Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn

  1. Mục đích đưa nội dung quyền con người vào giáo dục nghề nghiệp

Theo Khoản 1, Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp, “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên”[1].

Như vậy giáo dục nghề nghiệp là đào tạo tay nghề ở ba trình độ (từ sơ cấp, trung cấp và trình độ cao đẳng) nhằm cung cấp nguồn lực con người có tay nghề cho xã hội. Do vậy, đưa nội dung quyền con người vào các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân[2] như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, thì trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng giáo dục nghề nghiệp khác với giáo dục, đào tạo nói chung, là gắn chặt chẽ và phải đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động và việc làm. Đây là đòi hỏi rất quan trọng, bởi nếu đào tạo mà không gắn với thị trường, không gắn với đòi hỏi khách quan của thị trường lao động, thì mục tiêu của giáo dục nghề không đạt được. Thực hiện được tốt đặc điểm này, cũng chính là thực hiện được quyền con người của người lao động, đó là quyền việc làm. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp còn gắn chặt chẽ với quá trình lao động nghề nghiệp trên thực tế và liên quan trực tiếp các công việc hàng ngày của người lao động;công việc hằng ngày của người lao động có liên quan trực tiếp tới tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động, liên quan tới quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Vì thế người lao động cần phải biết được quyền và nghĩa vụ, các lợi ích mà người lao động được hưởng thế nào.

Việc nâng cao năng lực hành nghề và đạo đức cho người học nghề, trước khi họ ra trường nhận việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi nâng cao chất lượng của chính chương trình đào tạo, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của người thày và các yêu cầu cần có của người học.

Từ sự phân tích trên, cho thấy mục đích đưa nội dung quyền con người vào giáo dục nghề nghiệp là nhằm đáp ứng yêu cầu không chỉ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giáo viên, giảng viên mà còn đặc biệt quan trọng là cung cấp nhận thức, hiểu biết và kỹ năng bảo vệ quyền của học viên – lực lượng quan trọng, có tay nghề, hiểu biết về quyền con người.

- Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giáo viên, giảng viên: mục đích là nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế và quốc gia về quyền con người, để từ đó thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của người học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần hiểu biết về quyền con người, để chỉ đạo các trường dạy nghề đưa nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo nghề. Đội ngũ giáo viên hiểu biết về quyền con người để có kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, lồng ghép quyền con người vào chương trình đào tạo; hướng dẫn học viên biết cách tự bảo vệ quyền của mình và biết tôn trọng quyền của người khác trong quan hệ lao động.

- Đối với học viên: Cung cấp cho người học kiến thức cơ bản giúp người học nhận thức được giá trị cao quý của quyền con người. Củng cố niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người. Qua đó tạo cho người học có thái độ tôn trọng, bảo đảm, tích cực tham gia thúc đẩy quyền con người; bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác trong xã hội.

Người học hiểu biết về quyền con người để biết tự bảo vệ quyền của mình khi có hành vi vi phạm, đồng thời tôn trọng quyền của người khác trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh.

  1. Ý nghĩa đưa nội dung quyền con người vào giáo dục nghề nghiệp

a) Ý nghĩa chính trị

Quan điểm đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Xuất phát từ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, ngay từ năm 1992, Ban bí thứ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12/7/1992 về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta đã nhấn mạnh: “Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân ta để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta nhằm phục vụ con người, vạch trần những luận điệu bịp bợm và thủ đoạn xấu xa của các thế lực thù địch về quyền con người.Cần có nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục thích hợp đối với từng loại đối tượng khác nhau như công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng tôn giáo…[3]”.

Đặc biệt sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị, các cấp, các ngành đã tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của Chỉ thị 12, và Ban bí thư đã ra Chỉ thị mới, Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20 tháng 7 năm 2010 về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”, đã chỉ rõ “Nghiên cứu đưa nội dung về nhân quyền vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng về nhân quyền phù hợp với từng loại đối tượng trong xã hội[4]”.

Như vậy, việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục nghề nghiệp là thực hiện chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng.

b) Ý nghĩa pháp lý

Trên cơ sở chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2004 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới…Dành mối quan tâm thường xuyên trong giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân nói chung và tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng về nhân quyền[5]”.

Cùng với chỉ thị của Đảng, Chính phủ, quyền con người là một nội dung đặc biệt quan trọng, cấu thành hiến pháp. Trên cơ sở kế thừa các bản hiến pháp trước đó, và kết quả đạt được sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã dành phần lớn quy định về quyền con người, quyền công dân. Các bộ luật, luật được ban hành sau đó đều cụ thể hóa các quy định, nguyên tắc về quyền con người trong hiến pháp. Do vậy, để thực hiện được các quy định của Hiến pháp và pháp luật, đưa quyền con người vào cuộc sống, điều đầu tiên và vô cùng quan trọng đó là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền con người.

c) Ý nghĩa, giá trị về văn hóa, đạo đức

Quyền con người là giá trị thiêng liêng, cao quý, được hình thành và phát triển trong máu, lửa, đạt bom chống áp bức, bóc lột và bất công xã hội và con người chế ngự thiên nhiên, do đó quyền con người, các chuẩn mực quyền con người đã trở thành các giá trị phổ quát, được áp dụng trên toàn thế giới. Xuyên suốt tư tưởng quyền con người trong lịch sử nhân loại đó là tư tưởng nhân đạo, giải phóng con người. Với tư tưởng “mình muốn người ta đối xử với mình như thế nào, mình hãy đối xử với người ta như thế đó”, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh đã lan tỏa và lay động hàng triệu triệu con tim và khối óc để đứng lên chống bạo tàn thiết lập các nguyên tắc mọi người sinh ra bình đẳng về các quyền, không có bất cứ sự phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, đảng phái, quan điểm chính trị, giới tính, nguồn gốc xã hội…đều có thể sống và làm việc cùng nhau. Do vậy, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, các giá trị của quyền con người, tạo lập nền văn hóa nhân quyền toàn cầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở mỗi quốc gia, dân tộc. Tư tưởng tôn trọng, bảo vệ quyền con người phải trở thành sức mạnh - sức mạnh về văn hóa, văn hóa nhân quyền. Và vì vậy, chỉ có tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là giáo dục học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai của mỗi dân tộc, mới có thể từng bước xây dựng được nền văn hóa nhân quyền, và do đó có ý nghĩa lớn về mặt đạo đức, văn hóa ở từng quốc gia, là cơ sở để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các rào cản ảnh hưởng tới quá trình thực thi và thụ hưởng các quyền con người.

d) Ý nghĩa quốc tế

Đến nay Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn, gia nhập 07 công ước chính của Liên hợp quốc về quyền con người (không kể các công ước do các tổ chức quốc tế khác thông qua). Việc giáo dục quyền con người là một trong những trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên. Trong đó có trách nhiệm thực hiện các điều ước quốc tế, đưa nội dung quyền con người đến với mọi người trong xã hội, đó là cách thức thực hiện quyền được giáo dục về quyền con người.

Việc đẩy mạnh giáo dục quyền con người không chỉ thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng để cộng đồng quốc tế thấy rõ các thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, để họ hiểu rõ hơn về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đồng thời chia sẻ những khó khăn, tác động đến bảo vệ quyền con người; qua đó khắc phục tình trạng bị động trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại.

Giáo dục quyền con người, còn có ý nghĩa phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về quyền con người ở Việt Nam, nhất là các luận điệu xuyên tạc về những thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, giáo dục quyền con người.

đ) Ý nghĩa xã hội

Giáo dục quyền con người là nhằm nâng cao hiểu biết xã hội, trang bị kỹ năng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trong đó có pháp luật về quyền con người. Một khi quyền con người được lan tỏa trong giáo dục nghề nghiệp, sẽ hướng mọi người, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động phải kiềm chế vi phạm – vi phạm quyền của người lao động.

Người lao động biết họ có những quyền gì, ai là chủ thể có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình lao động; họ nhận biết được quyền nào đang được bảo vệ, quyền nào đang bị vi phạm, ai vi phạm, mức độ vi phạm và biết cách tự bảo vệ.

Người chủ sử dụng lao động, biết về quyền con người, quyền của người lao động, sẽ có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ người lao động. Biết kiềm chế, tránh vi phạm, đặc biệt có ý thức trách nhiệm nâng cao đạo đức, đạo đức trong quá trình sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần làm cho xã hội hướng tới chân, thiện, mỹ, hướng tới các giá trị văn minh. Và qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa quyền con người trong lĩnh vực nghề nghiệp, lao động, việc làm.

PGS.TS. Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

[1] Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tại trang [http://www.molisa.gov.vn/Images/FileVanBan/LUAT74QH.pdf]. Truy cập ngày 10/11/2020

[2] Luật Giáo dục Đại học. Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

[3] Ban Chỉ đạo Nhân quyền của của Chính phủ, Văn phòng Thường trực, “Tài liệu tổng kết Chỉ thị 12 của Ban bí thư Trung ương Đảng về vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta”, Nhà xuất bản chính trị - Hành chính, trang 14

[4] Như trên, trang 107, 108

[5] Như đã dẫn, trang 63