Bài viết phân tích những đặc điểm cơ bản của Luật biểu tình của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gắn liền với các đặc điểm đặc thù vể chế độ chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, tác giả có những tương quan so sánh với quyền biểu tình ở một số quốc gia phương Tây, tiêu biểu là Hoa Kỳ. Từ đó, đưa ra những kết luận về những đặc điểm cơ bản về luật biểu tình của quốc gia này, cũng như, đánh giá được tính thích của những quy định này với hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người.

1. Khái quát chung về luật biểu tình ở Cộng hòa nhân dân Trung hoa

Theo Luật quốc tế về quyền con người, quyền biểu tình là một hình thức tự do hội họp, cụ thể, tại Điều 21 Công ước dân sự, chính trị 1966 có quy định: "Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác”.[1] Điều này có nghĩa là trong hệ thống Pháp luật quốc tế không quy định quyền biểu tình một cách cụ thể, rõ ràng, hiểu về quyền biểu tình thông qua việc hiểu “gián tiếp” về hội họp. Hơn nữa, trên cơ sở quy chiếu vào điều kiện lịch sử cụ thể, việc quy định quyền biểu tình ở các quốc gia là khác nhau, trong đó, một số quốc gia ghi nhận rõ ràng thuật ngữ biểu tình cũng như phân biệt rõ ràng giữa hội họp và biểu tình như Luật về Hội họp và biểu tình tuần hành (CH LB Đức), Luật về hội họp, diễu hành và biểu tình (Trung Quốc)… Một số quốc gia ghi nhận quyền biểu tình nằm trong nội dung quyền hội họp hòa bình như quyền hội họp hòa bình trong Án lệ (Hoa Kỳ), Quyền hội họp hòa bình (Thái Lan)[2]

Cụ thể, thuật ngữ “biểu tình” được quy định rất rõ trong Hiến pháp Trung Quốc hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 1988, 1999, 2004) tại Chương II về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”: “Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, lập hội, tham gia các tổ chức đoàn thể, đi lại, biểu tình[3]. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, quyền biểu tình không phải là quyền tuyệt đối, nó có thể bị hạn chế. Điều này xuất phát từ chế độ chính trị, về quyền lực chính trị, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, mối quan hệ giữa Nhà nước với các thế lực bên trong và bên ngoài. Cụ thể, Điều 51 Hiến pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa quy định về hạn chế quyền tự do và quyền lợi của công dân như sau: “Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi thực hiện quyền tự do và quyền lợi của mình không được xâm hại đến tự do và quyền lợi hợp pháp của nhà nước, xã hội, tập thể và công dân khác”; Điều 53 quy định về nghĩa vụ tôn trọng pháp luật như sau: “Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phải tôn trọng Hiến pháp và pháp luật…tuân thủ trật tự công cộng, tôn trọng đạo đức xã hội”. Trên cơ sở những quy định chung của đạo luật có hiệu lực cao nhất, luật về quyền biểu tình được ban hành và có hiệu lực ngày 31/10/1989 với tên gọi đầy đủ là “Luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về hội họp, diễu hành và biểu tình” (Law of the People’s Republic of China on Assemblies, Procession and Demonstrations)[4] đã có những quy định thể hiện rất rõ quyền biểu tình không phải là quyền tuyệt đối. Điều này có nghĩa là quyền biểu tình sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định.

Với 5 chương và 36 điều, chia thành bốn nội dung chính: (i) Các quy định chung (quy định phạm vi áp dụng trong lãnh thổ quốc gia, giải thích các thuật ngữ, nguyên tắc tiến hành hoạt động biểu tình, thời gian diễn ra hoạt động biểu tình, điều kiện hợp pháp của cuộc biểu tình); (ii) Quyền và nghĩa vụ của người tham gia (trách nhiệm của một hoặc một số người chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình, quy trình nộp đơn xin phép đến cơ quan có thẩm quyền); (iii) Quyền và nghĩa vụ của chính quyền (về việc cấp phép hoạt động biểu tình, nhiệm vụ của cảnh sát trong việc giữ gìn giao thông và trật tự công và đảm bảo sự diễn ra thuận lợi của hoạt động biểu tình, những tình huống cụ thể cảnh sát được phép dừng cuộc biểu tình); (iv) Trách nhiệm pháp lý (các hình phạt bao gồm xử phạt hành chính, hình sự hoặc dân sự xử lý đối với người chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình và người chịu trách nhiệm trực tiếp cho vi phạm, những người gây nhiễu loạn, phá hoại hoặc làm suy yếu bằng các cách khác một cuộc biểu tình hợp pháp theo luật).

Nói tóm lại, quyền biểu tình là một trong những quyền chính trị quan trọng của công dân Trung Quốc, trong đó, việc ghi nhận quyền này trong Hiến pháp hiện hành – đạo luật cao nhất, đồng thời, cụ thể hóa trong đạo luật về Hội họp, diễu hành và biểu tình 1989 tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để công dân thực hiện quyền này trên thực tế. Việc hạn chế quyền này với lí do về chính trị, vì thế, quyền biểu tình không phải là quyền tuyệt đối. Cách hiểu này về cơ bản tương thích với cách hiểu ở Việt Nam hiện nay về quyền biểu tình.

2. Đặc trưng của quyền biểu tình theo luật của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

 Trong luật biểu tình của Trung Quốc, hệ thống pháp luật có sự phân biệt rõ giữa các thuật ngữ hội họp, diễu hành và biểu tình[5], trong đó, hội họp là hoạt động mà mọi người tụ họp lại với nhau tại một địa điểm công cộng ngoài trời nhằm biểu đạt quan điểm hoặc nguyện vọng; diễu hành được hiểu là hoạt động mọi người xếp thành hàng tuần hành dọc theo một con đường công cộng; biểu tình được hiểu là hoạt động mà mọi người bày tỏ nguyện vọng chung của mình bao gồm yêu cầu, phản đối, hỗ trợ hoặc ủng hộ tinh thần theo cách của một cuộc hội họp, diễu hành, biểu tình ngồi…tại một địa điểm công cộng ngoài trời hoặc dọc theo một con đường công cộng. Luật này không áp dụng cho các hoạt động có tính chất giải trí hoặc thể thao, các hoạt động tôn giáo thông thường hoặc các sự kiện dân gian truyền thống (Điều 2). Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật, một số đặc trưng về luật biểu tình của Trung Quốc đã được rút ra.

Thứ nhất, luật Trung Quốc quy định rất chặt chẽ, chi tiết, nghiêm ngặt về quy định biểu tình, quy trách nhiệm rất lớn cho người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động biểu tình. Hệ quả là so với các quốc gia ở Phương Tây, biểu tình diễn ra ở CHND Trung Hoa còn dừng lại ở số lượng hạn chế, chủ yếu là biểu tình để thể hiện tinh thần dân tộc.

* Thủ tục xin phép

Luật biểu tình quy định, phải có một người hoặc một số người chịu trách nhiệm cho việc tổ chức một cuộc biểu tình. Người chịu trách nhiệm này phải nộp đơn xin phép bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền 5 ngày trước ngày dự kiến diễn ra hoạt động biểu tình. Trong đơn phải nêu rõ các mục đích của hoạt động biểu tình, cách thức sẽ được thực hiện, các áp phích và khẩu hiệu được sử dụng, số lượng người tham gia, số lượng phương tiện giao thông, các chi tiết kĩ thuật và số lượng của các phương tiện âm thanh được sử dụng, thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm (bao gồm cả những nơi người tham gia hội họp và phân tán), tuyến đường, và tên, nghề nghiệp và địa chỉ của những người chịu trách nhiệm cho hoạt động biểu tình[6]. Với quy định này, ta thấy rất rõ để thực hiện việc biểu tình điều kiện cần đó là phải có ít nhất một người đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình, người biểu tình phải ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ. Điều này rất dễ dàng cho Nhà nước quản lý các hoạt động biểu tình, tránh được tình trạng vô tổ chức, lộn xộn khi tiến hành biểu tình. Tuy nhiên, đánh giá mức độ hưởng quyền biểu tình trên thực tế, việc quy định này dẫn tới trên thực tế là ngại trở thành người chịu trách nhiệm cuộc biểu tình, vì hoạt động biểu tình vẫn luôn mang tính nhạy cảm, tâm lý người dân ngại tiếp xúc với cơ quan công quyền, ngại bị tiết lộ thông tin riêng tư, mặt khác, ngại bị đẩy vào những tình huống vi phạm pháp luật.

Điều kiện đủ đó là sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền dựa trên các quy định của pháp luật ra quyết định không cấp phép hoặc cấp phép cho cuộc biểu tình, trong đó, nếu không cấp phép thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo trước 2 ngày so với ngày dự kiến diễn ra hoạt động biểu tình, đồng thời, người chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình có thể nộp đơn đến chính quyền nhân dân cùng cấp để xem xét lại trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về quyết định và chính quyền nhân dân trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được đơn sẽ đưa ra quyết định về việc xem xét lại (Điều 13). Nếu đồng ý cấp phép, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản đến những người chịu trách nhiệm trước 2 ngày so với ngày dự kiến diễn ra hoạt động biểu tình. Việc không thông báo trong thời hạn sẽ được hiểu như việc cấp phép. Đối với một hoạt động biểu tình diễn ra bất ngờ nhưng thực sự cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền lập tức kiểm tra và quyết định việc cấp hoặc không cấp phép (Điều 9).

 Ngoài ra, người chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình cũng có thể rút lại đơn sau khi nộp và trước khi nhận thông báo từ cơ quan có thẩm quyền hoặc sau khi nhận thông báo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

* Điều kiện cấp phép và được coi là biểu tình hợp pháp:

(i) Tuân thủ nguyên tắc “hòa bình”: Điều này có nghĩa là khi thực hiện hoạt động biểu tình không được mang theo vũ khí, các công cụ gây thương tích hoặc chất nổ, không sử dụng bạo lực (Điều 5),

(ii) Phải xin phép và được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền (Điều 6, Điều 7)

(iii) Không trái với các qui định về hành chính công và không liên quan đến các hoạt động tội phạm hoặc xúi giục phạm tội (Điều 26)

(iv) Không được trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến pháp hoặc làm tổn hại đến sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia hoặc xúi giục sự chia rẽ giữa các dân tộc hoặc có sự tin tưởng dựa trên bằng chứng đầy đủ rằng việc tiến hành hoạt động biểu tình sẽ gây nguy hại trực tiếp đến an ninh công hoặc phá hoại nghiêm trọng trật tự công (Điều 12)

(v) Thời gian diễn ra hoạt động biểu tình là từ 6h sáng đến 10h tối, trừ những ngoại lệ cho phép (Điều 24). Hoạt động biểu tình không được diễn ra trong phạm vi bán kính từ 10-300m tại một số địa điểm, trừ khi được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm: (i) khuôn viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhà nước, Ủy ban Quân ủy trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,(ii) những nơi khách mời của nhà nước đang ở; (iii) Các căn cứ quân sự quan trọng; (iv) Cảng hàng không, ga xe lửa và bến cảng (Điều 23).

(vi) Người chịu trách nhiệm hoặc tham gia biểu tình phải là công dân tại nơi mình cư trú, người nước ngoài trên lãnh thổ Trung hoa không được phép biểu tình, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Trường hợp ngoại lệ, công chức, viên chức Nhà nước không được tham gia biểu tình. Trong trường hợp biểu tình dưới danh nghĩa của cơ quan nhà nước, tổ chức công, doanh nghiệp hoặc thiết chế phải được sự đồng ý từ lãnh đạo của các tổ chức đó (Điều 7)

Như vậy, việc quy định rất chặt chẽ, chi tiết, rõ ràng thủ tục cấp phép, điều kiện cấp phép, chủ thể tham gia biểu tình tạo ra tính nguyên tắc cũng như thái độ nghiêm túc khi thực hiện quyền biểu tình của công dân, đồng thời, cũng tránh được tình trạng thế lực bên ngoài lợi dụng biểu tình để can thiệp vào quyền lực trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, với việc quy định điều kiện cần, một cách khách quan tạo ra tâm lý ngại bị tiết lộ thông tin cá nhân, ngại trở thành người tổ chức biểu tình, bởi vì quyền biểu tình mang tính chính trị, nhạy cảm, nếu xảy ra vi phạm trách nhiệm rất lớn thuộc về người tổ chức biểu tình. Hiện nay trên thực tế ở Trung Quốc có hai loại biểu tình: biểu tình phản đối những chính sách liên quan đến hoạt động của Đảng cộng sản Trung Quốc và biểu tình thể hiện tinh thần ái quốc. Biểu tình thể hiện tinh thần ái quốc được Đảng cộng sản Trung Quốc khuyến khích, hệ quả là, có rất nhiều cuộc biểu tình diễn ra tính đến hiện tại như: biểu tình tẩy chay hàng hóa Mỹ và Philippines sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, là một minh chứng cho xu hướng này (2016), biểu tình phản đối việc xây dựng đường sắt mới vì con đường này có thể sẽ không đi qua  nơi sinh của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (biểu tình nhằm bảo vệ sự tôn kính với các vị lãnh tụ) (2015)… Biểu tình phản đối đã xảy ra những cuộc thảm sát đẫm máu trong lịch sử như thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), hàng ngàn sinh viên đã bị giết chết một cách man rợ tại quảng trường Thiên An Môn bởi quân đội của ĐCSTQ bằng súng và bánh xe tăng do tham gia cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chống tệ nạn tham nhũng. Ngày nay, tự do và dân chủ cũng như quyền con người ở các nước, trong đó có Trung Quốc được nâng lên, vì thế, khi có biểu tình phản đối, cách thức xử lý của Chính quyền Trung Quốc cũng đã thúc đẩy sự tôn trọng đối với quyền biểu tình của công dân hơn, đó là, hàng nghìn người biểu tình xuống đường ở Hong Kong-Trung Quốc để đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu (2015), biểu tình phản đối dự án Trung - Pháp về việc xây dựng một nhà máy xử lý chất thải hạt nhân (2016)…[7]

Thứ hai, luật Trung Quốc nghiêng về quản lý việc biểu tình, đảm bảo quyền tự do cho con người thông qua hoạt động quản lý biểu tình

Điểm khác biệt lớn nhất về luật biểu tình giữa các nước Phương Tây và các nước phương Đông, trong đó có Trung Quốc, ở chỗ, các quốc gia ở phương Đông có xu hướng quy định cho công dân quyền được biểu tình với xu hướng nhằm quản lý các hoạt động về biểu tình, trong khi, các nhà nước phương Tây có xu hướng quy định nhằm bảo vệ quyền và tự do cơ bản của công dân, là phương tiện để nhân dân trực tiếp thể hiện thái độ của mình. Điều này thể hiện rất rõ ở hoạt động các cơ quan có thẩm quyền có quyền cấp phép hoặc không cấp phép, công dân muốn thực hiện hoạt động biểu tình thì phải xin phép, trình báo bằng văn bản, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải cử ra một hoặc một số người chịu trách nhiệm tổ chức biểu tình nhằm thông qua đó kiểm soát, giám sát hoạt động này. Đồng thời, Trung Quốc còn sử dụng hệ thống cảnh sát để thực hiện hoạt động cưỡng chế đối với một số đối tượng, ví dụ, nếu công dân thực hiện việc biểu tình không phải ở nơi cư trú, cảnh sát có quyền bắt giữ hoặc trả người đó về nơi cư trú bằng vũ lực, cảnh sát được điều động để gìn giữ giao thông và trật tự công và đảm bảo sự diễn ra thuận lợi của hoạt động biểu tình, cảnh sát có quyền dừng các cuộc biểu tình đang diễn ra trong một số trường hợp luật định. Mặt khác, một hệ thống trách nhiệm pháp lý bao gồm hành chính, dân sự, hình sự được đặt ra nếu có hành vi vi phạm, tạo ra tính răn đe đối với hành vi biểu tình, đặc biệt là biểu tình theo nghĩa lợi dụng “biểu tình”[8]. Ở Phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, cũng quy định những nội dung tương tự như pháp luật Trung Quốc như “theo án lệ của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, một số dạng biểu đạt trong các cuộc hội họp không được Hiến pháp bảo vệ, đó là khi những người tham gia hội họp truyền tải ngôn ngữ gây hấn, đe dọa dùng bạo lực hoặc kích động bạo loạn”[9]. Tuy nhiên, điểm khác nhau ở chỗ văn hóa nhân quyền, thể chế chính trị ở hai nước này là khác nhau. Cụ thể, ở Hoa Kỳ, với việc tồn tại đa đảng, quyền tự do hội họp hòa bình của công dân để thảo luận các vấn đề mang tính chất công và yêu cầu chính quyền sửa chữa những điều gây bất bình là thuộc tính vốn có của chính thể cộng hòa. Quyền hội họp hòa bình ở Hoa Kì gắn liền với tự do ngôn luận và tự do biểu đạt[10], trong khi, Trung Quốc một Đảng giữ vai trò cầm quyền, luôn phải bảo vệ vị trí tối cao của Đảng này trong hệ thống nhà nước, vì thế việc thực hiện quyền biểu tình, tức những yêu cầu, phản đối của công dân đối với việc thực thi của Nhà nước, có phần hạn chế hơn, nhằm bảo vệ Đảng cầm quyền. Điều này dẫn tới, tâm lý công dân Trung Quốc “ngại” phản kháng, phán đối những vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến Đảng cầm quyền. Mặt khác, hoạt động cấp phép của Trung Quốc nhằm mục đích kiểm soát xem có hành vi nào vi phạm pháp luật hay không để xử lý, trong khi Hoa Kì cấp phép nhằm mục đích tránh trùng lịch hội hợp, giúp phân luồng giao thông tốt hơn và đảm bảo rằng chính quyền có thể huy động đủ nguồn lực để duy trì trật tự.

Thứ ba, trách nhiệm pháp lý để khoảng rộng để cơ quan pháp lý thực hiện quyền răn đe đối với hành vi biểu tình đi trái với nguyên tắc tính Đảng của Nhà nước

Hoạt động biểu tình diễn ra bất ngờ nhưng thực sự cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ngay lập tức kiểm tra và quyết định việc cấp hoặc không cấp phép cho hoạt động này (Điều 9). Điều này còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền, đó có phải là cuộc biểu tình cần thiết hay không, việc được thực hiện quyền biểu tình hay không phụ thuộc vào quyết định của cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, trường hợp cuộc biểu tình dẫn đến việc chiếm đóng những nơi công cộng, hành động ngăn chặn các phương tiện giao thông hoặc người đi bộ hoặc tụ tập đám đông để cản trở giao thông dẫn đến trật tự tại nơi công cộng và trật tự giao thông bị phá hoại nghiêm trọng, người chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình và người chịu trách nhiệm trực tiếp cho vi phạm sẽ bị điều tra trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Luật hình sự (tù có thời hạn không quá 5 năm, tạm giam hình sự, chịu sự giám sát công cộng hoặc tước quyền chính trị). Như vậy, vi phạm nghiêm trọng ở đây là gì, như thế nào được coi là vi phạm nghiêm trọng, điều này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan xét xử.

Quy định này xét theo góc độ quản lý Nhà nước được cho là hợp lý. Bởi vì, mỗi một chế độ kinh tế - văn hóa – xã hội có những đặc thù văn hóa khác nhau. Chính vì thế, không thể so sánh hay kết luận rằng quy định hoạt động biểu tình của Hoa Kỳ là tiến bộ hơn so với Trung Quốc và ngược lại, bởi vì việc quy định các quyền biểu tình phải tuân thủ những đặc thù về đặc điểm chính trị, góc độ về văn hóa.

3. Kết luận

Luật biểu tình trước hết bảo đảm quyền biểu tình, đồng thời, việc biểu tình ấy không làm rối loạn an ninh và trật tự xã hội. Chính vì thế, còn tồn tại ranh giới mỏng manh giữa hành vi biểu tình hợp pháp và hành vi bạo loạn, phản động, do đó, mỗi quốc gia cần có những phân định rõ ràng về các tính hợp pháp và tính bất hợp pháp về hành vi này. Có thể nói, tùy thuộc vào chế độ chính trị của từng quốc gia mà xây dựng luật biểu tình hướng tới  quản lý hoạt động biểu tình hay bảo đảm quyền biểu tình cho công dân. Xu hướng này là do điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quy định. Tuy nhiên, trong xu thế chính trị phức tạp, vốn dĩ vấn đề biểu tình là vấn đề chính trị rất phức tạp nên các quốc gia đều phải thận trọng từng các quy định của pháp luật, đồng thời, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật không thể ngay lập tức, mà phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí của từng quốc gia, đồng thời, đảm bảo dân chủ thực chất trong vấn đề biểu tình các quốc gia cần phải tuân theo những lộ trình nhất định. Trên đây là những nét đặc trưng căn bản của luật biểu tình Trung Quốc, đó là những kinh nghiệm cho việc xây dựng Luật biểu tình ở Việt Nam.

Ths Nguyễn Phương Nhung

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


Tài liệu trích dẫn

[1]Điều 21,  Công ước Dân sự, chính trị 1966

[2]( Kỷ yếu hội thảo khoa học “Pháp luật về biểu tình của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, 2015 : 32)

[3] Điều 35, Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa.

[4](Nguyễn Minh Tâm, Luật Biểu tình Trung Hoa, 2016: tr55).

[6] Điều 5, Điều 6, Điều 7 Luật Biểu tình của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

[7] Trọng Giáp, Biểu tình ở Hồng Kong, https://vnexpress.net/topic/bieu-tinh-o-hong-kong-18225

An Bình, Dân Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối dự án hạt nhân, https://dantri.com.vn/the-gioi/dan-trung-quoc-xuong-duong-bieu-tinh-phan-doi-du-an-hat-nhan-20160808162623158.htm

[8] Điều 18, Điều 20, Điều 21 Luật Biểu tình của Công hòa dân chủ Nhân dân Trung Hoa 1989.

[9] Orsolya, The Right to Peaceful Asssembly: A competitive study, 2015

[10] DeJonge V.Oregon, Right to Peaceful: United States, 2014