1. Đặt vấn đề

Có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau về QCN do có sự đa dạng về hệ tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá, trình độ phát triển kinh tế - xã hội... QCN cũng trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Việc đưa vấn đề QCN thành các điều kiện trong các quan hệ hợp tác quốc tế về kinh tế, là điều kiện để xem xét kết nạp thành viên hay nhận viện trợ, cho vay đã khiến cho các quan hệ giữa các quốc gia ngày càng trở nên phức tạp, thậm chí còn mang tính nhạy cảm trong quan hệ chính trị quốc tế đương đại.

Từng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và phải trả bằng xương, máu của nhiều thế hệ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam hiểu hơn bao giờ hết giá trị của độc lập, tự do, khát vọng về quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Xét về bản chất, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta trong suốt các thời kỳ cách mạng đều tôn trọng và bảo đảm QCN. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà khái niệm QCN không được đề cập đến trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong một thời kỳ dài. Bản Hiến pháp năm 1992, sản phẩm của thời kỳ đổi mới, được coi là bản Hiến pháp đạt tới sự phát triển cao trong việc hoàn thiện các quyền của công dân nhưng vẫn chưa tách bạch được QCN và quyền cơ bản của công dân. Phải đến Hiến pháp năm 2013, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề QCN mới tiếp tục được làm rõ. Hiến pháp năm 2013 không chỉ phát triển các quyền tự do cơ bản của công dân mà còn đặc biệt chú trọng đến các QCN; xem QCN là hạt nhân của các chế định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là bản hiến pháp đã được thiết kế dựa trên tư duy lập hiến hiện đại - tư duy tiếp cận dựa trên QCN. Tổng kết 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đánh giá sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đề ra quan điểm, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo, trong đó chỉ rõ những thành tựu và những mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo để tiếp tục bảo vệ, thúc đẩy QCN.

Bài viết đề cập đến những quan điểm mới của Đảng ta về bảo đảm QCN trong Văn kiện Đại hội XIII và việc vận dụng quan điểm này vào thực tiễn nước ta hiện nay.

2. Những quan điểm cơ bản về bảo đảm QCN trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Thứ nhất, Đảng ta khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vì bảo vệ, thúc đẩy QCN.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo vệ và thúc đẩy QCN trong thời kỳ mới. Nội dung cốt yếu của Văn kiện bao gồm Báo cáo chính trị đề cập tới những vấn đề lớn được trình bày theo hướng tổng quát; Báo cáo kinh tế - xã hội đi sâu, cụ thể hóa vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua và xác định những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu giải pháp phát triển trong 5 năm tới (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới (2021-2030). Có thể nói, Văn kiện Đại hội XIII đã có những kiến giải sâu sắc tổng kết thực tiễn qua 35 năm đổi mới ở nước ta. Một trong những điểm mới trong văn kiện này là sự phát triển quan điểm của Đảng về vai trò của con người và phát huy nhân tố con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Với hướng tiếp cận dựa trên QCN, các vấn đề được nêu trong Văn kiện đều quy tụ vào mục đích đổi mới vì dân, các mục tiêu phát triển đều hướng đến mục tiêu phát triển vì con người, thực hiện những quyền cơ bản của con người được xác định trong Hiến pháp năm 2013. Tất cả các nhiệm vụ tổng quát được xác định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm tới đều là những định hướng chính sách lớn nhằm bảo vệ QCN trong bối cảnh toàn cầu hóa và vấn đề giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia trở thành một thách thức lớn.

Đảng ta đề ra mục tiêu: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1, và cụ thể là: “Đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: là nước phát triển, có công nghiệp đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”2. Trong 10 năm tới, Đảng ta xác định: “Phát triển con người toàn diện (...), bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, (...); chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân”3.

Có thể nói, phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc bảo đảm, thúc đẩy QCN. Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường chính là bảo đảm QCN về kinh tế, văn hoá và xã hội. Thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, trong đó tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội có ý nghĩa quan trọng. Vì thế tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, ..., thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững... Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân... Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả”4.

Như vậy, Đảng xác định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với từng bước thực hiện công bằng xã hội và các chính sách phát triển nhằm đảm bảo cuộc sống và các quyền phát triển cho mọi người dân, vì suy cho cùng “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu”5. Cho nên, “dân là gốc” là quan điểm xuyên suốt trong từng chính sách và toàn bộ quá trình phát triển. Thành quả của sự phát triển đó phải phục vụ lại cho Nhân dân, chủ thể thụ hưởng thành quả đó chính là Nhân dân. Lý thuyết và thực tiễn đã chứng minh rõ, mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước dù hay đến mấy mà không có Nhân dân thực hiện thì chủ trương, đường lối, chính sách đó “cũng chỉ nằm trên giấy”, không thể trở thành của cải, vật chất nuôi sống con người, nuôi sống Nhân dân và thúc đẩy xã hội phát triển. Vì thế, Đảng ta khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thực sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”6.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải: “Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”7. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo QCN. Bởi lẽ,  lịch sử Việt Nam và nhiều nước vừa trải qua đấu tranh giành độc lập đã chứng minh, đất nước bị nô lệ thì người dân không thể có tự do, các QCN sẽ bị chà đạp nghiêm trọng. Nhiệm vụ tổng quát này đã được cụ thể hóa bằng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ kinh tế - quốc tế, tất cả để thực hiện mục tiêu chung. Đó là tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng không để đất nước rơi vào vòng xoáy xung đột và bị chi phối bởi các liên minh quân sự, nhằm tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đảm bảo tốt nhất các QCN cho mọi người dân Việt Nam.

Như vậy, những quan điểm của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ QCN mà còn khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta sẽ làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện QCN trên thực tế. Điều đó được thực hiện thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy QCN ở Việt Nam.

Thứ hai, Đảng ta đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 35 năm đổi mới toàn diện đất nước nhằm khẳng định rõ nét kết quả bảo đảm, thúc đẩy QCN trong thực tế.

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước được Đảng ta khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”8. Thành tựu đó được thể hiện trên nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế... Tựu trung lại, tất cả các thành tựu đó đều phục vụ cho Nhân dân Việt Nam ngày một phát triển tốt hơn, toàn diện hơn, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển. Điều đó đã và đang khẳng định vững chắc thực tế là: cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, QCN ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm, thúc đẩy và phát triển tốt hơn. Điều đó được thể hiện trên các khía cạnh sau đây:

Một là, trên lĩnh vực quyền dân sự, chính trị.

Trên lĩnh vực dân sự, chính trị, quyền sống, quyền tự do, quyền dân chủ được Đảng và Nhà nước tiếp tục bảo vệ, thúc đẩy và phát triển: (1) Quyền sống được bảo vệ tốt, các hành vi xâm hại bất hợp pháp đến quyền sống đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh; các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm các điều kiện sống tiếp tục được cải thiện; (2) Quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do cư trú, v.v.. tiếp tục được Đảng và Nhà nước bảo đảm theo khuôn khổ pháp luật Việt Nam và điều kiện kinh tế - xã hội; (3) quyền của người bị tạm giam, bị bắt và đang chấp hành hình phạt tù tiếp tục được bảo đảm theo quy định pháp luật Việt Nam và chuẩn mực pháp luật nhân quyền quốc tế; (4) Quyền dân chủ tiếp tục được phát huy sâu rộng. Đảng ta đã chỉ rõ, trong thời gian qua đã thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; chú trọng thực hiện dân chủ cả trực tiếp và đại diện, nhất là ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu ở nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân9.

Hai là, trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá.

Kinh tế tiếp tục được phát triển, quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.779 USD, gấp 1,3 lần so với 201510; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục đổi mới và có bước phát triển, đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), trong đó chuyển dần từ việc cung cấp kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường11; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi duy trì ở mức thấp và giảm dần (khu vực thành thị giảm từ 3,37% xuống 3,1% năm 2019, năm 2020 do dịch Covid-19 nên tỷ lệ này tăng lên mức 3,88%); tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, đạt khoảng 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 24,5%12 tăng so với năm 2015 (19,9%) .

Phát triển văn hoá, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng: tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90,7% tăng mạnh so với năm 2015 (76,5%), vượt mục tiêu đề ra là 80%; chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19; tuổi thọ bình quân năm 2020 đạt khoảng 73,7 tuổi tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi); giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em (tỷ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống giảm từ 58 ca năm 2016 xuống còn khoảng 45,8 ca năm 2020); số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 28 giường vào năm 2020, vượt mục tiêu đề ra là 26,5 giường. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm, từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn dưới 3% vào năm 2020; diện tích bình quân nhà ở tăng từ 22m2/người năm 2015 tăng lên 24m2/người năm 202013.

Ba là, về quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Thực hiện tốt các quyền trẻ em; công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục được chú trọng; đã kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng từng bước được cải thiện14.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai rộng khắp từ Trung ương đến địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, đầy đủ hơn, bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực, phân cấp khá triệt để cho các địa phương thực hiện; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện15.

Những thành tựu đã đạt được đó cho thấy, tất cả mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước suy cho cùng đều vì mục tiêu bảo vệ, thúc đẩy QCN ở Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, Đảng ta đã đề ra các nhiệm vụ tiếp tục bảo đảm tốt QCN trong thời gian tới.

Để đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, nước ta phải tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hoà bình, ổn định16. Cụ thể, về kinh tế, GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.500 USD; chỉ số HDI duy trì trên 0.7; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%17. Để thực hiện được yêu cầu này, Đảng ta xác định trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững18.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân19.

Ba là, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch20; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp21.

Bốn là, tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân22.

3. Vận dụng các quan điểm về bảo đảm QCN của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ XIII vào thực tiễn

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về bảo đảm QCN vào thực tiễn, phục vụ tốt trong nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề về QCN.

Việc nghiên cứu, giảng dạy đúng đắn các quan điểm của Đảng ta về bảo đảm QCN vừa giúp khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, vừa tránh hiểu sai dẫn đến thực hiện không đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực QCN. Đây cũng là biện pháp để ngăn ngừa các thế lực thù địch lợi dụng việc giáo dục kiến thức về nhân quyền để tuyên truyền phổ biến những nội dung trái với quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hòng thực hiện nhiều mưu đồ về chính trị khác. Đây là biện pháp tốt nhất để tránh các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề QCN hòng chống phá cách mạng nước ta.

Việc trang bị quan điểm của Đảng về quyền con người cho cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan công quyền có ý nghĩa thực tế to lớn. Hơn ai hết, những người đại diện cho Nhà nước phải là những người có kiến thức về vấn đề QCN nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và có hành vi ứng xử đúng đắn nhằm hạn chế đến mức tối đa sự vi phạm các quyền con người.

Việc vận dụng quan điểm của Đảng về bảo đảm QCN theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII trong nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề về QCN cần kết hợp sử dụng các hình ảnh, tư liệu thực tế trong và ngoài nước để chứng minh cho người học thấy được đó là quan điểm đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và trên thế giới. Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, cần gắn kết quan điểm này với chương trình chính sách phát triển đã và đang được triển khai trong thực tế, gắn với pháp luật của Nhà nước. Để làm tăng tính sinh động, đồng thời tăng sự tham gia tích cực từ phía người học, chúng ta cần khuyến khích các hoạt động trao đổi, thảo luận, sử dụng phương pháp đóng vai; hay đưa ra tình huống cụ thể để người học tham gia giải quyết vấn đề.

Thứ hai, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển hoá các quan điểm của Đảng về bảo đảm QCN theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII vào chính sách, pháp luật Việt Nam.

Một là, khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo đảm quyền con người, trong đó cần chỉ ra rằng mục tiêu của mọi chương trình, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước ta đều hướng đến mục đích đảm bảo tốt hơn các QCN trong thực tiễn. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII. Do đó, các cán bộ của Đảng, Nhà nước, những người hơn ai hết phải hiểu rõ về quan điểm này bởi Nhà nước là chủ thể chủ yếu có trách nhiệm bảo vệ các quyền con người nhưng đồng thời đây cũng chính là chủ thể có nhiều khả năng vi phạm các quyền con người. Điều đó đòi hỏi cần phải cung cấp những kiến thức về cách tiếp cận dựa trên quyền trong hoạch định và thực thi chính sách công cho những học viên, đặc biệt là học viên là cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền; cần chỉ rõ mọi chính sách đều phải đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển, phải coi việc tôn trọng và bảo đảm các QCN là mục tiêu; bảo vệ QCN phải là nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước.

Hai là, khẳng định quan điểm của Đảng về bảo đảm QCN, chúng ta cần phải hiện thực hoá mục tiêu kết hợp giữa phát triển kinh tế với việc đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển. Đảng ta luôn nhận thức rằng, quyền được hưởng thành quả của sự phát triển đất nước, cũng như được phân phối công bằng của cải xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo lập ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước. Thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhưng điều quan trọng hơn là tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội. Đảm bảo tốt mọi điều kiện để “dân được thụ hưởng” thành quả đổi mới đất nước, thành quả phát triển kinh tế - xã hội và thành quả xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, được xem là một trong những quan điểm quan trọng và mới của Đảng ta được đề cập trong Đại hội XIII.

Ba là, chúng ta cần khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là QCN gắn liền với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Đảm bảo độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi QCN. Đây là một định hướng chính trị quan trọng cho mọi hoạt động bảo vệ QCN của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội bất ổn; nguy cơ ly khai, xung đột tôn giáo, sắc tộc xảy ra ở nhiều nơi; vấn đề Biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp; sự tham gia ngày càng sâu rộng của chúng ta vào các thể chế kinh tế quốc tế... cần quán triệt quan điểm, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước trong xử lý các vấn đề trên, đó là “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng”23.

4. Kết luận

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 35 đổi mới đất nước được Đảng ta tổng kết và những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5, 10 năm tới được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, đã khẳng định rõ ràng, bảo đảm QCN thực sự trở thành mục tiêu, động lực và trung tâm của quá trình xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội, đồng thời qua đó phủ định lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá, thù địch.

Trong bối cảnh thế giới đa dạng hệ tư tưởng và các nền văn hóa dẫn đến có nhiều sự khác biệt về quan điểm, về cách thức hiện thực hóa các quyền con người, đặc biệt khi các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền hòng can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta thì việc giáo dục QCN cần được đề cao hơn nữa nhằm giúp các cấp, các ngành giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến QCN. Điều đó càng đòi hỏi hơn nữa việc nghiên cứu, chuyển hoá quan điểm của Đảng ta về QCN trong thực tiễn.

•TS. Đặng Viết Đạt* - ThS. Lê Xuân Sang**

(*) Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị khu vực IV

(**) Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Tài liệu trích dẫn

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.36.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.36.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.37-38.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr.47-48.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr.27-28.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd,  tr. 96.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr.48.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd,  tr. 78.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd,  tr. 70

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 8-9

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 35-36

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd,  tr. 41 - 42

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 41 - 48

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 44

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd, tr. 44 - 45

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd, tr. 217-218

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd, tr. 218-219

(18) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr. 175

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr. 175-176

(20) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr. 176

(21) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr. 179.

(22) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr. 177.

(23) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr. 163.