Chính sách dân tộc, miền núi là một trong những nội dung trọng tâm về việc thực hiện các chủ trương, đường lối trọng yếu của Đảng và Nhà nước ta. Những kết quả đạt được trong gần 40 năm đổi mới cùng với sự phát triển toàn diện các mặt của đời sống xã hội là giá trị hiện hữu, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, các thế lực thù địch lại thường lựa chọn vấn đề dân tộc, miền núi để có những xuyên tạc, đưa ra luận điểm sái trái, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước, Nhân dân. Điều này đòi hỏi cần phải nhận diện đầy đủ hơn để có những giải pháp đấu tranh kịp thời, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như thành quả đạt được của đất nước.

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước -16.487 km2, trong đó, diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số cả tỉnh Nghệ An hiện có 3.327.791 người, trong đó, dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi  trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi, có 47 dân tộc cùng chung sống1. Với vị chiến lược quan trọng đó, nên việc thực hiện chính sách dân tộc miền núi ở Nghệ An luôn là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển và ổn định chung của địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện chính sách dân tộc miền núi ở Nghệ An luôn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có yếu tố chống phá, phản động của các thế lực thù địch.

1. Nhận diện những luận điểm sai trai, thù địch về vấn đề dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Trong những năm qua, trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm và làm mọi cách để lợi dụng vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, miền núi để chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng lợi dụng một số vụ việc xảy ra ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để thổi phồng, bóp méo bản chất, qua đó kích động đồng bào dân tộc gây rối, làm mất ổn định an ninh chính trị.

Những hoạt động này ở Nghệ An tuy không nhiều, không có sự việc lớn, và tính chất quá phức tạp, song luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khó lường; ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nghệ An là địa phương có địa hình vùng miền núi rộng lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc miền núi có những việc, thời điểm chưa thật kịp thời và hiệu quả. Đây là yếu tố khách quan, khó trách khỏi. Song, các thế lực xấu lại lợi dụng vào thực tế đó, bóp méo, thổi phồng, kích động một bộ phận người dân, thậm chí có cả cán bộ ở cơ sở hiểu sai bản chất, cho đó là sự chậm trễ, coi nhẹ và thậm chí là bỏ mặc bà con người dân đồng bào dân tộc khó khăn. Từ đó cố tình tạo ra sự bất đồng, kỳ thị, làm phức tạp tình hình.

Trong khi, Nghệ An là địa phương có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, ngoài các dân tộc có số lượng người đông như Thái, Thổ, Ơ Đu, Khơ Mú, H’Mông, còn có nhiều nhóm đồng bào dân tộc khác cùng chung sống ở các huyện miền núi rộng lớn. Điều này, bên cạnh lợi thế tạo ra sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa, tinh thần; còn là yếu tố để các thế lực xấu lợi dụng tạo dựng, tuyên truyền, kích động tạo ra những sự bất đồng, mâu thuẫn. Một số ít người dân do nhận thức chưa đầy đủ bị mắc vào sự lợi dụng của kẻ xấu, tin rằng dân tộc, hoặc nhóm dân tộc mình bị coi thường, kỳ thị, từ đó dẫn đến tâm lý khoảng cách, khép kín, bất hòa giữa các dân tộc, vùng dân cư sinh sống với nhau. Điều này càng tạo nên cơ hội để các thế lực xấu khoét sâu mâu thuẫn trong lòng xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Ngoài ra, các thế lực xấu còn lợi dụng vấn đề tôn giáo trong đời sống đồng bào dân tộc để chống phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc miền núi ở Nghệ An. Với ý đồ xấu, chúng thường xuyên biên soạn các bản báo cáo, thỉnh nguyện thư để gửi đến các tổ chức tôn giáo, nhân quyền quốc tế nhờ can thiệp với nội dung xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, phân biệt đối xử, kỳ thị với đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chúng tuyên truyền và thành lập các nhóm, hội sinh hoạt tôn giáo dưới mọi hình thức, qua đó tăng cường hoạt động củng cố tổ chức, phát triển lực lượng, thậm chí công khai thách thức chính quyền, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở một số địa bàn các huyện miền núi.

 Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) học nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nguồn: baonghean.vn

2. Khẳng định những thành quả về việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Nghệ An

Để thực hiện thắng lợi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, chiến lược công tác dân tộc; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa 14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa 14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30-7-2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, trong thời gian qua, thực hiện chính sách dân tộc ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ nhất, tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc, miền núi. Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đã đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) khá cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,20% (cao hơn giai đoạn 2011 - 2015). GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp (từ 26,36% xuống còn khoảng 25,14%), tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (từ 73,64% lên khoảng 74,86%). Đặc biệt, kinh tế - xã hội vùng miền Tây Nghệ An lớn đã có bước phát triển khá, quy mô, tiềm lực kinh tế ngày càng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực2.

Điểm nhấn ở miền Tây Nghệ An là đã hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... Nhiều vùng đã chú trọng khai thác hợp lý tiềm năng về mặt nước hồ chứa thủy điện, khoáng sản, đất đai để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thương mại, dịch vụ được mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện không chỉ khai thác tốt tiềm năng và lợi thế mà còn giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thứ hai, những năm qua, Nghệ An đã chú trọng phát triển sản xuất, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững đối với đồng bào vùng dân tộc, miền núi. Quy hoạch hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện từng địa phương. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ; chính sách chuyển đổi ngành, nghề, giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt. Xây dựng chính sách hỗ trợ ổn định lương thực và các mặt hàng cần thiết cho người dân cư trú ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng biên giới để đồng bào yên tâm bảo vệ vùng an ninh biên giới, giữ rừng, bảo vệ tài nguyên. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi lao động nước ngoài.

Thứ ba, tỉnh Nghệ An đã hết sức chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung ưu tiên đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số, tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng các trường dạy nghề vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Khuyến khích, vận động và tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục – đào tạo ở vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm y tế xã. Xây dựng chính sách, biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản đạt chuẩn, phát triển y tế dự phòng.

Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Nghệ An coi trọng việc bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Phát triển toàn diện đời sống văn hóa vùng dân tộc miền núi; chính sách giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; bài trừ mê tín, dị đoan, tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu; chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, hướng tới mục tiêu bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa vùng dân tộc miền núi đa dạng, phong phú góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

3. Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trai, thù địch về vấn đề dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công tác đấu tranh phản bác những luận điệu đó trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng dân tộc, miền núi ở nước ta cũng như ở Nghệ An hiện nay. Dẫu biết rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, phức tạp, song luôn cần sự kiên trì, quyết tâm và sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, thực hiện trên một số biện pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, quán triệt đầy đủ, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị và toàn xã hội về tình hình, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân biết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả một số chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai; làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số thấy được thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức để nỗ lực phấn đấu vươn lên với tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo; quyết tâm hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng nhau tiến bộ. Huy động tốt hơn nội lực, nhất là khai thác có tiềm năng lợi thế từng địa bàn, từng địa phương; tích cực xóa bỏ các tập quán lạc hậu trong sản xuất sinh hoạt; tiếp thu, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Thứ hai, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, ban hành và thực hiện các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chính sách do Trung ương ban hành, quyết định; trong giai đoạn hiện nay, cần rút kinh nghiệm để cụ thể hóa thành chính sách riêng sát thực tế để thu hút được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển. Đồng thời, cần thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa các chủ trương, chính sách, các chế độ và các chương trình, dự án nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tài trợ, chống thất thoát, lãng phí. Khẳng định tính kịp thời, minh bạch trong thực hiện chủ trương, chính sách, làm thất bại các luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng các mô hình; phổ biến, hướng dẫn và nhân rộng các điển hình, xây dựng phong trào phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới. Phát triển các thành phần kinh tế miền núi, chú trọng khuyến khích các hộ gia đình đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo mô hình kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp - chăn nuôi. Phát triển các ngành nghề thủ công để khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ như: mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu và các loại hình sản xuất thủ công dịch vụ khác.

Thực hiện việc kết hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn cơ sở; chú trọng kết hợp quá trình phân công lại lao động, phân bổ lại dân cư với tổ chức xây dựng và sắp xếp, bố trí lại lực lượng quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở cơ sở, đảm bảo lực lượng để bảo vệ địa phương cả trong nội địa, biên giới, trên biển đảo. Chủ động trong nhận diện và tuyệt đối nêu cao tinh thần cảnh giác với các cá nhân, tổ chức phản động, lợi dụng vấn đề thực hiện chính sách dân tộc, miền núi để chống phá, gây rối, gây mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo an ninh chính trị và ổn định đời sống cho nhân dân.

Thứ tư, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phải có sự phân công cụ thể cho các cấp, các ngành và cá nhân chịu trách nhiệm từng lĩnh vực gắn với địa bàn và từng dân tộc, gắn với việc đôn đốc chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh ở các địa phương miền núi, nhất là vùng biên giới.

Thứ năm, củng cố, tăng cường hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Ở tỉnh, củng cố tăng cường cơ quan làm công tác dân tộc, miền núi đủ sức tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc theo Quyết định số 114/2004/QĐ-UB ngày 4-11-2004 của UBND tỉnh. Tập trung làm tốt công tác tham mưu, kiểm tra giám sát, tuyên truyền; công tác nghiên cứu cơ bản về các dân tộc phục vụ xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đảm bảo sát, đúng. Phân cấp và tăng cường tinh thần, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ở các huyện, xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số cần có tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách công tác dân tộc theo Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18-2-2004 của Chính phủ, được cụ thể hóa tại Thông tư số 246/2004/TT-LT ngày 6-5-2004 của liên bộ Ủy ban dân tộc - Bộ Nội vụ.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn vùng xung yếu chính trị, an ninh, quốc phòng; coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở; nghiên cứu, sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là cán bộ công tác lâu năm, có nhiều đóng góp.

Thứ bảy, tăng cường công tác vận động quần chúng trong việc đảm bảo thực hiện tốt chính sách dân tộc. Nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi. Đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc; quán triệt phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương trên cơ sở tuyền thống văn hóa, tập quán, đời sống sinh hoạt của đồng bào. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi phải quán triệt và thực hiện thật tốt phong cách công tác dân vận: trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhận thức và hành động để xây dựng, phát triển khu vực miền núi tỉnh Nghệ An phát triển ổn định và bền vững; kiên quyết đấu tranh, đập tan các quan điểm, thủ đoạn sai trái, thù địch.

TS. Nguyễn Văn Đại

Trường Đại học Khoa học xã hội, Trường Đại học Vinh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.175.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 170.
3. UBND tỉnh Nghệ An – Ban Dân tộc (2022): Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2021, phương hướng năm 2022.
4. Tỉnh ủy Nghệ An: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nxb Nghệ An, 2020, tr.4.
5. Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. UBND Tỉnh Nghệ An - Cục Thống kê Tỉnh.