Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác giáo dục, đào tạo đại học trong CAND ngày càng được hoàn thiện, góp phần xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Để đạt được yêu cầu đó, bên cạnh giáo dục chính trị, nghiệp vụ, việc giáo dục quyền con người nhằm hướng tới xây dựng lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
KỲ 2. Giải pháp, kiến nghị nhằm xác định về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người để phù hợp với đặc thù các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành công an
1. Giải pháp về xác định nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học thuộc ngành Công an ở Việt Nam
Xuất phát từ những thiếu sót, hạn chế nội dung giáo dục QCN trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an, tác giả đề xuất một số giải pháp để nhằm xác định nội dung giáo dục QCN một cách thiết thực hơn như sau:
Hiện nay, thực trạng xâm phạm QCN của các cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND khi thực hiện nhiệm vụ đã xảy ra ngày càng nhiều, mức độ xâm phạm nagyf càng có dấu hiệu nghiêm trọng, đặc biệt trong công tác điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Từ những biểu hiện về việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bị can trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung; của người bị tạm giữ, tạm giam đang trong quá trình bị giam giữ; đến những biểu hiện xâm phạm QCN ở mức độ nhẹ hơn như không bảo đảm các quyền được bào chữa, quyền được giải thích lý do tại sao mình bị bắt,…Thực trạng đã chứng minh sự vi phạm QCN đã và đang diễn ra ngày càng nhiều. Vậy vấn đề đặt ra cho công tác giáo dục QCN trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an là bù đắp những lỗ hổng nhận thức về QCN trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Khi nhận thức đúng và đủ toàn diện về QCN thì mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ không vi phạm hoặc hạn chế những vi phạm xảy ra trên thực tế. Giải pháp xác định nội dung giáo dục QCN phải đưa ra dựa trên những vi phạm phổ biến về QCN còn tồn tại trên thực tế.
Như vậy, giải pháp xác định nội dung giáo dục QCN trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an bao gồm:
Thứ nhất, giáo dục QCN ở những nội dung mà cán bộ, chiến sĩ công an khi công tác thực tiễn dễ xâm phạm QCN nhất. Cụ thể là những nội dung bảo đảm quyền con người trong giải quyết vụ án hình sự; bảo đảm quyền con người thi thực hiện tiếp nhận, giải quyết nguồn tin báo tố giác tội phạm; bảo đảm quyền con người khi thi hành các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế; hay những nội dung về QCN hay bị thế lực thù địch lợi dụng để đấu tránh, phản bác những chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước ta…
Thứ hai, giáo dục nội dung QCN trong những văn kiện, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết có liên quan đến pháp luật Việt Nam và mỗi liên hệ giữa 2 vấn đề trên. Việc giáo dục nội dung trên sẽ giúp sinh viên các trường CAND nhận thức sâu sắc về QCN và có góc nhìn đa chiều hơn về những chính sách bảo đảm quyền con người được quy định trong pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, giáo dục nội dung QCN trong các cơ sở giáo dục đại học ngành Công an phải gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ của từng chuyên ngành. Trước hết, các cơ sở giáo dục đại học phải cung cấp các kiến thức về quyền con người nói chung bao gồm: những vấn đề cơ bản về quyền con người như sự hình thành và phát triển lịch sử phát triển về quyền con người, những bảo đảm chung và bảo đảm pháp lý về quyền con người, các cơ chế để bảo đảm quyền con người,…từ đó hình thành thái độ, nhận thức tôn trọng các quyền con người, có ý thức đấu tranh chống lại hành vi vi phạm quyền con người. Từ đó phải nâng cao kiến thức hiểu biết một cách có hệ thống, toàn diện về quyền con người cho học viên, đặc biệt là các quyền liên quan trực tiếp đến hoạt động thực thi pháp luật. Giáo dục QCN cho các học viên trường Công an cần đi đôi với việc trang bị những kỹ năng vận dụng kiến thức về quyền con người vào các hoạt động thực thi pháp luật như: Bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố vụ án hình sự, bào chữa, …Từ đó nâng cao nhận thức học viên các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an về vị trí, vai trò quan trọng của pháp luật quyền con người, tăng cường ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người được quy định trong Hiến pháp, pháp luật.
2. Giải pháp về xác định hình thức, phương pháp giáo dục QCN trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học thuộc ngành Công an ở Việt Nam
Thứ nhất, về hình thức giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an từng bước xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, giáo dục về QCN đưa vào giảng dạy.
Về chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, chuyên sâu đối với từng lĩnh vực cụ thể. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an, ngoài môn học chung cung cấp các kiến thức đại cương thì có những môn học nghiệp vụ theo từng chuyên ngành riêng. Trong thời gian tới, đề xuất 8 cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an đưa môn học Pháp luật về QCN vào chương trình học chính khóa, phục vụ cho tất cả các đối tượng học bao gồm: học viên hệ chính quy, hệ vừa học vừa làm thay vì chỉ có hệ học viên học Cao cấp lý luận chính trị mới học như hiện nay. Bên cạnh tách riêng nội dung môn học Pháp luật về QCN thì cần tăng thời lượng các môn học có liên quan đến pháp luật về quyền con người, trong đó quy định nội dung giảng dạy trong các môn Hiến pháp, Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật hay Luật TTHS là phải có nội dung giảng dạy về quyền con người, gắn liền và trực tiếp với mỗi nội dung môn học.
Thứ hai, thay đổi phương pháp truyền đạt kết thức phù hợp với đặc thù các các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an.
Thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp truyền đạt kiến thức pháp luật về quyền con người sao cho hình thức truyền đạt phong phú hấp dẫn và dễ nắm bắt. Kết hợp lý giữa giảng lý thuyết với rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng bảo đảm quyền con người trong thực tiễn nhằm tạo ra sự say mê, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu của sinh viên. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an nên ưu tiên phát triển xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn; đưa nhiều ví dụ minh họa thực tế vào bài giảng; tránh phương pháp dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thiên nhiều về lý thuyết; tạo tâm lý nhàm chán cho sinh viên khi học môn học này. Xuất phát từ QCN là môn học nặng tính lý thuyết và có mối bao quát rộng như: hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người. Chính vì lý do đó, giảng viên nên sử dụng phương pháp áp dụng các bài học thực tế, giảng dạy theo tình huống, phân tích tình huống luật để áp dụng các điều luật sẽ là phương pháp phát huy hiệu quả, tránh gây nhàm chán trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó cần thường xuyên cho các học viên các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an diễn thuyết vấn đề nghiên cứu; trao đổi thảo luận về quyền con người thông qua việc làm bài tập lớn theo nhóm, cho sinh viên đóng vai luật sư tư vấn, đóng vai người bị xâm phạm quyền, đóng vai những cán bộ thực tiễn đưa ra biện pháp khắc phục, khôi phục quyền cho những người bị xâm phạm.
3. Kiến Nghị
3.1 Kiến nghị đối với Trung ương
- Kiến nghị với Chính phủ:
Thứ nhất, Có những lộ trình nhằm cụ thể hóa Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được nêu trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5- 9-2017. Trong đó, tính toán đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong đó có những cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an.
- Kiến nghị với Bộ Công an
Thứ nhất, đề xuất Bộ Công an tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an trong việc triển khai công tác giáo dục QCN.
Đề xuất về tăng cường chính sách kinh phí đào tạo của Bộ Công an dành cho một số cơ sở đào tạo trong ngành Công an về việc mở lớp tập huấn thường niên có nội dung tập huấn các chương trình nội dung liên quan đến giáo dục QCN. Theo đó các học viên đang theo học tại trường và các học viên đã ra công tác thực tiễn tại địa phương sẽ tham gia đào tạo, học tập tại các lớp tập huấn thường niên này. Việc tham gia các khóa tập huấn thường xuyên nhằm duy trì việc cập nhật thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng mới, đặc biệt những vấn đề nổi cộm liên quan đến kiến thức pháp luật về quyền con người trong tình hình mới. Hình thức đào tạo giáo dục QCN qua các lớp tập huấn ngắn ngày sẽ đáp ứng được yêu cầu theo kịp các chủ đề nóng trong công tác Công an dễ vi phạm đến quyền con người. Ngoài ra, việc bảo đảm các điều kiện kinh phí, vật chất phục vụ hoạt động giáo dục QCN nhằm tạo ra được nguồn lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng CAND. Bộ Công an cần có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, hội thảo khoa học về QCN.
Thứ hai, đề xuất Bộ Công an chỉ đạo biên soạn bộ tài liệu, giáo trình thống nhất phục vụ riêng cho giáo dục về quyền con người cho hệ thống các trường CAND.
Việc xây dựng hệ thống tài liệu đạt chuẩn phục vụ cho giáo dục QCN trong toàn ngành sẽ đạt được hiệu quả cao hơn so với việc nhà trường tự chủ trong vấn đề cung cấp những tài liệu về QCN. Việc xây dựng chung một tài liệu giáo trình giáo dục QCN trong Bộ Công an sẽ giúp đồng bộ và thống nhất những nhận thức quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về nội dung QCN tới những cán bộ, chiến sĩ CAND. Hiện nay, Bộ công an đang chỉ đạo Học viện Cảnh sát nhân dân biên soạn cuốn " Cẩm nang Điều tra viên tham dự phiên toà" với chủ biên của thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Cuốn cẩm nang đang trong quá trình hình thành và hội thảo đưa ra nghiệm thu. Trong cuốn cẩm nang này đề cập rất nhiều đến quyền tranh tụng truớc toà, khi ĐTV được triệu tập để tham dự phiên toà theo quy định tại Điều 296, Điều 317 Bộ luật TTHS 2015. Tuy nhiên, để hoạt động giáo dục được phát huy hiệu quả hơn cần có
Thứ ba, cần tổ chức cấp chứng chỉ đào tạo về quyền con người cho điều tra viên, cán bộ điều tra.
Thực trạng hiện nay, cho thấy lực lượng điều tra viên, cán bộ điều tra là lực lượng trực tiếp liên quan đến hoạt động bảo đảm QCN nhiều nhất trong ngành Công an. Sự vi phạm về QCN trong ngành Công an nhiều nhất cũng đến từ lực lượng này. Những quy định hiện hành về tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm điều tra viên, cán bộ điều tra không có tiêu chuẩn nào liên quan đến QCN, chính vì vậy mà các điều tra viên và cán bộ điều tra cũng có những tâm lý chủ quan, không cầu thị học hỏi những kiến thức về QCN. Mặc dù trong chương trình học để đào tạo ra đội ngũ này có những môn lồng ghép kiến thức về QCN tuy nhiên chưa thực sự sâu sát. Vậy để nhằm trong quá trình giải quyết vụ án, điều tra viên, cán bộ điều tra trở thành chủ thể trực tiếp nhất bảo đảm quyền cho những người tham gia tố tụng, tác giả đề xuất đưa nội dung quyền con người vào trong chương trình giảng dạy để cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều tra 45 ngày cũng như vào trong chương trình thi cấp chứng chỉ điều tra viên các cấp.
3.2 Kiến nghị đối với các cơ sở đào tạo giáo dục đại học thuộc ngành Công an ở Việt Nam
Thứ nhất, sửa đổi chương trình đào tạo đưa nội dung QCN vào chương trình đào tạo tất cả các hệ học. Nội dung QCN kết cấu thành một môn học phục vụ giảng dạy cho tất cả các hệ học, chuyên ngành học để truyền tải những nội dung tỏng quát nhất về quyền con người. Bên cạnh đó cần tăng thời lượng các môn học có liên quan đến pháp luật về quyền con người, trong đó quy định nội dung giảng dạy trong các môn về pháp luật như Luật Hiến pháp, Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật hay Luật Tố tụng hình sự,.. phải có nội dung giảng dạy về quyền con người, gắn liền và trực tiếp với mỗi nội dung môn học.
Thứ hai, đổi mới phương pháp giáo dục, cụ thể hơn là ngoài việc đưa môn học QCN vào chương trình giảng dạy chính khóa thì các cơ sở giáo dục đại học cần phải tổ chức các hình thức giáo dục QCN phong phú hơn. Từ ngân sách phân bổ của Bộ Công an, hoặc do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, các trường chủ động mở các tọa đàm, hội thảo khoa học, các hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật về QCN như: các hội thi học tốt; các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật;…có chủ đề liên quan đến giáo dục QCN. Trong công tác giảng dạy, lấy học viên làm trung tâm phát huy tính chủ động của học viên thông qua học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mặc, khó khăn trong quá trình học tập môn học; để từ đó, cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tích cực khi học tập liên các môn học liên quan nội dung QCN.
Thứ ba, đầu tư đội ngũ giảng viên chất lượng
Các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an cần ưu tiên cho việc đào tạo đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên sâu về QCN. Hiện nay, tám cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành Công an đều có đào tạo hệ sau đại học, các giảng viên trong các cơ sở này hầu hết tốt nghiệp và học hệ sau đại học trong các cơ sở thuộc ngành Công an. Tuy nhiên chưa có cơ sở giáo dục đại học nào có mã ngành đào tạo liên quan đến QCN. Chính vì vậy, để cân đối về việc phân công giáo viên phụ trách đến các môn học liên quan đến mảng QCN, mỗi cơ sở đào tạo nên có kế hoạch cử cán bộ tham gia học tập hệ sau đại học tại các cơ sở giáo dục có đào tạo mã ngành liên quan đến pháp luật QCN.
Bên cạnh đó, mỗi cơ sở giáo dục nên chủ động trong việc tập huấn các nội dung về QCN cho đội ngũ giảng viên, mời các chuyên gia trong và ngoài nước về QCN báo cáo thực tế từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Ngoài ra, mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục đại học ngành Công an nên chủ dộng thực hiện những chủ trương, chính sách về giáo dục QCN của lãnh đạo Bộ Công an đồng thời chủ động hợp tác với các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực QCN để soạn thảo hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy các môn QCN đáp ứng với sự thay đổi, điều chỉnh của chương trình đào tạo. Ngoài thư viện sách viết, các cơ sở giáo dục đại học ngành Công an nên chú trọng xây dựng thư viện sách nói, hình ảnh, phim khoa giáo, phim tư liệu, phóng sự, băng ghi âm, ghi hình về các nội dung giảng dạy liên quan đến QCN như: về thực tiễn công tác bắt người phạm tội, khám xét, hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra... các vụ án trọng điểm có vi phạm về quyền con người để các học viên lấy đó làm kinh nghiệm tránh những vi phạm trên thực tế.
Nguyễn Văn Niên