Nghiên cứu pháp luật về quyền con người là một lĩnh vực đã được thực hiện từ lâu trên thế giới, nhưng hiện vẫn còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, vì vậy, còn khá nhiều khía cạnh chưa được làm rõ. Bài viết này góp phần củng cố, bổ sung những tri thức về nghiên cứu pháp luật về quyền con người ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, bài viết bắt đầu bằng việc khái lược những nhận thức có tính phổ quát về phương pháp nghiên cứu khoa học; sau đó đi sâu phân tích những yêu cầu trong nghiên cứu luật học, và cuối cùng là tập trung chỉ ra những đặc trưng của nghiên cứu pháp luật về quyền con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

1. Khái lược về phương pháp nghiên cứu khoa học
Khoa học, theo một tác giả, là “hệ thống tri thức về mọi quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội, tư duy” (Pierre Auger). Nói cách khác, khoa học là sản phẩm trí tuệ của người nghiên cứu, phản ánh những tri thức mà họ đã tích luỹ được một cách có hệ thống, dựa trên các phương pháp nghiên cứu đáng tin cậy.
Nghiên cứu khoa học, xét một cách khái quát, là việc tìm kiếm những điều con người chưa biết, còn từ góc độ triết học, đó là hoạt động tư duy nhằm phát hiện bản chất của sự vật, hiện tượng là đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học là công việc tất yếu nhằm mở rộng tri thức của con người, nhờ đó giúp xã hội loài người liên tục phát triển. Có nhiều dạng thức nghiên cứu khoa học, song nhìn chung đều cần bảo đảm một số yêu cầu như: Controlled (kiểm soát được), Rigorous (nghiêm ngặt), Systematic  (hệ thống), Valid and and verifiable (có giá trị/hạn định và kiểm tra được), Empirical (thực nghiệm chứng tỏ được), và Critical (có phản biện) (Lê Mạnh Hải). Thêm vào đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng cần được thực hiện theo những trình tự nghiêm ngặt, mà thông thường bao gồm các bước như:  phát hiện “vấn đề” nghiên cứu; xây dựng giả thuyết; thu thập thông tin; xây dựng luận cứ lý thuyết; thu thập dữ liệu, xây dựng luận cứ thực tiễn; phân tích và thảo luận; kết luận và đề nghị (Phạm Văn Hiền).
Nghiên cứu khoa học phải được thực hiện thông qua các phương pháp khoa học. Phương pháp nghiên cứu khoa học (research method), có thể hiểu là những cách thức tư duy cụ thể để giải quyết các vấn đề/câu hỏi nghiên cứu. Khái niệm phương pháp nghiên cứu khác với khái niệm phương pháp luận (Methodology), mà có thể hiểu là “chỗ đứng”, góc tiếp cận của người nghiên cứu khi xem xét một sự vật hiện tượng (GS Đào Trí Úc). Phương pháp cũng khác với công cụ nghiên cứu ở chỗ về bản chất, phương pháp nghiên cứu cách thức để giải quyết vấn đề nghiên cứu (ví dụ: tổng hợp, thống kê, so sánh...), còn công cụ nghiên cứu là những ‘vật dụng’ cụ thể sử dụng trong nghiên cứu (ví dụ: bảng hỏi, mẫu, biểu...).
Vậy có những phương pháp nghiên cứu cụ thể nào? Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời thống nhất. Kể cả khi khu biệt vào trong từng lĩnh vực (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên...) thì số lượng và cách gọi các phương pháp nghiên cứu cũng tương đối khác nhau.
Ở góc độ rộng, có hai phương pháp suy luận chủ yếu (Lê Mạnh Hải), đó là: Thứ nhất là Diễn giải/diễn dịch (deductive) - mà đặc điểm là từ đặc tính chung suy ra những trường hợp riêng, hay từ hiện tượng phổ biến suy ra các biểu hiện cụ thể. Thứ hai là Quy nạp (inductive) - mà đặc điểm là từ một vài trường hợp riêng khái quát thành hiện tượng phổ biến (hay  từ một vài biểu hiện cụ thể, khái quát thành đặc tính chung). Ở góc độ cụ thể hơn, các phương pháp nghiên cứu phổ biến trong khoa học xã hội, bao gồm: tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh, khảo sát xã hội học (phỏng vấn sâu, dùng bảng hỏi...)...
Nói đến phương pháp nghiên cứu khoa học, cũng cần đề cập đến một số vấn đề khác có liên quan mật thiết, cụ thể như sau:
- Luận điểm (hay luận đề), luận cứ, luận chứng: luận điểm/luận đề được hiểu là giả thuyết khoa học mà người nghiên cứu nêu ra, thể hiện bằng một nhận định, đánh giá về một vấn đề khoa học nào đó. Luận cứ được hiểu là cơ sở lý luận, còn luận chứng được hiểu là dữ liệu, thông tin... dùng để chứng minh tính đúng đắn của luận điểm/luận đề (Lê Mạnh Hải).
- Cơ sở lý luận, giả thuyết khoa học: cơ sở lý luận được hiểu là những luận cứ lý thuyết đã được chứng minh bởi nhà khoa học đi trước mà sẽ được người nghiên cứu thừa nhận và áp dụng như là nền tảng cho hoạt động nghiên cứu của mình để tiết kiệm vật chất, thời gian, tài chính và làm cơ sở kiến giải cho những luận cứ thực tiễn. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về khoa học xã hội thường xác định lý thuyết về duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở lý luận nền tảng cho mọi công trình nghiên cứu. Trong khi đó, giả thuyết khoa học (Tiếng Anh: Scientific Hypothesis/Research Hypothesis) được xem một nhận định sơ bộ, một kết luận giả định về bản chất của sự vật, hiện tượng là đối tượng nghiên cứu, do người nghiên cứu đưa ra để chứng minh hoặc bác bỏ (Phạm Văn Hiền). Giả thuyết khoa học được cho rằng là “khởi điểm của mọi nghiên cứu khoa học” (Claude Bernard), là “mắt xích  giữa cái đã biết và chưa biết”, vì thế là yêu cầu bắt buộc phải xác định với người nghiên cứu. Yêu cầu với giả thuyết khoa học là phải chứa đựng dự đoán và mở ra cái mới trong khoa học, có sự liên hệ kiến thức khoa học cũ và mới, và có thể kiểm chứng được trong thực tế (Phạm Văn Hiền).
- Câu hỏi nghiên cứu (research question) được hiểu là điều chưa rõ về sự vật, hiện tượng mà cần tìm câu trả lời (Nguyễn Văn Tuấn). Câu hỏi nghiên cứu cũng yêu cầu bắt buộc phải xác định với người nghiên cứu, vì nó xuất phát từ vấn đề nghiên cứu (research problem). Một nghiên cứu có thể có một hoặc nhiều câu hỏi nghiên cứu để định hướng cho việc triển khai nghiên cứu. Thông thường câu hỏi nghiên cứu được hình thành sau khi đánh giá tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan và xác định được khoảng trống nghiên cứu. Như vậy, theo nghĩa khái quát, câu hỏi nghiên cứu cũng phản ánh luận điểm khoa học của tác giả, vì thế cần rõ ràng, cụ thể. Một câu hỏi nghiên cứu tốt phải FINER (F-Feasible-KHẢ THI; I-Interesting-THÚ VỊ; N-Novelty-TÍNH MỚI; E-Ethics-TÍNH ĐẠO ĐỨC; R-relevance-TÍNH LIÊN QUAN/ẢNH HƯỞNG) (Nguyễn Văn Tuấn).
- Mục đích/mục tiêu nghiên cứu cũng là một yêu cầu cần xác định trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam. Về tổng thể, mục đích/mục tiêu nghiên cứu trả lời câu hỏi “nhằm vào việc gì?” (For what?). Thông qua mục đích/mục tiêu nghiên cứu cho thấy ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu, vì thế nội dung mục này cần chứa trạng từ chỉ mục đích như: nhằm, để, góp phần,... (Phạm Văn Hiền).  
2. Phương pháp nghiên cứu luật học  
Luật học được xem là một ngành khoa học xã hội, vì vậy, xét tổng thể, nó chia sẻ các phương pháp nghiên cứu chung của khoa học xã hội. Dù vậy, có một số đặc trưng của hoạt động nghiên cứu trong ngành luật như: nghiên cứu học thuyết pháp lý; nghiên cứu các trường phái pháp luật; nghiên cứu xây dựng pháp luật; nghiên cứu thực tế áp dụng pháp luật... (Phạm Duy Nghĩa).
Nghiên cứu luật học cần chú ý đến các học thuyết chính trị-pháp lý thể hiện cách tiếp cận về pháp luật, mà có thể kể ra ba cách tiếp cận phổ biến, đó là (Phạm Duy Nghĩa): 
-Pháp luật Mác-xít: xem pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị, có tính giai cấp, khác nhau giữa các thể chế chính trị, lập pháp có vai trò chi phối, tư pháp không có quyền giải thích, phát triển pháp luật.
-Pháp luật thực chứng (David Hume, Jerremy Bentham, John Austin, Hart): luật phải tồn tại một cách rõ ràng qua hệ thống văn bản, là hệ thống quy tắc cư xử do nhà nước xác lập và bảo đảm thực hiện.
- Pháp luật tự nhiên (Aristotle, Plato, Thomas Aquinas, Thomas Hobbes, John Locke..): luật là những nguyên lý phổ quát, tự nhiên, vĩnh cửu về công bằng, công lý, xuất phát từ thực tại xã hội, không phải do con người tạo ra.
Ngoài ra, nghiên cứu luật học cũng cần chú ý đến các lý thuyết khoa học cụ thể trong ngành luật. Các lý thuyết này có thể hiểu là tập hợp các khái niệm, định nghĩa, giả thuyết được trình bày một cách có hệ thống, nhằm giải thích, dự báo các hiện tượng khoa học trong ngành luật. Đây chính là học lý của giới luật học và là giá trị tạo nên niềm tin của người dân vào pháp luật. Trong nghiên cứu luật học, cần liên tục mở rộng khảo sát đến nhiều lý thuyết khác nhau, đặc biệt là các lý thuyết mới để phân tích, so sánh tìm điểm giống, khác, đánh giá để xác định những ưu, nhược điểm của chúng. Không nên định kiến, “dán nhãn”, hay gắn chặt với một học thuyết/lý thuyết nào vì các học thuyết có cả sự xung đột và giao thoa và theo quan điểm duy vật biện chứng, đều có thể biến đổi cả về giá trị và nội dung theo thời gian. Dù vậy, cần lựa chọn một lý thuyết phù hợp với vấn đề và bối cảnh nghiên cứu để làm “chỗ đứng” cho việc phân tích khi nghiên cứu. 
Nghiên cứu luật học bậc cao cần đặt mục tiêu phát triển mô hình lý thuyết (theory building) mà về bản chất là sự suy rộng cao từ mẫu cho tổng thể. Đây thực chất là các hoạt động phê phán (criticism),  đánh giá (evaluation) các lý thuyết/mô hình đã được áp dụng, từ đó xây dựng lý thuyết mới, thể hiện qua các việc cụ thể như: phát triển/giải thích một mô hình/lý thuyết (explication) vào hoàn cảnh cụ thể mới; mở rộng mô hình lý thuyết đã có (extension).
Ở Việt Nam, có một số từ khoá quan trọng trong nghiên cứu học thuyết pháp lý cần chú ý đó là (Phạm Duy Nghĩa): hệ thống pháp luật; quan hệ pháp luật; quy phạm pháp luật; chủ thể pháp luật; khách thể pháp luật; thực hiện pháp luật… Đây thực chất là những vấn đề thuộc về lý luận nhà nước, pháp luật Mác-xít. Những vấn đề này tuy khá cứng nhắc, nhưng mang tính chi tiết và vẫn có những giá trị hợp lý nhất định trong nghiên cứu luật học hiện nay.
Nghiên cứu luật học cũng cần chú ý đến việc phân tích luật viết, bởi pháp luật xét đến cùng sẽ phải được thể hiện qua các văn bản chứa đựng các quy tắc cư xử chung do nhà nước ban hành để bắt buộc mọi chủ thể trong xã hội phải tuân thủ. Luật viết bao gồm các nguồn thành văn (văn bản quy phạm pháp luật và án lệ). Phân tích luật viết chính là để đánh giá và tìm ra những khiếm khuyết của văn bản pháp luật, ví dụ như nội dung lạc hậu với thực tế hoặc có sai sót, trùng chéo, mâu thuẫn nhau… (Phạm Duy Nghĩa).
Các bước phân tích luật viết bao gồm  (Nguyễn Ngọc Điện):  thu thập văn bản (có thể là theo hàng dọc - kết quả là các văn bản xuyên suốt về chủ đề; hoặc theo hàng ngang - kết quả là các văn bản có liên quan đến chủ đề). Tiếp theo đó là tra cứu, tìm hiểu các thuật ngữ trong văn bản; chú giải, biện luận, giải thích ngữ nghĩa, phân tích bối cảnh, lịch sử vấn đề để xác định ý đồ thực sự của người làm luật. Cuối cùng là xác định mục đích, giá trị của các quy định của văn bản pháp luật để giải thích cho phù hợp, từ đó góp phần phát triển pháp luật.
Từ một khía cạnh khác, nghiên cứu luật học cũng chú ý đến việc nhận biết, đánh giá nhu cầu sửa đổi, cải cách pháp luật. Về vấn đề này, sử dụng Bộ quy tắc ROCCIPI sẽ rất hữu ích. Bộ quy tắc này bao gồm các yếu tố như:  R-RULE: Quy tắc/quy định pháp luật; O-OPPORTUNITY: Cơ hội (cơ chế giám sát); C-CAPACITY: Năng lực; C-COMMUNICATION: Truyền thông (nhận thức); I-INTEREST: Lợi ích; P-PROCESS: Quy trình (thủ tục); I-IDEOLOGY: Ý thức hệ (quan điểm). Một ví dụ trong việc sử dụng ROCCIPI có thể kể như sau (Phạm Duy Nghĩa): tham nhũng có nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm các quy định pháp luật (R) còn nhiều sơ hở; khiến cho công chức có nhiều cơ hội (O) lạm dụng quyền lực công để thu lợi ích riêng mà không bị phát hiện. Những nguyên nhân khác là do năng lực (C) của bộ máy nhà nước thấp, không đủ khả năng ngăn ngừa tham nhũng; tuyên truyền về chống tham nhũng (C) kém hiệu quả khiến cho các chủ thể trong xã hội thiếu hiểu biết về tham nhũng; quy trình thủ tục (P) hành chính rườm rà, phức tạp, khép kín tạo cơ hội cho tham nhũng. Cuối cùng, quan điểm (I) về chiến lược, giải pháp phòng chống tham nhũng chưa phù hợp cũng là một nguyên nhân khiến cho tham nhũng không được ngăn chặn hiệu quả.
Nghiên cứu luật học cũng cần chú ý đến vấn đề cải cách pháp luật. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa cải cách pháp luật là:  “Những thay đổi làm cải thiện chất lượng pháp luật, có nghĩa là nâng cao khả năng hiệu lực, tính hiệu quả chi phí, chất lượng của văn bản pháp luật và của các thủ tục liên quan của chính phủ”. Cải cách pháp luật có thể đạt được thông qua một tập hợp các văn bản pháp luật, và qua quá trình giảm quy chế và xây dựng lại quy chế. Để đánh giá nhu cầu cải cách pháp luật với một vấn đề, có thể sử dụng công cụ RIA (Regulatory Impact Assessment). Đây là một phương pháp dự báo tác động điều chỉnh của quy phạm pháp luật, được thực hiện trong qua trình làm luật hoặc ban hành chính sách mới. RIA hiện là một công cụ không thể thiếu đối với quy trình làm luật của hầu hết các quốc gia, nhằm xem xét các vấn đề cụ thể sau: xác định hình thức của quy định ban hành: ban hành luật; không ban hành...; liệt kê đầy đủ các tác động tiềm năng đối với kinh tế, xã hội và môi trường; xác định đối tượng tác động có thể chịu ảnh hưởng; xác định các yêu cầu về soạn thảo tuyên truyền, tổ chức thi hành và bảo đảm thi hành của văn bản pháp luật dự kiến ban hành.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, việc đánh giá chất lượng văn bản pháp luật nói riêng, nhu cầu cải cách pháp luật nói chung còn cần tính đến các yếu tố khác như: sự phù hợp với đường lối, chính sách có liên quan của Đảng; sự phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật cao hơn; sự phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế có liên quan... 
Ở khía cạnh kỹ thuật, có những tranh luận về đặc trưng của hoạt động nghiên cứu ngành luật. Cụ thể, nghiên cứu luật học thiên về descriptive (mô tả), hermeneutical (giải nghĩa), hay normative (quy phạm)? (Mark Van Hoecke).
Cần thừa nhận rằng các phương pháp nghiên cứu có tính chất đặc thù của riêng ngành luật không phong phú bằng các ngành khoa học xã hội khác, đặc biệt là kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, dân tộc học... Luật học sử dụng một số ít phương pháp nghiên cứu phổ biến, giống như triết học, chính trị học, hay sử dụng. Trong thực tế, một số luật gia chủ yếu sử dụng cách phân tích nội dung văn bản, nhưng xu hướng hiện nay là kết hợp cách này với phân tích bối cảnh xã hội mà văn bản đó được xây dựng và áp dụng. Điều này là bởi luật học thực ra có tính liên ngành cao - nghĩa là tuỳ đề tài mà đòi hỏi sử dụng nhiều lý thuyết (để làm cơ sở tiếp cận) và nhiều phương pháp (để làm công cụ phân tích) của nhiều ngành khoa học xã hội khác.
Giống như ở nhiều ngành khoa học xã hội khác, có thể đánh giá chất lượng các nghiên cứu luật học theo các cấp độ nghiên cứu (levels of research), bao gồm: mô tả - description (interpretation) và hệ thống hoá - systematisation (theory building). Ở cấp độ mô tả, người nghiên cứu chủ yếu mới cung cấp thông tin đã được sơ bộ tập hợp và xử lý, vì thế giá trị khoa học còn hạn chế. Ở cấp độ hệ thống hoá, giá trị khoa học của nghiên cứu cao hơn rất nhiều do thông tin đã được xử lý cẩn thận và chuyên sâu để đưa ra những nhận định, đánh giá có tính khái quát lý luận cao, cho phép đánh giá sâu sắc và thuyết phục về bản chất và xu hướng phát triển của sự vật, hiện tượng là đối tượng nghiên cứu.
Nhìn từ một góc độ khác, cũng có thể đánh giá chất lượng của các nghiên cứu luật học theo các cấp độ so sánh (Levels of comparison), trong đó bao gồm: khung khổ lý thuyết pháp lý (conceptual framework of legal doctrine); nguyên tắc pháp lý - legal principles; quy tắc pháp lý - legal rules; tình huống pháp lý - legal cases. Ở đây, xét về nguyên tắc, một nghiên cứu sử dụng càng nhiều cấp độ so sánh sẽ càng có giá trị khoa học cao hơn do có khả năng cung cấp những góc nhìn đa chiều và đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng là đối tượng nghiên cứu.
Trong thực tế, nghiên cứu luật học trong các cơ sở hàn lâm ở trên thế giới và Việt Nam hiện đang được phân loại theo một số hướng tiếp cận chính đó là: legal history - lịch sử [nhà nước] và pháp luật; legal sociology - xã hội học pháp luật; legal anthropology - nhân học pháp luật; legal psychology - tâm lý học pháp luật; law and economics - luật và kinh tế học; law and biology - luật và sinh học. Mỗi hướng tiếp cận này đòi hỏi phải sử dụng những lý thuyết khác nhau và nguồn tư liệu ít nhiều khác nhau.
Do đặc thù của ngành luật, có một số dạng thức tư duy chính hay được sử dụng trong luật học đó là: giải nghĩa luật (Explanatory) - giải thích nội dung một đạo luật, quy phạm pháp luật bằng cách phân tích lịch sử/cơ sở hình thành của nó - thường chỉ dùng phương pháp phân tích văn bản; giải thích luật (Hermeneutic) -  tương tự như giải nghĩa nhưng có tính chất rộng và sâu hơn; thực chứng (Empirical) - đánh giá hiệu lực, hiệu quả của luật trong thực tế - thường dùng cả các phương pháp của xã hội học; khám phá (Exploring) - tìm hiểu những hướng tiếp cận mới trong luật học; đánh giá (Evaluative) - kiểm định tính phù hợp của luật trong thực tiễn. Việc phân loại các dạng thức tư duy như vậy chỉ là tương đối. Trong thực tế, một nghiên cứu luật học thường đồng thời sử dụng nhiều dạng thức tư duy đó để bổ trợ cho nhau.  
Đi sâu về những vấn đề cụ thể, như ít nhiều đã được đề cập ở phần trên, có một số hướng phân tích thường được sử dụng trong luật học, đó là: phân tích văn bản pháp luật; phân tích án lệ (rất phổ biến ở nước ngoài); phân tích bối cảnh/tình huống; phân tích so sánh (với pháp luật quốc tế và pháp luật của nước khác, với pháp luật quốc gia qua các thời kỳ). Việc phân loại các hướng phân tích như vậy cũng chỉ là tương đối. Trong thực tế, các nghiên cứu luật học cũng kết hợp các hướng phân tích nêu trên.
3. Một số đặc trưng của hoạt động nghiên cứu pháp luật về quyền con người
Nghiên cứu pháp luật về quyền con người cũng là một dạng nghiên cứu khoa học xã hội, có đối tượng nghiên cứu là những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn liên quan đến nguồn gốc, bản chất và việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong thực tế.
Nghiên cứu pháp luật về quyền con người cũng có tính liên ngành rất cao, sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội, song luật học và xã hội học đóng vai trò quan trọng. Điều đó là bởi luật học sẽ giúp đánh giá hệ thống pháp luật (khung bảo đảm pháp lý) về quyền, còn xã hội học sẽ giúp bổ trợ đánh giá nhu cầu, tính hợp lý, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về quyền.
Tuỳ nội dung nghiên cứu của mỗi đề tài về quyền con người mà các phương pháp nghiên cứu của các sử dụng ít nhiều khác nhau, tuy nhiên có một số lý thuyết và một số yêu cầu đặc thù cần chú ý khi nghiên cứu mọi đề tài về lĩnh vực này. Xét về lý thuyết, trong nghiên cứu pháp luật về quyền con người cần lưu ý đến một số lý thuyết có tính chất khái quát như: lý thuyết về quyền tự nhiên (natural rights); lý thuyết về quyền pháp lý (legal rights); lý thuyết về tiếp cận dựa trên quyền con người (human rights - based approach)… Bên cạnh đó còn có thể khai thác các lý thuyết có tính chất cụ thể gắn liền với nội dung nghiên cứu của đề tài, ví dụ: lý thuyết “dán nhãn” (của tội phạm học - hữu ích khi nghiên cứu về cách thức và pháp luật về  đối xử với người bị tước tự do);  lý thuyết “thượng đẳng chủng tộc” (rất hữu ích để nghiên cứu về xoá bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc); lý thuyết “công lý báo thù” (rất hữu ích để nghiên cứu về xoá bỏ hình phạt tử hình)...
Tương tự như lý thuyết, tuỳ nội dung nghiên cứu của mỗi đề tài về quyền con người mà các phương pháp nghiên cứu được sử dụng ít nhiều khác nhau. Một số phương pháp nghiên cứu phổ biến về quyền con người có thể kể dưới đây:
(1) Phương pháp phân tích văn bản (document/desk review): đây là phương pháp nền tảng, phổ biến nhất, cần thiết cho mọi đề tài nghiên cứu về quyền con người. Có đề tài chỉ sử dụng duy nhất phương pháp này (dù như vậy tính khoa học và tính thuyết phục không cao). Phân tích văn bản cũng cần được sử dụng ngay từ đầu trong mọi nghiên cứu về quyền con người để tổng hợp, đánh giá các tài liệu liên quan, qua đó giúp giải quyết vấn đề nghiên cứu. Các văn bản/tài liệu có thể là văn bản pháp luật, các tài liệu lưu trữ, các công trình nghiên cứu có liên quan công bố trên sách/tạp chí/báo…
Ưu điểm của phương pháp trên là cho phép đánh giá toàn diện và tương đối chuyên sâu về vấn đề; đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian. Nhưng bên cạnh đó, phương pháp này cũng có những hạn chế đó là: khó khăn trong việc chọn lọc tài liệu phù hợp và đáng tin cậy; khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu lưu trữ... 
(2) Nghiên cứu/phân tích tình huống (case study): đây là một trong những phương pháp nghiên cứu được dùng phổ biến nhất trong nghiên cứu pháp luật về quyền con người, thường sau khi đã tiến hành nghiên cứu văn bản. Bản chất của phương pháp này là việc phân tích một vụ việc/tình huống thực tế đã xảy ra để đánh giá thực trạng, nêu/củng cố lập luận/đề xuất về giải pháp cho vấn đề nghiên cứu. Thông tin về vụ việc/tình huống có thể thu thập từ một hoặc nhiều nguồn, bằng nhiều phương pháp (phỏng vấn/quan sát/khảo sát tài liệu...) nhưng phải chân thực và đủ chi tiết (trả lời được câu hỏi How and/or Why). Khi chọn tình huống để phân tích, cần bảo đảm tính khách quan, tránh thiên kiến (bias).
Ưu điểm của phương pháp trên là rất hữu ích để phân tích những vấn đề/khía cạnh/nội dung mới, phức tạp. Tuy nhiên, hạn chế của nó là không phù hợp với những vấn đề lý luận có tính trừu tượng cao và dễ bị chi phối bởi định kiến của người nghiên cứu.
(3) Khảo sát (Survey): đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu pháp luật về quyền con người. Bản chất của phương pháp này là thu thập và phân tích ý kiến/quan điểm/nhận thức/đánh giá của nhiều người về một hoặc một số nội dung/khía cạnh của vấn đề nghiên cứu. Nó có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua phương tiện thông tin (email, điện thoại, skype, viber, zalo...)
Ưu điểm của phương pháp này là đánh giá được quan điểm/nhận thức của nhiều người về vấn đề nghiên cứu. Đây cũng là phương pháp dễ thực hiện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (ví dụ, rất dễ thiết lập khảo sát trên mạng Internet bằng phần mềm Survey Monkey). Hạn chế của phương pháp này là khó bảo đảm tính tin cậy của kết quả khảo sát và đòi hỏi người nghiên cứu có kỹ năng xây dựng bảng hỏi và phân tích dữ liệu thu được.
(4) Phỏng vấn (Interview): đây là phương pháp thường được sử dụng để làm rõ thêm tình tiết, hay thu thập thêm ý kiến, quan điểm về vấn đề trong các nghiên cứu về quyền con người. Bản chất của phương pháp này là sự trao đổi giữa người nghiên cứu và nhân vật liên quan (chuyên gia, người tham gia, nạn nhân, nhân chứng...) về vấn đề nghiên cứu. Phương pháp này cũng có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua phương tiện thông tin (email, điện thoại, skype, viber, zalo...). Về mặt kỹ thuật, có hai dạng phỏng vấn là: phỏng vấn bán cấu trúc (trong tiếng Anh được gọi là Semi-structured Interview - SSI), tức là phỏng vấn dựa theo danh mục các câu hỏi hoặc các chủ đề cần đề cập đến, và phỏng vấn cấu trúc (trong tiếng Anh được gọi là Structured Interview - SI), tức là phỏng vấn không dựa theo danh mục các câu hỏi hoặc các chủ đề cần đề cập đến mà tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng phỏng vấn để đặt câu hỏi.
Xét chung, ưu điểm của phương pháp phỏng vấn là thu được dữ liệu sơ cấp (đáng tin cậy) mà không thể hoặc khó tìm thấy qua phân tích văn bản hoặc nghiên cứu tình huống; đồng thời qua phỏng vấn có thể gợi mở/cung cấp những ý tưởng mới ngoài dự kiến cho người nghiên cứu. Tuy nhiên, hạn chế chung của phương pháp này thường là khó tìm người phỏng vấn thích hợp và đôi khi khó thực hiện phỏng vấn, nhất là với những chủ đề nhạy cảm mà khá phổ biến trong nghiên cứu pháp luật về quyền con người.
(5) Thảo luận nhóm (focus group discussion): đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu pháp luật về quyền con người. Phương pháp này tương tự như phỏng vấn, chỉ khác ở chỗ đối tượng phỏng vấn không phải một mà là một nhóm người. Chính vì vậy, phương pháp này có một vài ưu điểm hơn phỏng vấn, cụ thể là: tiết kiệm thời gian, chi phí; có thể đối chiếu thông tin/dữ liệu ngay tại phỏng vấn; có thể đào sâu thêm vấn đề khi có sự khác biệt quan điểm giữa những thành viên của nhóm. Dù vậy, hạn chế của phương pháp này gồm: khó tổ chức hơn; có thể có thành viên của nhóm không muốn hoặc không đủ thời gian để trình bày quan điểm thực sự của mình; rủi ro cho người phỏng vấn nếu nội dung bàn về những vấn đề nhạy cảm.
(6) Thống kê (Statistics): phương pháp thống kê cần được hiểu là không chỉ thu thập, phân loại, sắp xếp mà còn phải diễn giải các số liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Mặc dù mức độ sử dụng có vẻ ít hơn các phương pháp nêu trên, song phương pháp thống kê cũng thường được dùng bởi cả giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ (NGO) khi nghiên cứu về quyền con người.
Ưu điểm của phương pháp nêu trên là cho phép đánh giá vấn đề nghiên cứu sâu hơn (không chỉ trả lời câu hỏi How mà còn là How many?) và thấy được cả tiến trình phát sinh, phát triển của vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, những hạn chế của nó là tốn thời gian, công sức; khó thu thập đủ dữ liệu phù hợp, đáng tin cậy; đòi hỏi kỹ năng phân tích.
(7) Khảo sát trực tiếp (điền dã - ethnography): bản chất của điền dã là đến tận địa bàn để thu thập dữ liệu thông qua quan sát, tiếp xúc, trao đổi, thảo luận với những người ở đó trong một thời gian xác định.
Đây là phương pháp đặc trưng của dân tộc học, nhưng có thể sử dụng trong các ngành khoa học xã hội khác, trong đó có quyền con người, mặc dù mức độ sử dụng ít hơn các phương pháp khác. Ưu điểm của điền dã cũng là thu được dữ liệu thực tế, trung thực, sinh động, để bổ sung và kiểm chứng những dữ liệu thu được từ các phương pháp khác. Nhưng hạn chế của nó là: rất tốn thời gian và chi phí; đôi khi không thể hoặc khó thực hiện; dữ liệu bị hạn chế ở thời điểm được quan sát và có thể không chính xác nếu địa bàn được dàn dựng.
(8) Giám sát hoạt động tố tụng (litigation and trial monitoring): bản chất của việc này là theo dõi tiến trình tố tụng, bao gồm việc tham dự phiên toà, để tìm kiếm thông tin, dữ liệu về vấn đề nghiên cứu. Tuy mức độ sử dụng ít hơn các phương pháp khác nhưng nó thường được dùng trong các dự án nghiên cứu về bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.
Những ưu điểm của phương pháp này là: thu được dữ liệu thực tế, trung thực, sinh động, để bổ sung và kiểm chứng những dữ liệu thu được từ các phương pháp khác. Những hạn chế của nó là: tốn thời gian; đôi khi không thể hoặc khó thực hiện; đòi hỏi người nghiên cứu phải có chuyên môn sâu.
(9) Quay phim, chụp ảnh (Filmmaking and photography): bản chất của phương pháp này là quay phim, chụp ảnh nhân vật/hiện tượng/tình huống để làm tư liệu chứng minh cho một nhận định, đánh giá về  thực trạng. Mặc dù mức độ sử dụng ít hơn các phương pháp khác và thường dùng cho việc tuyên truyền/vận động thúc đẩy quyền con người, nhưng cũng có giá trị học thuật nhất định.
Ưu điểm của phương pháp này là thu được tư liệu sinh động, trung thực, thuyết phục, còn hạn chế của nó là việc thực hiện thường mất thời gian, tốn kém, đồng thời khó khăn trong việc xử lý những thách thức về đạo đức học thuật, cụ thể là việc bảo vệ sự an toàn và đời tư của những người có liên quan.
Kết luận
Nghiên cứu pháp luật về quyền con người là một dạng thức của nghiên cứu khoa học xã hội, có tính chất liên ngành cao, vì thế xét chung là có thể và cần sử dụng nhiều lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội khác, đặc biệt là luật học và xã hội học.
Nghiên cứu pháp luật về quyền con người cần bảo đảm các nguyên tắc và yêu cầu học thuật chung, đồng thời cần chú ý đến những yêu cầu đặc trưng của vấn đề quyền con người. Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu pháp luật về quyền con người, ngoài vấn đề tính khoa học, tính thuyết phục, cần sử dụng các phương pháp nghiên cứu một cách hợp lý, qua đó bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng, đặc biệt là quyền về đời tư của những người tham gia nghiên cứu (người được phỏng vấn, nạn nhân, nhân chứng...).
Quyền con người là giá trị và tiêu chuẩn phổ quát của nhân loại, đồng thời là vấn đề trung tâm của nhà nước pháp quyền, vì thế việc nghiên cứu pháp luật về quyền con người cần thiết phải được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như những yêu cầu cấp bách đặt ra từ sự hội nhập quốc tế của nước ta.
 

PGS.TS. Vũ Công Giao

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu tham khảo
1. Aulis Aarnio (2011), Essays on the Doctrinal Study of Law, Springer.
2. Bård A. Andreassen, Hans-Otto Sano and Siobhán McInerney-Lankford (2017) Research Methods in Human Rights: A Handbook, Edward Elgar Publishing.
3. Claude Bernard,  Introduction to the Study of Experimental Medicine, https://sites.duke.edu/behavior/2018/10/28/claude-bernards/
4. Vũ Công Giao - Nguyễn Hoàng Anh (2015), Phương pháp nghiên cứu, viết luận văn, luận án ngành luật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
5. Mark Van Hoecke (edited) (2011), Methodologies of Legal Research: Which Kind of Method for? What Kind of Discipline?, Hart Publishing.
6. Phạm Duy Nghĩa (2014), Phương pháp nghiên cứu luật học, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội.
7. Lê Mạnh Hải, Phương pháp nghiên cứu khoa học, tập bài giảng, tại https://www.hutech.edu.vn/khoacntt/sinh-vien/thong-bao-sinh-vien/cao-hoc/3088-tai-lieu-phuong-phap-nghien-cuu-khoa-hoc
8. Phạm Văn Hiền, Phương pháp nghiên cứu khoa học, tập bài giảng, tại https://www2.hcmuaf.edu.vn/contents.php?ids=11500&ur=pvhien
9. Nguyễn Văn Tuấn, Phương pháp nghiên cứu, https://nguyenvantuan.info/methods/
10. Nguyễn Bích Thảo (2015), “Câu hỏi nghiên cứu”, trong Vũ Công Giao - Nguyễn Hoàng Anh (2015), Phương pháp nghiên cứu, viết luận văn, luận án ngành luật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
11. Đào Trí Úc (2015), “Phương pháp luận khoa học”, trong Vũ Công Giao - Nguyễn Hoàng Anh (2015), Phương pháp nghiên cứu, viết luận văn, luận án ngành luật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội