Mặc dù giáo dục quyền con người là nội dung quan trọng, được thể hiện qua chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh giảng dạy môn học này trong các nhà trường, các cấp học, tuy nhiên thực tế cho thấy vấn đề này vẫn chưa được triển khai quyết liệt ở các trường đại học khối chuyên luật, nội dung đào tạo chỉ dừng lại ở giới thiệu kiến thức cơ bản, hoặc lồng ghép vào các môn học khác nên không có tính chuyên sâu, các công trình nghiên cứu đến nay đã tương đối nhiều nhưng việc chuyển hoá kết quả nghiên cứu thành tri thức chuẩn đưa vào sách giáo khoa (giáo trình) còn hạn chế, chưa có sự thống nhất trong toàn quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: daidoanket.vn.

1. Đánh giá việc xác định phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, đối với các trường chuyên ngành luật. Cho đến nay đa số các cơ sở đào tạo vẫn xếp môn học về quyền con người (QCN) vào nhóm môn tự chọn, rất ít cơ sở xác định đây là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân ngành luật. Chính vì vậy, phương pháp giảng dạy đối với môn học này cũng sử dụng các phương pháp phổ biến như đối với các môn học khác. Quan sát các phương pháp giảng dạy lý thuyết ở các cơ sở đào tạo khối chuyên luật nước ta hiện nay cho thấy, giảng viên chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống, bên cạnh đó có sử dụng thêm một số phương pháp giảng dạy hiện đại như hỏi đáp, lấy ý kiến ghi lên bảng, phỏng vấn, thảo luận nhóm… Các phương pháp giảng dạy này được áp dụng đối với hầu hết môn học, trong đó môn học về QCN cũng không phải ngoại lệ. 

Khảo cứu kết cấu chương trình học của các cơ sở đào tạo cho thấy, môn học về QCN thường được tính là 2 tín chỉ (30 tiết), trong đó có 24 tiết học lý thuyết trên lớp, 6 tiết tự học, không có thời gian dành cho thực hành. Điều đó cho thấy, sinh viên học môn này chủ yếu lĩnh hội kiến thức lý thuyết, không có nội dung thực hành, từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn sau khi ra trường. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, trong các môn học có lồng ghép vấn đề nhân quyền như Tội phạm học, Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Công pháp quốc tế… thì có phân bổ thời gian thực hành cho sinh viên. Điều này cho thấy, ở mức độ nhất định, sinh viên có thể được tiếp xúc với các tình huống giả định liên quan đến vấn đề QCN, tuy nhiên điều này còn tuỳ thuộc vào quan điểm ra bài tập tình huống của mỗi giảng viên, bởi vì nội dung chính của những môn học này không phải là vấn đề QCN. 

Mặc dù giáo dục quyền con người là nội dung quan trọng, được thể hiện qua chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh giảng dạy môn học này trong các nhà trường, các cấp học, tuy nhiên thực tế cho thấy vấn đề này vẫn chưa được triển khai quyết liệt ở các trường đại học khối chuyên luật, nội dung đào tạo chỉ dừng lại ở giới thiệu kiến thức cơ bản, hoặc lồng ghép vào các môn học khác nên không có tính chuyên sâu, các công trình nghiên cứu đến nay đã tương đối nhiều nhưng việc chuyển hoá kết quả nghiên cứu thành tri thức chuẩn đưa vào sách giáo khoa (giáo trình) còn hạn chế, chưa có sự thống nhất trong toàn quốc.

Thứ hai, đối với các trường không chuyên ngành luật.

Giáo dục QCN tại các trường đại học không chuyên luật ở Việt Nam được thiết kế và thực hiện chủ yếu theo hình thức lồng ghép, tích hợp vào các môn học đặc thù, như: nhà nước và pháp luật, pháp luật đại cương, pháp luật quốc tế, v.v... Thời lượng của nội dung này khoảng từ 35 tiết – 75 tiết, chiếm từ 2.6%-5.63% tổng khối lượng chương trình đào tạo đại học.

Trong quá trình triển khai nội dung giảng dạy, giảng viên các trường đều cố gắng lồng ghép nội dung QCN để đưa những kiến thức khái quát nhất về QCN đến sinh viên; đa số giảng viên thực hiện theo phương pháp thuyết trình truyền thống kết hợp với phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực. Các nội dung về QCN gắn liền trực tiếp với cuộc sống của mỗi người vì thế đã kích thích sự tò mò, khám phá của sinh viên, sinh viên khá thích thú với các nội dung về QCN; ở một số cơ sở đào tạo đã tổ chức các buổi seminar và workshop để thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Giáo dục QCN trong các trường đại học đào tạo không chuyên luật hiện nay chưa được chú trọng đúng mức như vị trí vốn có của nó, yêu cầu giáo dục QCN đặt ra là cần thiết cho tất cả các trường, các thiết chế bảo đảm tương đối đầy đủ nhưng hiện nay, hầu hết các trường mới chỉ thực hiện được công tác giáo dục QCN cho sinh viên trong việc lồng ghép vào các môn học khác có liên quan đến nội dung QCN mà chưa có môn học độc lập về QCN. Thêm vào đó nội dung QCN lồng ghép giảng dạy trong các môn học khác còn sơ khai, phụ thuộc vào yêu cầu của các bộ môn đối với giảng viên và kiến thức về lĩnh vực QCN của giảng viên do đó, mặc dù giáo trình có đề cập đến nhưng trên thực tế ở một số trường, nội dung về QCN thường bị né tránh trong các giờ giảng do nhiều nguyên nhân hoặc có đề cập đến chỉ mang tính chất giới thiệu, thiếu khái quát. Chính vì vậy, sinh viên cũng chỉ được tiếp xúc với QCN ở mức rất hạn chế, kiến thức QCN thu lượm được rời rạc do vậy không thể có một cái nhìn toàn diện về QCN từ đó khó có thể hình thành ý thức tôn trọng QCN trong sinh viên.

Tài liệu nghiên cứu và giảng dạy về QCN còn nhiều thiếu thốn, thiếu cập nhật. Trong số các cơ sở đào tạo đại học không chuyên luật có giảng dạy về QCN, hiện chỉ có vài cơ sở có một số lượng tài liệu tham khảo hạn chế về lĩnh vực này. Do đó có thể coi là trở ngại lớn nhất không chỉ với hoạt động nghiên cứu, mà còn với hoạt động giảng dạy về QCN ở các trường đại học của Việt Nam hiện nay.

2. Giải pháp xác định phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

2.1. Giải pháp chung

Thứ nhất, phương pháp giáo dục QCN trong giáo dục đại học phải dựa trên nguyên tắc chung về giáo dục QCN của Liên Hợp quốc.

Nguyên tắc hoạt động giáo dục QCN trong Chương trình Thế giới về giáo dục QCN[1] đó là, “ (h) Sử dụng các phương pháp sư phạm có sự tham gia bao gồm kiến thức, phản biện, phân tích và kỹ năng hành động nhằm thúc đẩy hơn nữa QCN; (i) Thúc đẩy môi trường dạy và học không bị mong muốn và sợ hãi, khuyến khích sự tham gia, thụ hưởng các QCN và sự phát triển đầy đủ của nhân cách con người”. Theo Điều 2.2 Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về QCN 2011: “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền bao gồm: (a) Giáo dục về nhân quyền, bao gồm cung cấp kiến thức và sự hiểu biết về các quy tắc và nguyên tắc về nhân quyền, các giá trị nền tảng của nhân quyền và các cơ chế bảo vệ nhân quyền; (b) Giáo dục thông qua nhân quyền, bao gồm việc học tập và giảng dạy theo cách thức tôn trọng các quyền của cả người dạy và người học; (c) Giáo dục vì nhân quyền, bao gồm việc trao quyền cho mọi người để có thể thụ hưởng và thực thi các quyền của họ và để tôn trọng và phát huy các quyền của người khác”.

Trong Kế hoạch hành động Chương trình thế giới về giáo dục về QCN giai đoạn 2 (2010-2014) về giáo dục nhân quyền cho giáo dục đại học và các chương trình đào tạo nhân quyền cho giáo viên, nhà giáo, công chức, các quan chức thực thi pháp luật và quân nhân đã xác định: “… vai trò của giáo dục QCN trong giáo dục đại học là cơ bản. Vì giáo dục liên quan đến “không chỉ nội dung của chương trình giảng dạy mà còn cả các quá trình giáo dục, phương pháp sư phạm và môi trường trong đó giáo dục diễn ra”[2], giáo dục nhân quyền trong giáo dục đại học cần được hiểu là một quá trình bao gồm: a) “QCN thông qua giáo dục”: đảm bảo rằng tất cả các thành phần và quá trình học tập, bao gồm giáo trình, tài liệu, phương pháp và đào tạo đều có lợi cho việc học tập các QCN; b) “QCN trong giáo dục”: đảm bảo tôn trọng QCN của tất cả mọi người các tác nhân, và việc thực hành các quyền, trong hệ thống giáo dục đại học. Như vậy, các quy định trên yêu cầu đối với giáo dục QCN ở ba góc độ khác nhau: “về QCN”, “thông qua QCN”, “vì QCN”, trong đó, giáo dục “thông qua QCN” phản ánh trực tiếp phương pháp giáo dục QCN. Theo cách hiểu chung nhất điều này có nghĩa giáo dục QCN phải trong môi trường QCN mà ở đó thể hiện cách thức làm việc giữa người dạy và người học phải bảo đảm các yếu tố tôn trọng, tự do, bình đẳng và khoan dung. Việc học tập về QCN không còn là sự áp đặt, tính chủ động một chiều từ phía người dạy mà trong môi trường đó, người học được phát huy tối đa khả năng tham gia vào quá trình học thông qua việc tự do, thoải mái bày tỏ nguyện vọng, mong muốn và những ý kiến trao đổi, phản biện, băn khoăn, thắc mắc. Ở đó, là biểu hiện cao của sự giao thoa, tương tác giữa người dạy và người học. Do vậy, việc học không đơn thuần là việc truyền tải kiến thức một chiều của giáo viên đối với học sinh, sinh viên mà sẽ là quá trình cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau tương tác và cùng nhau sáng tạo. Với cách tiếp cận như vậy sẽ khơi gợi cho người học xu hướng tìm tòi, “động não”, tư duy trong suốt quá trình học tập. Với quá trình diễn biến như vậy thì người dạy cũng sẽ không theo lối mòn, sự sắp đặt sẵn có mà cũng phải “động não” tư duy, phản ứng nhanh trước những thái độ, hành vi sáng tạo từ phía người học. Bên cạnh đó, yếu tố khoan dung ở đây muốn nói đến cách nhìn nhận, cách tiếp cận thừa nhận sự khác biệt, tránh tình trạng phân biệt đối xử hay định kiến từ phía người dạy hay xóa bỏ mặc cảm tự ti, rụt rè, nhút nhát từ phía người học.

Việc đổi mới giảng dạy QCN đòi hỏi phải «định vị» lại quyền, nghĩa vụ của giáo viên theo hướng dân chủ, khoan dung, hướng dẫn, hỗ trợ học viên, chứ không phải theo hướng «ích kỷ, gia trưởng» theo phương pháp giáo dục truyền thống - người dạy có nhiều quyền có tính “áp đảo” đối với người học, hay nói cách khác người dạy có nhiều quyền lực so với người học trong một lớp học. Giáo dục thông qua QCN, vì môi trường QCN là quá trình “trao quyền” từ người dạy sang người học, chuyển giao “quyền lực” cho người học, từ đó tạo sự bình đẳng, hình thành không khí học tập tự tin, hào hứng và cùng sáng tạo. Người dạy trở về với vai trò là người dẫn dắt, giải thích và làm rõ những vấn đề người học chưa hiểu rõ. Cũng qua sự tranh biện giữa hai bên sẽ cùng hướng đến sự sáng tạo, thống nhất cao và thực chất giữa hai bên. Như vậy, rõ ràng hiệu quả học tập sẽ ở mức độ cao, thực chất và thỏa mãn mong muốn từ cả hai phía, khác xa với cách truyền đạt truyền thống là thuyết trình và áp đặt từ phía người dạy, dẫn tới cách tiếp nhận kiến thức sẽ gượng ép, khiên cưỡng. Thực hiện và tuân thủ tốt nguyên tắc giáo dục thông qua QCN sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu cuối cùng của giáo dục QCN là vì QCN. Định nghĩa mới và mở rộng này cũng chú ý đến quá trình giảng dạy và học tập và tái khẳng định các kết quả của giáo dục QCN là hướng tới hành động “vì” QCN.[3]

Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục QCN trong giáo dục đại học căn cứ vào các phương pháp giáo dục QCN cho thanh niên của Liên Hợp quốc (Giai đoạn thứ tư (2020-2024) của Chương trình giáo dục quyền con người):

Một là, phương pháp lấy người học làm trung tâm, nhạy cảm về giới và ngữ cảnh hóa.          

Trên cơ sở áp dụng môi trường giảng dạy gắn liền với QCN, tôn trọng QCN, phẩm giá và lòng tự trọng của mỗi người học, có tính đến các yếu tố văn hóa, phương pháp lấy người học làm trung tâm để thu hút sự tham gia tích cực của sinh viên, khuyến khích tư duy phản biện và khám phá các quan điểm khác nhau, chú ý đến các nhu cầu và khả năng khác nhau. Với cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, những tiếng nói, quan điểm, văn hóa và kinh nghiệm của sinh viên được lắng nghe. Phương pháp này cũng nhằm trao quyền cho sinh viên, khuyến khích sự tham gia tương tác của họ và khuyến khích khám phá các quan điểm và phản biện. Nhạy cảm giới giúp cho việc giảng dạy và học tập bảo đảm nguyên tắc cơ bản về quyền như bình đẳng và không phân biệt đối xử, tôn trọng nhân phẩm, phẩm giá, giá trị của mỗi cá nhân. Ngữ cảnh hóa được vận dụng tốt giúp cho việc giáo dục QCN sinh động và hấp dẫn, thu hút hơn, tạo sự thay đổi rõ nét so với phương pháp thuyết giảng truyền thống và theo khuôn mẫu sẵn có, thiếu sự sáng tạo.

Hai là, phương pháp học tập trải nghiệm.

Phương pháp học tập trải nghiệm cho phép các sinh viên áp dụng các khái niệm, nguyên tắc, chuẩn mực về QCN vào cuộc sống và trải nghiệm của họ như: tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng (tình nguyện, thiện nguyện, văn hóa), các hoạt động kinh doanh, tham gia vào vận động nhân quyền ở địa phương hoặc cấp rộng hơn, tổ chức cộng đồng, gặp gỡ với đại diện chính quyền…

Ba là, phương pháp học tập ngang hàng - trong không gian an toàn.

Học tập ngang hàng - trong không gian an toàn là phương pháp giáo dục mà ở đó không có sự giám sát của giảng viên, các sinh viên tự tổ chức gặp gỡ. Phương pháp này cho phép các bạn trẻ được tự kết nối cảm xúc, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Cũng tại đó, sinh viên sẽ là trung tâm, làm chủ buổi học tập về QCN và như vậy sẽ thu hút ý kiến ​​đóng góp của các sinh viên; khơi dậy sự đa dạng của các bạn trẻ về kiến thức và kinh nghiệm. Thông điệp của phương pháp này là “kết nối, thấu hiểu, tôn trọng và cùng nhau” thực hiện QCN tốt hơn.

Bốn là, các phương pháp dựa bối cảnh giáo dục đa dạng và hấp dẫn như thể thao, phim ảnh, nghệ thuật, văn hóa, trò chơi, kể chuyện, kịch và nhập vai…

Các phương pháp và bối cảnh giáo dục đa dạng và hấp dẫn như thể thao, phim ảnh, nghệ thuật, văn hóa, trò chơi, kể chuyện, kịch và nhập vai có thể tương tác cộng tác người học thuộc mọi nền tảng và hữu ích trong việc phát triển kiến ​​thức và kỹ năng lãnh đạo, hỗ trợ năng lực liên văn hóa và cung cấp không gian an toàn để phụ nữ và trẻ em gái tham gia và thúc đẩy nữ lãnh đạo. Những điều này có thể thách thức các chuẩn mực giới của xã hội, thúc đẩy giới trẻ dẫn đầu lập trình bất kể danh tính, thúc đẩy sự hiểu biết về các danh tính khác nhau để xây dựng xã hội hòa bình, hòa nhập và bình đẳng và thúc đẩy xây dựng nhóm, sự đồng cảm và kính trọng.

Năm là, áp dụng đan xen, lồng ghép các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, kết hợp giữa kiến thức và lấy thực tiễn chứng minh.

Các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại có ưu điểm phát huy sự tham gia tích cực của sinh viên, khuyến khích sự chủ động của người học, thông qua các hoạt động trao đổi, thảo luận, đóng vai, xử lý tình huống, v.v... Thông thường những phương pháp trên lớp mà giảng viên hay sử dụng đó là: phân tích, diễn giải những vấn đề mang tính lý luận như khái niệm, đặc điểm, cơ sở xác lập quyền… Giảng viên hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu một số nội dung về QCN. Thường những nội dung này dễ tìm hiểu như lấy ví dụ cho việc thực hiện QCN trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Sau khi học xong phần cơ sở lý luận do giảng viên trình bày trước lớp, sinh viên hoàn toàn có thể thực hiện được phần nội dung tự tìm hiểu. Ngoài ra, có những nội dung học phần mang tính ứng dụng lý thuyết thì giảng viên hướng dẫn sinh viên thảo luận nhóm và thuyết trình kết quả nghiên cứu chung đó. Việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp nghiên cứu này giúp sinh viên tiếp thu tốt nhất kiến thức về QCN.

Sáu là, phương pháp giáo dục QCN bảo đảm phù hợp với đối tượng và nội dung giảng dạy.

Phương pháp giáo dục QCN là cách thức truyền tải nội dung và tiếp nhận những phản hồi giữa người học và chủ thể tiến hành hoạt động giáo dục QCN. Phương pháp giảng dạy cần đa dạng hóa nhưng phải được thiết kế phù hợp với nội dung, người học, trình độ, loại hình đào tạo và điều kiện cơ sở vật chất dạy học. Chẳng hạn: đối với sinh viên các khối ngành khoa học – công nghệ, phương pháp giảng dạy cho đối tượng này về nội dung QCN chỉ nên lựa chọn là phương pháp giảng dạy cho một số học phần mang tính xã hội nhân văn. Ngoài ra, việc tìm hiểu nội dung QCN thông qua các cuộc thi tìm hiểu hoặc tích hợp, lồng ghép trong quá trình thực nghiệm, thực hành.

Bảy là, xây dựng chuẩn mực giảng viên.

Phương pháp giáo dục QCN rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên yếu tố quyết định thành công vẫn là người giảng viên. Để đảm trách được vị trí, vai trò của người thầy trong ứng dụng những phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, đòi hỏi giảng viên phải có trình độ chuyên môn vững, phương pháp sư phạm thuần thục và nhân cách trong sáng "vì QCN", tôn trọng quyền học tập của học viên; đồng thời có kỹ năng cần thiết sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Tám là, sử dụng các tài liệu giảng dạy và công cụ hỗ trợ hiện đại, tiện ích.

- Tài liệu giảng dạy, cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc nhân quyền được lồng ghép trong bối cảnh văn hóa có liên quan, cũng như các phát triển lịch sử và xã hội địa phương, cụ thể và phù hợp với đối tượng thanh niên. Các tài liệu bao gồm cả những tài liệu do Liên hợp quốc phát hành.

- Các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, tiện ích: kết nối mạng, trao đổi thông tin và thảo luận về QCN; phát triển các website; ứng dụng các nền tảng công nghệ trong giảng dạy như: Padlet, Jumboard, Mentimeter…; thiết lập các chương trình học tập điện tử, học tập trực tuyến, diễn đàn điện tử, hội nghị trên web và các chương trình đào tạo từ xa… Bên cạnh đó, tuy theo các nguồn lực của trường đại học, vận dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn; sử dụng công nghệ Blockchain nhằm giải quyết vấn đề theo lối tư duy phản biện, sáng tạo…

Thứ hai, phương pháp giáo dục QCN trong giáo dục đại học dựa trên phương pháp tiếp cận dựa trên QCN.

Tiếp cận dựa trên QCN là phương pháp tiếp cận lấy các tiêu chuẩn về QCN làm cơ sở để xác định kết quả mong đợi và lấy các nguyên tắc về QCN làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được kết quả đó[4]. Khác với cách tiếp cận khác, tiếp cận dựa trên QCN không chỉ quan tâm tới việc đạt được mục tiêu mà còn quan tâm thích đáng tới quy trình, cách thức được lựa chọn để đạt được những mục tiêu đó. Điểm nhấn mạnh trước hết ở phương pháp tiêp cận dựa trên quyền là phương pháp này sử dụng những tiêu chuẩn và nguyên tắc cơ bản về QCN làm tiêu chí hướng dẫn quá trình hoạch định và thực thi chính sách cũng như các chương trình và dự án phát triển. Bởi lẽ, các tiêu chuẩn và nguyên tắc về QCN phản ánh những giá trị chung nhất được thừa nhận trong các điều ước quốc tế cơ bản về QCN. Do đó, các tiêu chuẩn và nguyên tắc về QCN sẽ là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các mục tiêu phát triển, cũng như cho hoạt động để đạt được các mục tiêu đó. Tiếp cận dựa trên QCN cũng đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm của chủ thể thực hiện trong việc đáp ứng quyền của chủ thể tác động một cách công khai, minh bạch mà không có sự phân biệt đối xử... Đồng thời, cũng xác định vai trò của các cá nhân, nhóm xã hội (chủ thể được bảo đảm quyền) trong việc đòi hỏi được đáp ứng các quyền của họ. Phương pháp tiếp cận dựa trên QCN còn đưa ra tiêu chí phân tích và đánh giá năng lực của chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền. Đối với chủ thể quyền, các năng lực quan trọng nhất gồm: năng lực nhận thức, năng lực hành vi và năng lực về vị thế xã hội, nếu thiếu một trong các năng lực trên sẽ là trở ngại để họ thực hiện các quyền của mình. Đối với chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền, các năng lực quan trọng nhất gồm: năng lực nhận thức, năng lực tổ chức, năng lực con người (lãnh đạo, quản lý, công chức, nhân viên), năng lực về tài chính... Phân tích, đánh giá năng lực của các chủ thể là khâu quan trọng then chốt để xác định năng lực nào mà chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền đang thiếu hụt, từ đó xây dựng các chiến lược hành động cụ thể, đề xuất các biện pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện sự thiếu hụt đó để hỗ trợ họ hoàn thành tốt quyền và nghĩa vụ của mình[5].

Vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong giáo dục QCN cho cấp học đại học mang đến giá trị và hiệu quả thiết thực:

- Phương pháp giáo dục QCN theo cách tiếp cận dựa trên quyền bảo đảm sử dụng những tiêu chuẩn và nguyên tắc cơ bản về QCN làm tiêu chí hướng dẫn trong suốt quá trình giáo dục, truyền tải kiến thức về quyền cho sinh viên. Hay nói cách khác, phương pháp này cũng đòi hỏi tạo ra môi trường giáo dục vì QCN.

- Tiếp cận dựa trên QCN trong xây dựng phương pháp giáo dục QCN đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm của giảng viên trong việc đáp ứng quyền học tập quyền của sinh viên một cách công khai, minh bạch mà không có sự phân biệt đối xử... Đối với người học, phương pháp này trao cho họ quyền, vai trò yêu cầu được đáp ứng các quyền học của họ. Sinh viên tự tin và mạnh dạn bày tỏ mong muốn, ý kiến, phản biện của mình đối với giảng viên.

  - Trong giáo dục QCN, phương pháp giáo dục hiệu quả khi phân tích và đánh giá đúng năng lực của giảng viên và sinh viên, sự đáp ứng giữa hai chủ thể này. Đối với giảng viên, năng lực cần phải có bao gồm: năng lực về kiến thức, năng lực tổ chức triển khai bài giảng, năng lực quản trị con người trong quá trình dạy và học, tức là khả năng nắm bắt và phát huy được sở trường, thế mạnh của sinh viên cũng như biết được những hạn chế, điểm yếu để điều chỉnh nội dung giáo dục cho phù hợp. Đối với sinh viên – người học, năng lực cần phải nắm rõ, đó là: năng lực nhận thức, năng lực hành vi hoặc những vấn đề đặc thù khác như giới, nhóm dễ bị tổn thương…

(Còn tiếp...)

ThS. Đặng Thị Loan

Viện Quyền con người – Học viện CTQG Hồ Chí Minh


[1] Chương trình Thế giới được cấu trúc theo các giai đoạn: Giai đoạn đầu (2005-2009) giáo dục nhân quyền trong hệ thống trường tiểu học và trung học cơ sở. Giai đoạn hai (2010-2014) giáo dục nhân quyền cho giáo dục đại học và các chương trình đào tạo nhân quyền cho giáo viên, nhà giáo, công chức, viên chức thực thi pháp luật và quân nhân. Giai đoạn thứ ba (2015-2019) tăng cường thực hiện hai giai đoạn đầu và thúc đẩy đào tạo nhân quyền cho các chuyên gia truyền thông và nhà báo. Giai đoạn thứ tư (2020-2024) tập trung giáo dục QCN cho thanh niên.

[2] Ủy ban về quyền trẻ em, bình luận chung số 1 (2001) về mục tiêu của giáo dục, đoạn 8.

[3] See Tibbitts, Felisa L. (2017), "3. Evolution of Human Rights Education Models", Human Rights Education, edited by Monisha Bajaj, Philadelphia: University of Pennsylvania Press, pp. 77.

[4] Xem: http://www.un.org.vn.

[5] Xem: Nguyễn Duy Sơn, Trần Thị Hòe (2013), Tiếp cận dựa trên QCN trong hoạch định và thực thi chính sách ở Việt Nam, tại: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/595-tiep-can-dua-tren-quyen-con-nguoi-trong-hoach-dinh-va-thuc-thi-chinh-sach-o-viet-nam.html, [truy cập: 14/11/2015].