nhân quyền cho thanh niên.
Thứ hai, mở rộng giáo dục nhân quyền cho thanh niên trong giáo dục chính thức và không chính thức.
Thứ ba, cung cấp các hướng dẫn về giáo dục nhân quyền cho thanh niên trong giáo dục chính thức và không chính thức.
Thứ tư, khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của giới trẻ trong giáo dục nhân quyền cho thanh niên.
Về mặt nội dung, Kế hoạch hành động cho giai đoạn thứ 4 gồm 4 phần, trong đó có 3 phần chính sau đây:
Một là, về quy trình và công cụ dạy học, Kế hoạch chú trọng cả 3 yếu tố gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ giúp thanh niên thực hiện các quyền của mình cũng như tôn trọng và phát huy các quyền của người khác.
Theo đó, về mặt kiến thức, thế hệ trẻ có thể thảo luận các vấn đề:
• Lịch sử quyền con người;
• Mối quan hệ chặt chẽ giữa quyền quyền con người, hòa bình và phát triển bền vững;
• Các nguyên tắc nhân quyền;
• Vai trò của quyền con người trong đời sống hàng ngày của giới trẻ và các vấn đề nhân quyền có liên quan đặc biệt đến họ;
• Nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến quyền con người;
• Pháp luật quốc tế về quyền con người;
• Những thách thức toàn cầu và mối quan hệ của chúng với quyền con người;…
Về kỹ năng, thanh niên có thể:
• Phân tích các vấn đề lịch sử và đương đại từ góc độ quyền con người;
• Xác định các vấn đề nhân quyền liên quan đến các lĩnh vực then chốt của đời sống;
• Xác định và phân tích các vi phạm quyền con người, nguyên nhân và hậu quả;
• Tìm kiếm thông tin về quyền con người;
• Lãnh đạo, tham gia và tác động đến việc ra quyết định ở các cấp chính quyền khác nhau;
• Đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người;
• Phân tích tác động của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tới quyền con người;…
Về thái độ, người trẻ có thể thể hiện:
• Tôn trọng tất cả mọi người, dựa trên sự thừa nhận phẩm giá và quyền của mọi người;
• Tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng;
• Cởi mở để tự suy ngẫm và học hỏi;
• Tích cực quan tâm đến các chủ đề liên quan đến quyền con người và công lý;
• Đánh giá cao sự liên kết giữa các quyền, trách nhiệm, bình đẳng, đa dạng, không phân biệt đối xử, gắn kết xã hội và đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo;
• Tự tin khẳng định quyền con người và mong muốn người có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng và thực hiện quyền con người;
• Niềm tin vào những nỗ lực hợp tác vì quyền con người;…
Hai là, về phương pháp giáo dục quyền con người cho thanh thiếu niên, theo Liên hợp quốc, cần được thiết kế bởi thanh niên, lấy người học làm trung tâm và nhạy cảm về giới, thúc đẩy sự tham gia tích cực của người học.
Cần chú trọng việc học tập trải nghiệm để giúp thanh niên áp dụng các khái niệm quyền con người vào cuộc sống. Đặc biệt, cần phát huy việc học tập ngang hàng để tạo điều kiện kết nối cảm xúc, đối thoại và hiểu biết giữa thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, cần áp dụng các phương pháp và môi trường giáo dục đa dạng, chẳng hạn như thể thao, phim ảnh, nghệ thuật, văn hóa, trò chơi và kể chuyện, có thể thu hút người học thuộc mọi hoàn cảnh khác nhau.
Tài liệu dạy và học cũng như các tài nguyên khác phải cụ thể và phù hợp với thanh thiếu niên, xây dựng trên các nguyên tắc nhân quyền gắn liền với bối cảnh văn hóa liên quan cũng như sự phát triển lịch sử và xã hội của địa phương. Các tài liệu, học liệu phải tạo điều kiện để mọi người trẻ có thể tiếp cận và tham gia mà không có sự phân biệt đối xử, có tính đến ngôn ngữ và khuyết tật, cùng các yếu tố khác. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng công nghệ có thể tăng khả năng tiếp cận giáo dục quyền con người và tăng cường kết nối mạng, trao đổi thông tin…
Ba là, chú trọng đào tạo các nhà giáo dục. Theo đó, đào tạo về quyền con người và các phương pháp giáo dục quyền con người cho các nhóm chuyên môn liên quan – bao gồm dành cho giáo viên, cán bộ giảng dạy giáo dục đại học và các nhân viên giáo dục khác – là một thành phần ưu tiên của bất kỳ kế hoạch giáo dục quyền con người nào trong hệ thống giáo dục chính quy cũng như không chính quy.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục quyền con người, cụ thể là môi trường học tập và môi trường xung quanh rộng hơn, chẳng hạn như gia đình và cộng đồng địa phương. Theo đó, các quốc gia nên thực hiện các biện pháp khuyến khích việc tổ chức và tham gia vào các hoạt động giáo dục quyền con người. Những nỗ lực giáo dục quyền con người cho thanh thiếu niên cũng phải đi kèm với các biện pháp tăng cường bảo vệ và thực hiện quyền con người của nhóm đối tượng này. Hành động trong mỗi hợp phần này cần thu hút thanh niên làm đối tác chính ở tất cả các giai đoạn: lập kế hoạch, thiết kế, thực hiện và theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện[3].
2. TÌNH HÌNH VÀ MỘT SỐ GỢI Ý ĐỐI VỚI GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
a) Tình hình giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam
Hiện nay, giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam có mấy “cấp độ” sau đây:
- Đối với sinh viên chuyên ngành Luật
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều cơ sở đào tạo cử nhân luật, trong đó 3 cơ sở đào tạo lớn nhất là Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. Trong số này, ngoại trừ hai cơ sở là Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Luật, Đại học quốc gia Hà Nội có một môn học riêng về quyền con người, ở các cơ sở khác, sinh viên hiện mới được nghiên cứu các nội dung về quyền con người lồng ghép trong chương trình học của một số ngành luật có liên quan, mà chủ yếu là Luật Quốc tế, Luật Hiến pháp Việt Nam, Luật Hiến pháp nước ngoài…
- Đối với sinh viên một số ngành khác
Ngoài sinh viên ngành luật, một số trường đại học khác có học môn “Luật Quốc tế” (như Học viện Quan hệ quốc tế, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát...) thường có nhiều nội dung về quyền con người. Bên cạnh đó, ở những cơ sở đào tạo này, vấn đề quyền con người còn được giới thiệu khái quát bằng cách lồng ghép vào nội dung của một số môn học khác có liên quan, cụ thể như các môn học “Nhà nước và pháp luật đại cương” hoặc “Pháp luật đại cương”… Ngoài ra, quyền con người có thể được lồng ghép vào giảng dạy ở nhiều môn học khác nhau.
b) Một số gợi ý đối với giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam
Theo tư tưởng của Liên hợp quốc tại Kế hoạch cho giai đoạn thứ 4 về giáo dục quyền con người, giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay cần chú ý một số điểm sau đây:
Một là, về mặt nội dung giáo dục quyền con người, do thanh niên là độ tuổi đã bước vào giai đoạn trưởng thành, nên cần cung cấp và chia sẻ những kiến thức mang tính rộng lớn hơn về quyền con người và những tri thức giúp họ có thể áp dụng trực tiếp trong thực tiễn về bảo vệ quyền con người.
Ở góc độ rộng, sinh viên cần được chia sẻ kiến thức về quyền con người trong mối quan hệ với các trụ cột lớn khác mà nhân loại quan tâm, đó là vấn đề hoà bình, phát triển bền vững cũng như những thách thức toàn cầu đối với việc bảm đảm quyền con người trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng rất đề cao vai trò của thanh niên, coi đây vừa là chủ thể quan trọng, vừa là chủ thể thụ hưởng thành quả của phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi trong giáo dục quyền con người ở giáo dục đại học, cần coi đây là những chủ đề lớn, tạo sự thu hút đối với các mối quan tâm của sinh viên khi học tập, nghiên cứu về quyền con người.
Ở khía cạnh cung cấp những kiến thức để có thể giúp sinh viên vận dụng vào thực tiễn ngay cả khi đang ngồi trên giảng đường, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng các nội dung liên quan đến quyền của thanh niên cũng như những vấn đề quyền con người gắn với lứa tuổi thanh niên, gắn với cuộc sống hàng ngày của họ. Đặc biệt, đối với sinh viên, quyền được tham gia có lẽ là nhóm quyền cần được chú trọng. Cần cung cấp những tri thức cần thiết để sinh viên có thể tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật ở tất cả các cấp chính quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến thế hệ trẻ.
Hai là, về phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học, cần chú trọng sự đa dạng, linh hoạt khi lựa chọn các cách thức truyền tải quyền con người cho sinh viên. Theo đó, bên cạnh việc thực sự lấy người học làm trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng sự trải nghiệm của sinh viên khi học tập, nghiên cứu về quyền con người. Sự trải nghiệm này có thể triển khai qua các hoạt động thực tiễn như thể thao, phim ảnh, nghệ thuật (kịch, sân khấu hoá…), văn hóa, trò chơi, kể chuyện, v.v.. Bản thân sinh viên cũng cần được trao quyền để tự đề xuất các phương pháp thích hợp để họ trình bày quan điểm, tiếng nói của mình trong quá trình học tập. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học cần tạo điều kiện cho sự học tập ngang hàng, tức sinh viên học tập lẫn nhau thông qua trao đổi, thảo luận, đối thoại, tương tác thường xuyên trên giảng đường cũng như trong cuộc sống thường nhật. Chính đây là sự kết nối cảm xúc và tăng cường sự thấu hiểu giữa sinh viên với nhau, từ đó tự nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ về quyền con người.
Ba là, tăng cường đào tạo/bồi dưỡng/cập nhật tri thức quyền con người và phương pháp giáo dục quyền con người cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và những người có liên quan trong các cơ sở đào tạo đại học. Đội ngũ này phải là những người am hiểu về quyền con người và khả năng vận dụng quyền con người trong thực tiễn công tác của mình. Bản thân các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, những người liên quan trong các cơ sở giáo dục đại học phải là những tấm gương sống động về thực hành quyền con người cho sinh viên học tập, noi theo.
Bốn là, cần từng bước xây dựng môi trường giáo dục đại học mang đậm giá trị quyền con người, tiến tới xây dựng văn hoá quyền con người trong nhà trường, cộng đồng, xã hội. Mỗi cơ sở giáo dục đại học là một môi trường rộng mở cho việc học tập, nghiên cứu và thực hành quyền con người đối với mọi chủ thể, trong đó cần đưa sinh viên là chủ thể chính trong tất cả các khâu của mọi hoạt động của nhà trường.
3. KẾT LUẬN
Giáo dục quyền con người cho thanh niên nói chung, cho thế hệ trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học nói riêng là mối quan tâm rất lớn của Liên hợp quốc, đặc biệt trong bối cảnh nhân loại đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, giáo dục quyền con người trong các trường đại học ở Việt Nam cũng cần có những trọng tâm cả về nội dung lẫn phương pháp, cả từ phía đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đến bản thân sinh viên, và điều quan trọng là cần xây dựng một môi trường rộng mở cho việc nghiên cứu, giáo dục và thực hành quyền con người, tiến tới xây dựng một nền văn hoá quyền con người, trong đó thế hệ trẻ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng những thành quả của quyền con người trong một xã hội phồn vinh, hạnh phúc./.
PGS.TS. Lê Văn Trung
Viện Quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh
[1] Nghị quyết A/52/469/Add.1 ngày 20/10/1997 của Đại hội đồng Liên hợp quốc
[2] Bản tổng kết của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc http://www.unhchr.ch/html/menu6/1/initiatives.htm.
[3] https://www.ohchr.org/en/resources/educators/human-rights-education-training/world-programme-human-rights-education/fourth-phase-2020-2024-world-programme-human-rights-education