Giáo dục quyền con người được coi là một cách để xây dựng và đẩy mạnh kiến thức về quyền con người cũng như những thái độ và kỹ năng cần thiết để thực hiện quyền con người. Ở Việt Nam giáo dục quyền con ngừời có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để quần chúng nhân dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" của các đối tượng thù địch, chống phá.
Giáo dục quyền con người được coi là một cách để xây dựng và đẩy mạnh kiến thức về quyền con người cũng như những thái độ và kỹ năng cần thiết để thực hiện quyền con người. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để mọi người có thể thực hiện quyền con người như một thói quen, các chủ thể của quyền cần nắm rõ quyền của họ và có thái độ, kỹ năng để đấu tranh cho các quyền đó, còn các chủ thể có nghĩa vụ cần hiểu rõ nghĩa vụ thực hiện quyền con người của họ và có thái độ và kỹ năng tôn trọng, bảo vệ đầy đủ các quyền con người. Thông qua đó góp phần tạo ra một nền văn hóa phổ quát về quyền con người, nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa các hành vi vi phạm và giúp người thụ hưởng nói chung biết cách tự bảo vệ các quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác. Ở Việt Nam giáo dục quyền con ngừời có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục – đào; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để quần chúng nhân dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" của các đối tượng thù địch, chống phá. Đề án 1309 của Chính phủ ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị nêu trên
- Quan điểm về giáo dục quyền con người của Liên Hợp quốc
Với chức năng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần có phương thức nhằm nâng cao hiểu biết về quyền con người cho mọi thành viên trong xã hội, từ người hưởng quyền đến những con người thực thi quyền, trong phạm vi rộng, có sự liên kết giữa các quốc gia, khu vực trong công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định: “Tuyên ngôn này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục,…”. Tiếp đó, giáo dục quyền con người tiếp tục được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc như là một trong các biện pháp nhằm thực thi các quyền con người trên thực tế như Điều 13 Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, hay Điều 2 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị tuy năm 1966.
Tiếp đó, trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993, Hội nghị thế giới về quyền con người tái khẳng định rằng: “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm rằng giáo dục phải nhằm mục đích tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản”. Đồng thời nhấn mạnh: “Giáo dục cần nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, hoà bình và quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo”. Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua Nghị quyết số 49/84 tuyên bố thực hiện Thập kỷ giáo dục quyền con người giai đoạn 1995-2004 trên toàn thế giới, trong đó Đại hội đồng đã coi giáo dục quyền con người là “một quá trình lâu dài mà con người ở tất cả các trình độ phát triển và tất cả các tầng lớp xã hội đều được học cách tôn trọng đối với phẩm giá của người khác và học về các phương tiện, cách thức để đảm bảo sự tôn trọng đó trong tất cả các xã hội”. Đồng thời trong Tuyên bố về Thập kỷ giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc cũng đã định nghĩa giáo dục quyền con người là các hoạt động “đào tạo, phổ biến và thông tin nhằm xây dựng một nền văn hóa phổ biến về quyền con người thông qua việc truyền đạt các kiến thức, các kỹ năng và tạo nên thái độ nhằm vào tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; Thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ…”. Năm 2011, Liên hợp quốc cũng đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và Đào tạo quyền con người, trong đó nhấn mạnh giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng “một nền văn hóa quyền con người” toàn cầu…
Như vậy, với tư cách là tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu thực hiện chức năng chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý và đề xuất các giải pháp cho các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu, trong các văn kiện đó, Liên hợp quốc đã bày tỏ rõ ràng về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, coi đó như một biện pháp nhằm thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người của tất cả các cá nhân, không có sự phân biệt nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo.
- Tầm quan trọng và những vấn đề đặt ra trong giáo dục quyền con người ở bậc đại học tại Việt Nam hiện nay
Quyền con người hay nhân quyền là một trong những giá trị pháp lý cơ bản và quan trọng của nhân loại. Đó là thành quả của sự phát triển lịch sử nhân loại, đặc trưng của xã hội văn minh. Quyền con người cũng là một quy phạm pháp luật, nó đòi hỏi tất cả mọi thành viên của xã hội, không loại trừ bất cứ ai, đều có quyền và nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền và tự do của mọi người. Quyền con người được quy định một cách rõ ràng, logic và hệ thống trong pháp luật thế giới và Việt Nam.
Theo Liên Hợp quốc, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và quyền tự do cơ bản của con người(1).
Nhiều nhà nghiên cứu diễn đạt quyền con người là những sự được phép mà tất cả các thành viên của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội...; đều có ngay từ khi sinh ra, đơn giản chỉ vì họ là con người. Quan niệm này mang đậm dấu ấn của học thuyết về các quyền tự nhiên.
Ở Việt Nam, khi đề cập đến khái niệm quyền con người, đã có nhiều nhà khoa học, chuyên gia có quan niệm chung coi quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận về pháp lý quốc tế.
Trong quá trình phát triển về nhận thức và thực tiễn, quyền con người luôn mang những dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của xã hội loài người.
Đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục quyền con người đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều tổ chức quốc tế đã có những chương trình hành động lớn và rộng khắp trên thế giới về nhân quyền. Trong nước, giáo dục quyền con người đã trở thành một phần trong chương trình giáo dục của nhiều nước, tuy có sự khác nhau về phạm vi, mức độ và cách thức tổ chức hoạt động. Giáo dục quyền con người đã được thực hiện trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, từ các trường cao đẳng đến đại học. Thực hiện Chiến lược giáo dục đào tạo, Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017, phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, hoạt động giáo dục quyền con người đã được tăng cường thêm một bước, xét cả về nội dung và phạm vi tổ chức. Mặc dù quyền con người không phải là một phạm trù dễ hiểu nhưng việc giáo dục quyền con người với mức độ nhất định và bằng các phương pháp phù hợp trong các trường cao đẳng, đại học là cần thiết và có thể thực hiện được. Thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động giáo dục nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu như giáo dục nhân quyền ở cấp độ phổ thông nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ hành xử đúng đắn cho các công dân trẻ trong các vấn đề về quyền con người, cả ở hiện tại và trong tương lai, thì mục tiêu của giáo dục nhân quyền ở cấp độ đại học trong các trường chuyên luật là để đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo cử nhân Luật, trong đó 3 cơ sở đào tạo lớn nhất là Đại học Luật Hà Nội (khoảng 10.000 sinh viên), Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh (khoảng 9.000 sinh viên), Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội (khoảng 3.200 sinh viên). Các cơ sở đào tạo khác là Khoa Kinh tế - Luật trực thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học Khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Huế, Khoa Luật - Đại học Cần Thơ, Khoa Luật - Đại học Đà Lạt, Khoa Luật Kinh tế - Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) và Khoa Luật kinh tế - Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh và một số cơ sở đào tạo khác. Trong số này, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội có một môn học riêng về quyền con người, ở các cơ sở khác, sinh viên hiện mới được nghiên cứu các nội dung về quyền con người lồng ghép trong chương trình học của một số ngành luật có liên quan là Luật quốc tế, Luật hiến pháp Việt Nam, Luật hiến pháp nước ngoài. Quyền con người được chú trọng đưa vào thành học phần bắt buộc tại các cơ sở như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đứng trước xu thế mới, các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật tập trung nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về quyền con người. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội đưa vào đào tạo chương trình Thạc sỹ Pháp luật về quyền con người. Đã có nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước thảo luận về vấn đề quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu thực trạng nội dung giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam chúng tôi thấy có một số vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất, về nội dung chưa có hướng dẫn thống nhất cho môn học quyền con người trên phạm vi toàn quốc, điều đó gây khó khăn cho các trường đại học trong việc biên soạn giáo trình, tài liệu học tập nhất là với những môn học nâng cao, chuyên sâu khi các cơ sở đào tạo tự chủ biên soạn giáo trình, tài liệu học tập.
Thứ hai, đối với các trường chuyên luật, môn học về quyền con người thường được xếp vào nhóm các môn học tự chọn, điều này chưa phản ánh tính chất quan trọng của môn học này, bởi suy cho cùng thì mọi quy định của pháp luật cũng chỉ là để bảo vệ quyền, thực tiễn này gắn bó với các sinh viên luật theo đuổi hoạt động nghề luật trong cả cuộc đời.
Thứ ba, nội dung giáo dục quyền con người trong các trường đại học còn hạn chế, thiên về lý luận, gắn với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà chưa đi sâu phân tích các học thuyết quan điểm phổ biến khác về quyền con người trên thế giới. Điều này dẫn đến kết quả học tập, nghiên cứu phiếm diện chưa phản ánh thực tiễn đời sống học thuật thế giới hiện nay.
Thứ tư, nội dung giáo dục quyền con người quá đề cao kiến thức mà coi nhẹ kỹ năng, chưa gắn chặt với thực tiễn đã phản ánh cách tiếp cận thiếu cân bằng chưa phản ánh được cách tiếp cận hiện đại hiện nay - cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu, giảng dạy giáo dục quyền con người ở bậc đại học.
3. Một số giải pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay
Một là, Nhà nước và xã hội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng giáo dục quyền con người để giúp các em định hướng, hiểu được những giá trị bản thân, lòng tự tôn và bản sắc văn hóa của dân tộc, sự bình đẳng và tôn trọng giữa các quốc gia trong khu vực; nhằm góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới (Nordin. R, Shapiee. R, 2012).
Hai là, hoàn chỉnh khối kiến thức và phương pháp dạy học mới trong giáo dục môn học quyền con người, xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn; đưa nhiều ví dụ minh họa thực tế vào bài giảng; tránh phương pháp dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thiên nhiều về lý thuyết; tạo tâm lý nhàm chán cho sinh viên khi học môn học này.
Quyền con người là môn học nặng tính lý thuyết bởi khi học môn này sinh viên phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức lý thuyết lớn bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người. Chính vì lý do đó, giảng viên nên sử dụng phương pháp giảng dạy theo tình huống hay case study, áp dụng các bài học thực tế, phân tích tình huống luật để áp dụng các điều luật sẽ tránh gây nhàm chán trong quá trình giảng dạy.
Về mặt pháp lý, nội dung của quyền con người nằm ở nhiều văn bản. Vì vậy, giảng viên cần định hướng cho sinh viên tư duy tổng hợp, tích hợp việc phân tích, nghiên cứu các văn bản pháp lý trong và ngoài nước, tránh việc một lúc truyền thụ cho sinh viên một khối lượng lớn kiến thức lý thuyết. Như vậy, giảng viên chính là người định hướng cho sinh viên những tài liệu liên quan đến môn học, giúp sinh viên nghiên cứu quyền con người qua việc tìm hiểu các quy định của quốc tế về vấn đề này (Sherlawa., W, Hudebine, 2015).
Cần thường xuyên cho sinh viên trao đổi thảo luận về quyền con người trên lớp thông qua việc cho sinh viên làm bài tập lớn theo nhóm, cho sinh viên đóng vai luật sư tư vấn, diễn thuyết vấn đề nghiên cứu... Người giảng viên cần thiết tích hợp giữa giảng dạy và định hướng cho sinh viên đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần cho sinh viên viết bài nghiên cứu theo chủ đề về quyền con người, các bài tập tình huống về các vấn đề về quyền con người theo quy định của Luật quốc tế...Những phương pháp này sẽ giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả kiến thức và có khả năng nghiên cứu khoa học.
Cần thường xuyên cho sinh viên tham gia hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, bồi dưỡng chuyên môn... Qua những hoạt động này sẽ giúp sinh viên tiếp nhận kiến thức mới một cách dễ dàng, bên cạnh đó còn giúp sinh viên định hướng và lựa chọn những vấn đề nghiên cứu mới.
Khuyến khích sinh viên thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành để sinh viên có thế cùng nhau học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo tháng, học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mặc, khó khăn trong quá trình học tập môn học; để từ đó, cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tích cực.
Ba là, biên soạn giáo trình, sách và tài liệu giáo dục cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể. Hiện nay, chưa có giáo trình chung, thống nhất; chưa có đầy đủ tài liệu cho việc giáo dục quyền con người theo từng nhóm đối tượng. Vì thế, cần phải xây dựng các tài liệu giáo dục quyền con người cho từng nhóm chủ thể, từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu và đảm bảo gắn kết cả nội dung giáo dục quyền con người và nội dung giáo dục quyền công dân.
Bốn là, nên đưa chương trình giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục đại học ở tất cả các ngành học. Việc này vừa đảm bảo tính thống nhất, tính liên thông của chương trình, vừa đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước, tránh tình trạng phụ thuộc vào các dự án, nguồn tài chính..., đồng thời đảm bảo trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng tham gia hoạt động giáo dục này. Bên cạnh đó, cần sớm đưa môn học này vào chương trình chính khóa từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông; hệ cao đẳng, đại học. Đưa môn học quyền con người vào một số trường đại học có các bậc hệ đào tạo chuyên và không chuyên luật. Điều này giúp sinh viên có ý chí phấn đấu nhằm khẳng định được giá trị của bản thân trước bối cảnh hội nhập quốc tế.
Năm là, chú trọng cung cấp phương pháp luận nhận thức, giới thiệu các quan điểm khác nhau về nhân quyền trong lịch sử và đương đại; các chuẩn mực nhân quyền quốc tế trong sự đối chiếu, so sánh rất cụ thể với các quy định pháp luật của Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, giúp sinh viên nắm được những điểm tiến bộ, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền con người với pháp luật quốc tế.
Sáu là, xác định các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục riêng, thích hợp với điều kiện, khả năng của từng đối tượng giúp việc truyền tải nội dung giáo dục một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Đối với dân tộc thiểu số, cần dịch nội dung giáo dục sang tiếng dân tộc; đội ngũ tuyên truyền, giáo dục cho dân tộc thiểu số chính là trưởng bản, những cán bộ người dân tộc đã được đào tạo trở thành cốt cán. Hình thức giáo dục có thể thông qua các hoạt động văn hóa của làng, xã, bằng tranh ảnh, panô, áp phích, tờ rơi, đài truyền thanh, đài phát thanh truyền hình, phim và các loại hình nghệ thuật khác.
Bảy là, đào tạo đội ngũ cốt cán, giảng viên. Đây là điều kiện bắt buộc để có thể đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy trong chương trình giáo dục đại học. Trước mắt, có thể đào tạo giảng viên từ đội ngũ giảng viên đang dạy các môn có liên quan và đây sẽ là những giảng viên cho cả môn học này chứ không chỉ tạm thời, kiêm nhiệm. Đội ngũ giảng viên này phải được đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học trong hệ thống giáo dục nhà nước. Giáo dục về quyền con người có mối quan hệ mật thiết với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, do đó, về chiến lược có thể đào tạo đội ngũ giảng viên từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường luật, chính trị.
Tám là, tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để hỗ trợ cho các hình thức, phương pháp giáo dục, cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, thông tin về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà nước cần có chính sách đầu tư nguồn lực, kỹ thuật thích hợp cho các cơ quan thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí để các cơ quan này có điều kiện thuận lợi thực hiện hoạt động của mình. Đồng thời, các cơ quan thông tin đại chúng cần coi hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó xây dựng các chuyên mục, chương trình thường xuyên, liên tục và rộng khắp cho hoạt động này.
Chín là, bảo đảm các điều kiện kinh phí, vật chất phục vụ hoạt động giáo dục quyền con người. Để tạo ra được nguồn lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân trong thời gian tới, hàng năm, Nhà nước cần có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, hội thảo khoa học về quyền con người.
Giáo dục quyền con người ở Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để quần chúng nhân dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài “nhân quyền” của một số nước phương Tây và các thế lực phản động, thù địch chống phá quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trên thế giới, phạm vi và trình độ giáo dục nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Mặc dù, đã có những tiến triển trong hai thập kỷ qua song giáo dục nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển chung trên thế giới và chưa đáp ứng nhu cầu giáo dục nhân quyền ở trong nước. Những trở ngại chính trong giáo dục nhân quyền ở Việt Nam hiện nay liên quan đến các vấn đề như trình độ hạn chế và sự thiếu hụt giảng viên; phương pháp giảng dạy lạc hậu; sự thiếu hụt các nguồn tài liệu tham khảo.
Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, cần thiết tập trung và việc thúc đẩy phát triển các nhân tố sau (i) Đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên theo định hướng năng lực; (ii) Tận dụng các nguồn vốn từ tài trợ nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ công tác bồi dưỡng và đào tạo; (iii) Nhanh chóng tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và tài liệu từ các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế thông qua các hội thảo khoa học quốc tế về vai trò và ý nghĩa của giáo dục nhân quyền; từ đó, tạo cơ sở hoạch định chính sách, thúc đẩy phát triển hoạt động giáo dục quyền con người phù hợp với xu thế mới.\
Một khi có nhận thức phù hợp và quyết tâm chính trị cao trong việc thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp và nhanh chóng. Cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục nhân quyền ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách của quốc gia cần nhận thức rõ hơn về vai trò của giáo dục nhân quyền, các yêu cầu và ý nghĩa của hoạt động này với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
TS. Cao Anh Đô
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
(1) OHCHR, Freequently Askes Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr.1.
(1) Akiri A. A. (2013), Students’ and Human Rights Awareness in Secondary Schools’ Environment in Delta State, E Journal of Education Policy.
(2) Brander, P., Keen, E. Lemineur, & M.-L. (Eds.) (2002). Compass. A manual on Human Rights education with young people. Strasbourg: Council of Europe Publishing.
(3) Daraweesh., F. A (2013), Human Rights and Human Rights Education: Beyond the Conventional Approach, In Factis Pax Volume 7 Number 1 (2013): 38-58.
(4) Linh, P. T (2018): Phát triển đội ngũ giảng viên theo tiếp cận năng lực tại CHLB Đức, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh.
(5) Manuchehr T., N (2010), UNO and the Human rights education, Procedia Social and Behavioral Sciences 2 (2010) 1249-1252.
(6) Nordin. R, Shapiee. R (Eds) (2012), Designing human rights subject based on students’ need, Procedia - Social and Behavioral Sciences 59 ( 2012 ) 715-722.
(7) Sherlawa., W, Hudebine., H (2015), The United Nations Convention on the rights of persons with disabilities: Opportunities and tensions within the social inclusion and participation of persons with disabilities, ALTER European Journal of Disiability Reasearch 9 (2015) 9-21.
(8) United Nation (2018), UN Charter, San Francisco, California, US.