Bài viết tổng quan tình hình, xu hướng nghiên cứu quyền con người tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo ở Pháp trong những năm gần đây nhằm khẳng định rằng: nghiên cứu, đào tạo về quyền con người đã và sẽ tiếp tục là trọng tâm của khoa học pháp lý. Hi vọng rằng những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ là nguồn tham khảo cho nghiên cứu, đào tạo về quyền con người tại Việt Nam.

Đề cao tự do và sự bình đẳng về nhân quyền là tinh thần được nêu cao ngay tại điều đầu tiên trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp: “Con người sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”1. Tuyên ngôn này là ngọn cờ tư tưởng của Cách mạng tư sản Pháp, sau đó đã được trang trọng đặt trong phần mở đầu của Hiến pháp Pháp năm 1958 - văn bản ở cấp cao nhất trong Hệ thống cấp bậc của các chuẩn mực luật pháp tại Pháp2 và còn nguyên giá trị đến ngày nay, đã truyền tải cảm hứng dẫn đường cho các công ước quốc tế và khu vực châu Âu về quyền con người3. Tinh thần đề cao các giá trị quyền con người đó cũng thúc đẩy Pháp trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển về quyền con người. Do đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo tại quốc gia này đã cho ra đời rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, hội nghị hội thảo, sách, tạp chí là nguồn tư liệu quý giá, đáng được đối chiếu và tham khảo trong nghiên cứu quyền con người. Bởi vậy, những nhận thức về tình hình, xu hướng nghiên cứu quyền con người ở các cấp độ khác nhau tại một số cơ sở giáo dục của Pháp những năm gần đây mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này là nhằm mục đích tham khảo cũng như cổ vũ, thúc đẩy việc nghiên cứu quyền con người ở Việt Nam.

1. Các đề tài nghiên cứu về quyền con người tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo ở Pháp

Trong các trường đại học ở Pháp, kiến thức pháp luật về quyền con người và phương pháp tiếp cận quyền con người luôn được đưa vào chương trình đào tạo đối với sinh viên ngành luật và các ngành khoa học chính trị ngay từ năm thứ nhất đại học. Để phát triển chuyên môn phục vụ giảng dạy, các giáo sư và giảng viên của các trường đại học Pháp rất chú trọng việc phát triển các đề tài, báo cáo nghiên cứu về quyền con người. Các đề tài thường rất đa dạng về ý tưởng và bàn luận nhiều khía cạnh khác nhau của quyền con người: từ những quyền cơ bản như quyền tự do, quyền được bảo vệ, các hoạt động phi chiến tranh đến những chủ đề cụ thể, có nhiều tranh luận khoa học như: quyền tự do biểu tình, quyền cho các tù nhân trong trại tạm giam, v.v..

Trường đại học Paris II Panthéon-Assas - một trong những trường luật lâu đời và danh tiếng nhất của Pháp đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền và Luật Nhân đạo Paris (Paris Human Rights Center) vào năm 1995 bởi Trưởng khoa Mario Bettati và Gérard Cohen-Jonathan. Trong hơn hai mươi năm, đây đã là một trong những trung tâm nghiên cứu chính ở Pháp và ở Châu Âu thực hiện các dự án nghiên cứu được đặc trưng bởi một tầm nhìn tích hợp và phân chia về tất cả các tiêu chuẩn và thể chế của luật pháp quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền con người: luật nhân quyền quốc tế và châu Âu, luật hình sự quốc tế, luật nhân đạo quốc tế hoặc luật tị nạn. Hàng năm, Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền Paris đều tiếp nhận học viên, sinh viên và giáo sư thực hiện các đề tài được đăng trên trang mạng chính thức của trung tâm4. Một trong những đề tài nổi bật và gần đây nhất, được hoàn thành năm 2019, mang tên “Tính phổ biến, tính không thể tách rời và tính phụ thuộc lẫn nhau của quyền con người: các nguyên tắc và ứng dụng của chúng”5, được thực hiện bởi giáo sư Emmanuel Decaux - giáo sư danh dự của trường Paris II. Trong đề tài, giáo sư đã bàn luận về đặc trưng của quyền con người, vai trò của các đạo luật và hiệp ước quốc tế về nhân quyền; mục đích mà các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc được thành lập - nhằm bảo vệ hòa bình và quyền con người.

Tại trường đại học Toulouse I Capitole, nữ tiến sĩ Schmitz Julia - giảng viên luật hành chính công và quốc tế - nổi tiếng với những nghiên cứu xuất sắc về quyền con người6. Một trong những công trình tiêu biểu của Schmitz Julia là nghiên cứu “Quyền được xin xét lại với người bị tạm giam - Một chặng đường dài gây tranh cãi” được đăng tải trên tập “Tin tức Pháp luật và Hành chính” năm 20197. Tác giả đã dựa trên bản án của Viện Quan sát Nhà tù Quốc tế8 để bàn luận về quyền của những người đang bị tạm giam và thẩm vấn. Bản án của Viện Quan sát Nhà tù Quốc tế nhấn mạnh việc tuân thủ hiến pháp và Công ước châu Âu về Nhân quyền, từ đó đưa ra kết luận chống lại việc từ chối bãi bỏ các quy định liên quan đến việc sắp xếp tổ chức thăm gặp những người bị tạm giam, bảo vệ các quyền của người tạm giam như: quyền được hưởng chuyến thăm hàng quý của gia đình, quyền được giao tiếp9, quyền được trao đổi bằng văn bản19,v.v.. Trước đó, năm 2016, Schmitz Julia cũng đã chủ trì đề tài “Quyền tái hòa nhập của những người bị giam giữ”11 với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ danh tiếng trong lĩnh vực luật học. Đề tài đã định nghĩa về quyền tái hòa nhập, xác định nội dung quyền tái hòa nhập, nghĩa vụ phải thi hành những hoạt động giúp phạm nhân tái hòa nhập từ trong nhà tù.

Khoa Luật và Khoa học Chính trị của Aix-en-Provence cũng là một đơn vị có đóng góp tích cực trong các hoạt động nghiên cứu về quyền con người ở Pháp. Năm 2017 Khoa đã phát triển đề tài “Quyền tự do biểu tình và giới hạn của nó: quan điểm luận so sánh”12 dưới sự chủ trì của Aurélie Duffy-Meunier- giảng viên chính tại Đại học Paris II-Panthéon-Assas và Thomas Perroud-giáo sư Đại học Paris II - Panthéon-Assas. Đề tài này bàn luận về một chủ đề gây tranh cãi liên quan đến vai trò và ảnh hưởng của nền chính trị đối với quyền tự do bày tỏ chính kiến của dân chúng. Đề tài đã so sánh và nghiên cứu về quyền tự do biểu tình theo luật pháp Châu Âu, tại Tây Ban Nha, tại pháp, Quebec- Canada, Ý và các nước châu Mỹ.

2. Các hội thảo, hội nghị về quyền con người tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo ở Pháp

Bên cạnh các đề tài nghiên cứu về quyền con người, các hội thảo về quyền con người cũng được tổ chức trong khắp các cơ sở giáo dục đào tạo của Pháp, mang đến những buổi tranh luận cởi mở về những chủ đề mang tính thời sự.

 Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền và Luật Nhân đạo Paris (CRDH)  trực thuộc đại học Paris II Panthéon-Assas thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế, ngày hội học tập và hội nghị liên quan đến luật pháp về quyền con người. Từ năm 2000, trung tâm đã xuất bản một tạp chí điện tử về các Quyền Cơ bản. Với đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ, CRDH tham gia vào các mạng lưới quốc tế và dẫn dắt các dự án khoa học đầy tham vọng. Trung tâm tiếp nhận chủ yếu các học viên thạc sĩ 2 về luật nhân quyền của trường đại học này, với gần 500 học viên được đào tạo và nghiên cứu trong vòng 15 năm, cung cấp một đội ngũ các nhà nghiên cứu nhân quyền trên khắp thế giới.

Các sinh viên Pháp và quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận với các cuộc hội thảo về nhân quyền qua các đoạn ghi hình hay bài giảng được các cơ sở giáo dục của Pháp đăng trên trang chủ chính thức hay kênh Youtube. Một trong những cơ sở đào tạo tích cực hàng đầu với các hoạt động hội thảo phải kể đến Aix Global Justice - Văn phòng nghiên cứu Luật được thành lập vào năm 2015 theo sáng kiến của các nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Khoa Luật Aix-en-Provence, Pháp và dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Ludovic Hennebel. Văn phòng đã tự khẳng định vị thế của một tổ chức học thuật liên quan đến tranh tụng, nghiên cứu và tư vấn về luật quốc tế và các vấn đề liên quan như luật nhân quyền quốc tế, luật hình sự quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và luật di cư quốc tế. Aix Global Justice có một kênh chính thức trên nền tảng Youtube13 - nơi đăng tải những cuộc hội thảo về nhân quyền được tổ chức cho các sinh viên, học viên Khoa Luật của Aix-en-Provence. Năm 2017, Aix Global Justice đã tổ chức một cuộc hội thảo có tiếng vang lớn với sự tham dự của Jean-Paul Costa - chủ tịch Tòa án Nhân quyền châu Âu14, nhiệm kỳ 2007-2011. Trong hội thảo mang tên “Công ước và tòa án châu Âu về nhân quyền trong viễn cảnh tương lai”15, vị cựu chủ tịch đã bàn về tương lai của công ước về quyền con người và tính khả thi của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Ông đã khẳng định lại tầm ảnh hưởng của công ước với luật pháp quốc tế và Liên hợp quốc bất chấp những xung đột về chính trị và nhấn mạnh rằng quyền con người sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu. Ông cũng đã nói đến sự bình đẳng nam nữ trong bộ máy của tòa án Châu Âu - nơi có 40% thẩm phán là nữ giới - một tỉ lệ rất cao trong bộ máy nhân sự của một tòa án. 

Cũng trong năm 2017, Aix Gbobal Justice tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Quyền cơ bản và an ninh: đồng minh không thể tách rời”16 với với sự tham gia của Françoise Tulkens - nữ phó chủ tịch của tòa án Nhân quyền Châu Âu nhiệm kỳ 2011-2012. Tại Hội thảo này, bà Tulkens đã phát biểu rằng các Công ước của Liên hợp quốc không hề cản trợ các hoạt động chống khủng bố mà trái lại, là nền tảng trong cuộc chiến chống khủng bố. Các nước cần phải có những biện pháp phòng chống khủng bố hiệu quả, bên cạnh đó không được “mù quáng” - nguyên văn lời bà Tulkens - bỏ quên quyền lợi của những người dân bị ảnh hưởng. Cuộc chiến chống khủng bố không được đánh mất đi sự cân xứng giữa lợi ích của việc duy trì quyền bảo an con người và việc giải quyết các thế lực khủng bố.

3. Các tạp chí, xuất bản phẩm về quyền con người tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo ở Pháp

Trong truyền thống, xuất bản phẩm là kênh quan trọng để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học nhưng trong thời đại 4.0, phần lớn các tạp chí về nhân quyền của các trường đại học tại Pháp đã chuyển sang hình thức tạp chí trực tuyến.

Tạp chí về Quyền cơ bản - La revue Droits fondamentaux được thành lập vào năm 2001, trong khuôn khổ của Đại học Paris II Panthéon-Assas, với sự hỗ trợ của Cơ quan Pháp ngữ toàn cầu - Agence universalitaire de la Francophonie (AUF). Tạp chí là một trong những hoạt động nghiên cứu chính của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người và Luật Nhân đạo (CRDH) thuộc Đại học Paris II, đã đưa các công nghệ mới vào phục vụ hoạt động nghiên cứu, phổ biến và nhân rộng thông tin, kiến thức về luật pháp và quyền con người. Từ năm 2012, tạp chí đã chuyển sang hình thức điện tử (link: https://www.crdh.fr/revue-droits-fondamentaux/) với các bài viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp được đăng tải theo từng năm từ 2001 đến nay của các giáo sư danh tiếng, mà phần lớn trực thuộc đại học Paris II.

Tại Đại học Paris Nanterre, Tạp chí Quyền con người - La Revue des droits de l’homme do giáo sư Véronique Champeil Desplats - Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu làm tổng biên tập là một tuần san online đăng tải các bình luận nhanh về tin tức pháp luật trong mục Tin tức thời sự - Quyền tự do “Actualités Droits-Libertés”17. Ngoài ra, sáu tháng một lần, tạp chí sẽ xuất bản một số đặc biệt tổng hợp các bài viết chuyên sâu về quyền con người tron nhiều lĩnh vực.

Tạp chí Nghiên cứu Quyền con người Châu Âu - La Revue européenne de recherche en droits de l’Homme thành lập bởi R.E.R.D.H. - Mạng lưới Nghiên cứu Nhân quyền Châu Âu - một hiệp hội do các nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Limoges thành lập vào năm 2009 và từ đó đã tập hợp các nghiên cứu sinh, tiến sĩ, giảng viên và giáo sư từ các trường đại học khác nhau của Pháp. Đây là một tạp chí hàng năm và trực tuyến, mọi người đều có thể gửi các bài viết qua địa chỉ email của tạp chí và nội dung của nó được biên tập bởi một ủy ban biên tập bao gồm các thành viên của hiệp hội, được hỗ trợ bởi một ủy ban gồm các giáo sư và giảng viên đại học. Số đầu tiên của tạp chí được xuất bản vào cuối mùa hè 2019, nói về những phát triển về nhân quyền trong thập kỷ 2010 và có tựa đề “Mười năm nhân quyền”18. Chủ đề chung của tạp chí cho phép các tác giả khám phá tất cả các lĩnh vực luật, cho dù luật công hay luật tư, lý thuyết luật hay lịch sử luật, các vấn đề cơ bản hoặc thủ tục, với điều kiện những đóng góp của họ ít nhiều có mối liên hệ chặt chẽ với nhân quyền.

Bên cạnh các tạp chí định kỳ, trong những năm gần đây, các trường đại học tại Pháp cũng xuất bản nhiều sách chuyên khảo, tham khảo đặc sắc về quyền con người. Trong đó điển hình là:

Sách chuyên khảo “Quyền tự do cơ bản và tự do công cộng” (Droit de liberté fondamentaux et liberté publiques) của Giáo sư Bioy Xavier của trường Đại học Toulouse I Captiole, xuất bản lần đầu vào năm 2014 và tái bản lần thứ 6 vào năm 2020, là tài liệu vô cùng cơ bản và bổ ích dành cho học viên, sinh viên ngành luật cũng như các nhà nghiên cứu, cán bộ hành pháp, tư pháp hoặc bất kỳ ai quan tâm đến quyền con người. Cuốn sách này làm rõ những khái niệm cơ bản về quyền con người, từ nguồn gốc các quyền đến sự ghi nhận trong pháp luật quốc tế, pháp luật châu Âu, trong luật hiến pháp, hành chính của Pháp. Tác giả đưa ra cái nhìn về mỗi quyền, tự do trên đầy đủ các phương diện: lịch sử, học thuyết, quy định pháp lý và cả những tranh luận liên quan đến quyền ấy. Không chỉ đề cập đến các quyền cơ bản, quyền tự do công cộng, quyền của các nhóm dễ tổn thương (trẻ em, người nước ngoài, người tàn tật, tù nhân)  mà tác giả còn phân tích những vấn đề phát triển của xã hội liên quan quan đến quyền như: dữ liệu cá nhân, sinh trắc học, internet, truyền thông và đời tư, vấn đề người nước ngoài, đạo đức sinh học…

Đồng chủ biên với nữ giáo sư Pascale Deumier từ Khoa Luật - Đại học Lyon và giáo sư Arnaud Martinon Đại học Paris II, giáo sư Xavier Bioy tham gia biên soạn một ấn phẩm lý thú khác liên quan đến quyền con người là “Các phán quyết chính trong luật về các quyền tự do cơ bản” (Les grands arrêts du droit des libertés fondamentales) xuất bản năm 2019 tại Nhà xuất bản Dalloz. Ấn phẩn này tập hợp những bài phân tích các quyết định quan trọng do các tòa án Châu Âu (ECHR, CJEU) và Pháp (Hội đồng Hiến pháp, Tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Nhà nước) đưa ra trong lĩnh vực các quyền và tự do cơ bản. Thông qua đó, lý giải cách thức mà hệ thống pháp luật của Pháp, của Châu Âu nhận thức và thực thi các quyền và tự do cơ bản.

Cuốn sách “Nhân quyền và Tự do cơ bản” (Droit de l’homme et liberté fondamentale) của giáo sư Stéphanie Hennette -Vauchez của trường đại học Paris Ouest Nanterre La Défense, xuất bản lần đầu vào tháng 6 năm 2013, tái bản lần thứ ba năm 2019, là một tác phẩm đặc biệt đáng chú ý trong nghiên cứu lý luận quyền con người gần đây ở Pháp. Tác giả đã khẳng định rằng nhân quyền không chỉ là một tập hợp các quy tắc được thiết kế để bảo vệ tự do, quyền tự chủ, quyền riêng tư hoặc để đảm bảo bình đẳng; chúng còn là một dự án trí tuệ được bắt nguồn từ lịch sử chính trị, pháp luật và triết học. Với những lập luận hiện đại, tác phẩm này phân tích chính xác tất cả các vấn đề đương đại liên quan đến quyền con người: ảnh hưởng của luật pháp quốc tế và châu Âu; vai trò của nhà lập pháp và thẩm phán trong việc bảo vệ các quyền và tự do; đấu tranh chống khủng bố; quyền tự do ngôn luận trong thời đại internet; các vấn đề đạo đức sinh học, bình đẳng và quyền phụ nữ, nghèo đói và bị xã hội loại trừ, quyền của người di cư…

Giáo sư Henri Oberdorff  từ trường đại học Grenoble, đồng thời là Giám đốc danh dự của Viện Nghiên cứu Chính trị Grenoble cũng cho ra đời một tác phẩm cùng tên “Nhân quyền và Tự do cơ bản” (Droit de l’homme et liberté fondamentale) và tái bản lần thứ 7 năm 2019 với nhiều nội dung cập nhật bởi nhà xuất bản LGDJ - Lextenso. Cuốn sách này được chia thành hai phần. Đầu tiên là lý thuyết chung về quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Nó cho phép ta tiếp cận nền tảng của nhân quyền và sự công nhận của quốc gia, châu Âu và quốc tế về quyền con người. Sách nêu lên các phương pháp tổ chức và hệ thống bảo vệ của nhân quyền ở cả cấp quốc gia - đặc biệt là Pháp - và các tổ chức quốc tế. Phần thứ hai trình bày chế độ pháp lý về quyền tự do thân thể và quyền tự do trí tuệ. Cuốn sách cũng phân tích những thách thức đặt ra đối với những quyền tự do này trong khoa học đời sống, sự chuyển đổi kỹ thuật số của xã hội và nhiệm vụ thường trực về an ninh do chủ nghĩa khủng bố gây ra.

Như vậy, có thể nói rằng: trên nền tảng lý luận và pháp luật đã phát triển lâu đời về quyền con người, các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực này tại Pháp vẫn không ngừng phát triển và sôi nổi, mang đến những đóng góp to lớn cho nghiên cứu, xây dựng, thực thi pháp luật về quyền con người. Hoạt động nghiên cứu về quyền con người tại các cơ sở giáo dục ở Pháp diễn ra với nhiều hình thức đa dạng, nhiều chủ đề từ khái quát, cơ bản đến cụ thể và luôn cập nhật, mang tính thời sự. Quá trình cũng như kết quả nghiên cứu được đăng tải rộng rãi bằng nhiều phương tiện, hình thức giúp cho những người quan tâm dễ dàng tiếp cận. Đáng chú ý là bề dày phát triển không làm cho hoạt động nghiên cứu về quyền con người ở Pháp trở thành một ngành khoa học già cỗi mà ngày càng thể hiện sức hút mạnh mẽ đối với các nhà khoa học, học viên, sinh viên các ngành pháp lý và chính trị. Qua điển hình của Pháp cho thấy nghiên cứu về quyền con người đã, đang và sẽ tiếp tục là một ngành khoa học trọng điểm của lĩnh vực chính trị, pháp lý.

Tài liệu trích dẫn

(1)  Quốc hội Pháp (1789), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (tiếng Pháp: Déclaration des droits de l'Homme et du citoyen - được soạn thảo vào năm 1789 thông qua bởi Quốc hội Pháp năm 26 tháng 8 năm 1791).

(2) Hệ thống cấp bậc của các chuẩn mực (tiếng Pháp: Hiérarchie des normes) là một tầm nhìn tổng hợp về luật được phát triển bởi Hans Kelsen (1881-1973). Hans Kelsen biểu thị hệ thống phân cấp này dưới dạng một kim tự tháp ở trên cùng là Hiến pháp.

(3) Tiêu biểu là: 1) Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp; 2) Công ước châu Âu về nhân quyền - tên chính thức là Công ước bảo vệ Nhân quyền và các quyền Tự do cơ bản (tiếng Anh: Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms) - hiệp ước quốc tế nhằm bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở châu Âu, được ký kết bởi các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cả các nước ngoài khối EU như Nga.

(4) Trang mạng chính thức của Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền Paris: https://www.crdh.fr/, truy cập ngày 22/9/2020.

(5) Đường link đăng tải kết quả nghiên cứu: https://www.crdh.fr/revue/n-17-2019/universalite-indivisibilite-et-interdependance-des-droits-de-lhomme-les-principes-et-leur-application/, truy cập ngày 22/9/2020.

(6) Thông tin về nữ tiến sĩ Schmitz Julia và các đề tài của cô được đăng trên trang chủ của trường Toulouse I Capitole tại đường link: https://www.ut-capitole.fr/mme-julia-schmitz--49530.kjsp

(7) Quyền được xin xét lại với người bị tạm giam. Một chặng đường dài gây tranh cãi (tiếng Pháp:  Le droit au recours effectif des personnes placées en détention provisoire. Un long chemin contentieux) được viết dựa trên bản án của Conseil d’État - Hội đồng nhà nước Pháp, đăng trong tập Tin tức Pháp luật và Hành chính số 417244, trang 825 đến 831.

(8) Viện Quan sát nhà tù Quốc tế (tiếng Pháp: L'Observatoire international des prisons) ra đời năm 1990 tại Lyon, Pháp theo sáng kiến của Bernard Bolze với mục đích thúc đẩy sự tôn trọng về nhân quyền với những tù nhân trên toàn thế giới. Viện có tư cách tham vấn tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1995.

(9) Quyền được giao tiếp của người bị giam giữ tại Pháp: Thẩm phán kiểm tra có thể ra lệnh cấm giao tiếp ra bên ngoài với người bị tam giam trong thời hạn mười ngày. Biện pháp này có thể được gia hạn, nhưng chỉ trong thời hạn mười ngày nữa. Trong mọi trường hợp, việc cấm giao tiếp không áp dụng đối với luật sư của người bị truy tố.

(10) Quyền được trao đổi bằng văn bản của người bị giam giữ: với điều kiện cơ quan tư pháp không phản đối, phạm nhân có thể trao đổi bằng văn bản với bất kỳ người nào mà họ lựa chọn.

(11) Hội thảo Quyền tái hòa nhập của những người bị giam giữ (tiếng Pháp: Le droit à la réinsertion des personnes détenues) tổ chức ngày 28 và 29 /01/2016, đường link đến báo cáo toàn văn tại Hội thảo: https://journals.openedition.org/revdh/2955

(12) Quyền tự do biểu tình và giới hạn của nó: quan điểm luận so sánh” (tiếng Pháp: La liberté de manifester et ses limites: perspective de droit comparé), link đăng tải đề tài: https://journals.openedition.org/revdh/2956.

(13) Kênh Youtube của Aix Global Justice : https://www.youtube.com/channel/UCTfHIq7RmYzQNR0gbKv_Few/videos

(14) Tòa án nhân quyền Châu Âu (tiếng Anh: European Court of Human Rights, tiếng Pháp: Cour européenne des droits de l’homme) trụ sở tại Strasbourg, Pháp là một tòa án siêu quốc gia, được lập ra bởi Công ước châu Âu về Nhân quyền, một cấp tòa cuối cùng mà một người có thể cầu cứu khi cảm thấy nhân quyền của mình bị một nước ký kết Công ước châu Âu về Nhân quyền vi phạm.

(15) Hội thảo “Công ước và tòa án châu Âu về nhân quyền trong viễn cảnh tương lai” (tiếng Pháp: Convention et Cour EDH: perspectives d'avenir) Link đăng tải toàn phiên hội thảo: https://www.youtube.com/watch?v=It_E4uSfZCw

(16) Hội thảo “Quyền cơ bản và an ninh: đồng minh không thể tách rời” (tiếng Pháp: Droits fondamentaux et sécurité: des alliés inséparables) link đăng tải toàn phiên hội thảo: https://www.youtube.com/watch?v=NrDII0Dwa7Y

(17) Xem tuần san online tại link: https://find.parisnanterre.fr/la-revue-des-droits-de-l-homme-823017.kjsp

(18) Xem Tạp chí Nghiên cứu quyền con người châu Âu tại Link: https://univ-droit.fr/index.php.

TS. Trần Thị Hồng Lê* 

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trần Nguyễn Ngọc Mai

Sinh viên Khoa Luật - Trường Toulouse I, Capitole, Pháp