1. Sự cần thiết kết hợp lý luận với thực hành về quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp

Cộng đồng quốc tế ngày càng bày tỏ sự đồng thuận về đóng góp quan trọng của giáo dục quyền con người (human rights education - HRE) đối với việc thực hiện quyền con người cũng như ngăn chặn lâu dài các vi phạm quyền con người và xung đột bạo lực. Trong hệ thống trường học, HRE là một thành phần quan trọng của quyền được giáo dục, vì nó cho phép hệ thống giáo dục thực hiện các mục tiêu cơ bản của nó là thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của nhân cách con người và đánh giá cao phẩm giá con người, tăng cường tôn trọng các quyền con người và cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, giáo dục quyền con người đóng góp thiết yếu vào việc bảo vệ quyền con người và hỗ trợ các cộng đồng và xã hội nơi các quyền con người của tất cả mọi người đều được coi trọng.

Với việc thông qua Tuyên bố về Giáo dục và đào tạo quyền con người vào ngày 19 tháng 12 năm 2011, Liên hợp quốc đã bày tỏ sự đồng thuận về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người như một quá trình xây dựng kiến ​​thức, kỹ năng và thái độ, thúc đẩy hành vi đề cao quyền con người. Có thể khẳng định rằng, “giáo dục và đào tạo về quyền con người cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền con nguời và tự do căn bản cho tất cả mọi người …”[1]. Như vậy, giáo dục quyền con người đòi hỏi phải bao hàm cả giáo dục lý luận/lý thuyết và cả việc thực hành/thực hiện quyền con người. Đặc biệt, giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp có đối tượng là những người chuẩn bị tự xác lập các quan hệ pháp luật đa chiều, đa dạng và thực hành nghề nghiệp trong đời sống thực tế - tức là đào tạo cho nhóm đối tượng có khả năng ứng dụng cao hoặc có nguy cơ bị xâm hại cao trong tương lai rất gần thì không thể thiếu sự kết hợp giữa lý luận và thực thực hành quyền con người.

Mặt khác, thông qua hoạt động thực hành, các lý luận về quyền con người sẽ được kiểm chứng tính đúng đắn, tính nhân văn hoặc sự chưa thực sự phù hợp để đưa ra các kiến nghị pháp luật, thể chế liên quan; đồng thời sẽ kiểm tra được tính chính xác trong nhận thức về lý luận của người học để kịp thời khắc phục, điều chỉnh.

Đào tạo nghề Điện tử dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

2. Nội dung kết hợp lý luận với thực hành về quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp

Thứ nhất, nội dung giáo dục về quyền con người cho học viên, sinh viên phải gắn với nghề nghiệp mà họ được đào tạo

Phương pháp kết hợp giáo dục lý luận về quyền con người với thực hành quyền con người là phương pháp vừa trang bị lý thuyết về quyền con người vừa thực hành trong các tình huống thực tiễn. Do đó, để có giá trị bền vững và tăng hiệu suất người học ứng dụng trong tương lai thì các nội dung giáo dục, các case-study cần gắn với thực hành nghề nghiệp của học viên, sinh viên trong tương lai. Chẳng hạn, đối với sinh viên ngành kinh tế như Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán... thì các quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh cần được ưu tiên trong nội dung giáo dục của cơ sở đào tạo; đối với sinh viên ngành Y hay sinh viên ngành Công tác xã hội, ngành Luật... thì các quyền liên quan đến quyền sống, quyền của trẻ em, quyền của người khuyết tật, quyền được hưởng các phúc lợi xã hội…cần được ưu tiên trong nội dung giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp.

Thứ hai, hàm lượng tri thức trong vấn đề lý luận cần hướng đến nhu cầu người học và tập trung vào giá trị của các quyền con người gắn với đời sống

Việc lựa chọn nội dung quyền con người để truyền đạt cho sinh viên cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong đó phải đảm bảo đúng tinh thần của pháp luật, hàm lượng tri thức phải phù hợp với trình độ của người học. Chẳng hạn, đối với học viên chuyên nghiệp nhưng ở trình độ Trung cấp phải được cân đối nhẹ hơn đối với sinh viên ở trình độ Cao đẳng, Đại học để đảm bảo người học có thể tiếp nhận một cách chủ động, hiểu được bản chất, giá trị của từng vấn đề.

Tuy nhiên, vì tri thức lý luận là hệ tham chiếu cho học viên ứng dụng vào thực hành có gắn với nghề nghiệp trong tương lai qua các buổi thảo luận, tranh biện, xử lý tình huống giả định hoặc thực tế… nên các nội dung lý luận phải có tính liên quan với việc ứng dụng thực hành tiếp đó.

Thứ ba, nội dung lý luận và các hoạt động thực tiễn phải tương đồng về mức độ và phải có tính liên quan

Theo một kết quả nghiên cứu về các phương pháp giáo dục cho thấy sự hạn chế của các phương pháp dùng lời nói là khả năng ghi nhớ thấp hơn rất nhiều so với việc kết hợp với các phương pháp kết hợp với thực hành khác[2]. Do đó, việc kết hợp giữa lý luận và cho học viên được đánh giá, tự giải quyết vấn đề trong thực tiễn sẽ tăng khả năng ghi nhớ lâu hơn rất nhiều. Đặc biệt, quyền con người là một phạm trù gắn trực tiếp đến tất cả mọi hoạt động, mọi mối quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật và gắn với mọi cá thể trong xã hội vì vậy việc lấy thực tiễn để kiểm chứng sẽ khiến học viên hứng thú với bài giảng hơn, tư duy có tính hệ thống và phản biện cao, qua đó ghi nhớ sâu sắc hơn nội dung của các quyền con người và nâng cao khả năng giải quyết tình huống trong thực tế. Tuy nhiên, do đây là cấp giáo dục nghề nghiệp vì thế các nội dung lý luận vừa phải mang tính phổ quát vừa phải đi sâu vào các quyền gắn với ngành nghề đào tạo cụ thể đồng thời các tình huống thực tế cũng phải phản ánh nội dung lý luận, tránh trường hợp lý luận và tình huống cho học viên thực hành không tương đồng sẽ dẫn đến mục tiêu bài giảng không đạt được. Nếu lý luận quá cao siêu không gắn liền với thực tiễn sẽ trở thành lý thuyết suông khiến người học hoài nghi về nhận thức, từ đó không có chính kiến trong xử lý tình huống trong cuộc sống; ngược lại, nếu đưa ra tình huống thực tiễn quá phức tạp để đối chiếu với lý luận thì sẽ dẫn đến việc giải quyết tình huống không thấu đáo bởi thiếu đi nguồn tri thức cần thiết. Vì vậy, giữa nội dung lý luận và các hoạt động thực tiễn phải tương đồng về mức độ và phải có tính liên quan với nhau.

3. Các yêu cầu để đảm bảo kết hợp lý luận và thực hành về quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp

Tại khoản 3 Điều 3 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên hợp quốc đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo về quyền con người cần sử dụng các ngôn ngữ và phương pháp phù hợp với các nhóm đối tượng, có tính đến những nhu cầu và điều kiện cụ thể của họ”. Do đó, dù là sử dụng phương pháp nào để giáo dục quyền con người cũng cần xác định đối tượng hướng đến và mục tiêu đào tạo và điều kiện của nhà trường. Trên cơ sở đó, phương pháp kết hợp giáo dục lý luận về quyền con người với thực hành quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp đặt ra các yêu cầu sau:

Thứ nhất, thời lượng giảng dạy lý luận và thực tiễn phải đảm bảo tương xứng

Yêu cầu này cần được người dạy tuân thủ tuyệt đối vì giữa lý luận và hoạt động thực hành đều có vai trò ngang nhau. Trong đó, lý luận là đầu vào của nguồn tri thức, tạo nên tư duy logic, tư duy trí tuệ còn thực hành là đầu ra của tri thức, là sự kiểm chứng của tri thức, nhưng cao hơn cả là tạo nên một thái độ tiếp nhận hoặc bài trừ tri thức do lý luận cung cấp.

Tuy nhiên, việc lựa chọn tỉ lệ giữa lý luận và thực hành có thể sẽ thay đổi theo từng nội dung của từng bài giảng dựa trên mục tiêu của bài giảng và tính thực tiễn của nó. Chẳng hạn, có những quyền thường xuyên được sử dụng hoặc thường xuyên bị lạm dụng, xâm hại (như quyền sống, quyền an toàn tình dục, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền tư pháp…) thì có thể cân nhắc việc tăng thời lượng giải quyết tình huống thực tế và ngược lại. Như vậy, cần có sự linh hoạt trong phân bổ thời lượng giảng dạy giữa lý luận và thực tiễn theo từng nội dung nhưng phải đảm bảo tổng thời lượng phân bổ về hai khía cạnh này trong toàn chương trình đào tạo.

Thứ hai, yêu cầu cách thức sử dụng phải linh hoạt và phù hợp với trình độ và điều kiện của cơ sở đào tạo

Có rất nhiều cách thức kết hợp giữa lý luận và thực hành quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp như hoạt động nhóm, diễn vai, đóng kịch… Tuy nhiên, nếu sử dụng cách thức không phù hợp sẽ dẫn đến học viên không thể thực hiện được các hoạt động thực hành hoặc không thể chủ động tiếp nhận tri thức. Chằng hạn, đối với những nhóm học viên ở khu vực tiếp cận thông tin chưa cao thì việc đòi hỏi ngay lập tức họ phải tham gia các hoạt động nhóm sẽ khiến họ tự ti và lúng túng, thay vào đó nên sử dụng cách thức giúp họ nâng cao khả năng tự tin như đưa họ vào các hoạt động quen thuộc gắn với phong tục tập quán, văn hóa của họ như múa sạp, hát then… và giải quyết các tình huống gắn với nơi mà họ quen thuộc.

Mặt khác, quá trình giảng dạy người dạy có thể linh hoạt theo từng nội dung bài để tiếp cận vấn đề từ lý luận đến thực tiễn hoặc từ thực tiễn rồi khái quát thành lý luận sao cho học viên không quá nhàm chán và có thể tiếp nhận vấn đề quyền con người sâu sắc nhất. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện đội ngũ người dạy để tích hợp các biện pháp giảng dạy lý luận xen lẫn hình ảnh, video, đóng kịch, thuyết trình…nhằm tạo ra một không khí quyền con người trong môi trường đào tạo.

Thứ ba, giảng viên phải đáp ứng trình độ lý luận và thực tiễn

Việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục quyền con người tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một phương pháp hiện đại, hiệu quả nhưng không dễ dàng. Người học đã đạt đến một trình độ nhận thức nhất định, họ có khả năng tiếp nhận và phản biện thông tin do giảng viên truyền đạt, đồng thời họ cũng có khả năng đánh giá và phản biện các vấn đề xã hội dù dưới góc độ quyền con người hay góc độ khác. Do đó, buộc giảng viên phải đáp ứng được cả về trình độ lý luận về quyền con người như việc nắm chắc, hiểu sâu, rộng các vấn đề quyền con người và đáp ứng được khả năng giải quyết các tình huống thực tế để học viên có thể tham vấn và giải quyết các phản biện của học viên.

Bên cạnh đó, giảng viên cần có khả năng thúc đẩy sự phát triển tư duy, sáng tạo của học viên trong quá trình đào tạo sử dụng phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực hành để học viên tham gia hiệu quả trong việc thảo luận, đánh giá các vấn đề xã hội liên quan đến quyền con người nói chung và quyền con người gắn với nghề nghiệp của họ trong tương lai nói riêng; đồng thời thúc đẩy khả năng tiềm ẩn, sức sáng tạo cả về cách thức thể hiện đến nội dung truyền tải khi học viên tham gia các hoạt động, từ diễn kịch, diễn thuyết, phản biện, tranh luận đến việc thực hiện các dự án thiện nguyện về quyền con người.  

Thứ tư, người học phải xác định được vị trí của mình trong và sau khi tham gia đào tạo

Người học khi tham gia các chương trình đào tạo quyền con người theo phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực hành sẽ đồng thời đặt mình trong vị trí của nhiều chủ thể khác nhau: khi tiếp thu tri thức lý luận về quyền con người, họ là người học cái mà họ cần thực hiện đó là tiếp nhận các thuật ngữ, các khái niệm, các nội dung và giá trị của các quyền con người cụ thể; tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận mà không có sự trải nghiệm qua các tình huống thực tế hoặc qua việc thảo luận sâu về một vấn đề thì sự đọng lại hệ thống tri thức đó sẽ không bền vững. Do đó, khi học viên được chuyển sang hình thức học thực hành thì buộc họ phải có sự vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề cụ thể, họ phải đặt mình vào vị trí của các chủ thể khác nhau hoặc thậm chí trải nghiệm qua các nhân vật thông qua các vở kịch. Từ đó, ở người học dần hình thành một phương pháp luận và tư duy về quyền con người. Điều này rất quan trọng bởi khi tư duy quyền con người được hình thành và phát triển thì việc hành động vì quyền con người sẽ là một kết quả tất yếu.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần xây dựng không gian tràn ngập quyền con người thông qua việc treo các slogan, áp phích về quyền con người tại các địa điểm tụ tập đông người, dễ nhìn đặc biệt trong các ngày kỉ niệm liên quan đến quyền con người.

4. Một số giải pháp kết hợp lý luận và thực hành về quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp

Để kết hợp giáo dục lý luận với thực hành quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp cần đảm bảo các yêu cầu trên và tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, đối với nhà hoạch định chính sách

Các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần xây dựng chính sách giáo dục, chiến lược thực hiện quốc gia về HRE trong hệ thống trường học từ cấp mầm non đến giáo dục nghề nghiệp để tạo ra một thế hệ có tri thức về quyền con người và hoạt động quyền con người trong tương lai trở thành thói quen, thước đo nhân cách.

Đồng thời, cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục để thay đổi tư duy về giá trị quyền con người, bảo vệ quyền con người trong người học, người dạy và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, đối với các cơ sở đào tạo giáo dục quyền con người

Các cơ sở đào tạo cần tăng cường tài nguyên tư liệu về lý luận quyền con người và tổng hợp các trường hợp bảo vệ quyền con người để làm tư liệu nghiên cứu đào tạo. Trong đó, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo về quyền con người cần được chú trọng đầu tư cả về chất lượng và hình thức, phát hành rộng rãi và thường xuyên chỉnh sửa, cập nhật để người học và người dạy được tiếp cận nguồn tài liệu phong phú.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dạy quyền con người theo chủ điểm phù hợp với các lĩnh vực nghề nghiệp để nâng cao tri thức, củng cố lý luận về quyền con người cho người dạy, đồng thời tăng khả năng tiếp cận và giải quyết tình huống quyền con người gắn với nghề nghiệp trong thực tế. Thường xuyên rà soát, có kế hoạch phát triển đối tượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cả về lý luận và thực tiễn về quyền con người trong mọi lĩnh vực ngành nghề.

Mặt khác, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu sử dụng phương pháp kết hợp giáo dục lý luận về quyền con người với thực hành quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp như đầu tư các phòng thực hành để học viên có thể luyện tập tranh biện, diễn thuyết…, đầu tư các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho sử dụng phương pháp.

Các đơn vị đào tạo thường xuyên tổ chức các hoạt động thực tế như đến các cơ sở mà ở đó vấn đề quyền con người được đề cao như các nhà tạm lánh dành cho trẻ em bị bạo hành, các tổ chức chuyên bảo vệ quyền con người, qua đó có được các case-study có tính chân thực, sinh động và đặc biệt là tăng khả năng xử lý tình huống. Đồng thời, tạo môi trường đào tạo quyền con người trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như tổ chức mít tinh kỷ niệm, các hoạt động thiết thực, nhân đạo nhân các ngày quyền con người hàng năm; tổ chức các cuộc thi dưới mọi hình thức hùng biện, tranh biện, hội diễn… về các tình huống quyền con người nổi bật trong từng thời điểm của xã hội.

Thứ ba, đối với đội ngũ người giảng dạy

Người giảng dạy là người truyền đạt tri thức và định hướng nghiên cứu, hướng dẫn thực hành quyền con người cho người học, vì vậy, đây là lực lượng quan trọng quyết định tính hiệu quả của kết hợp giáo dục lý luận và thực hành quyền con người ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, người giảng dạy cần nỗ lực trau dồi, nâng cao kiến thức lý luận và kỹ năng giải quyết các tình huống thực tế thông qua tự nghiên cứu, hoặc các chương trình đào tạo về quyền con người chuyên sâu, các hoạt động nghề nghiệp tại cơ sở… để từ đó nâng cao nhận thức lý luận và kỹ năng xử lý tình huống thực tế liên quan đến các nội dung giảng dạy về quyền con người gắn liền với nghề nghiệp của người học sau khi tốt nghiệp.

Tóm lại, kết hợp giáo dục lý luận về quyền con người với thực hành quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp là một phương pháp hiện đại, có tính hiệu quả cao, có nhiều cách thức thực hiện, tuy nhiên, cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu, điều kiện cả về chính sách, vật chất và nguồn nhân lực. Thực hiện tốt sự kết hợp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới./.

PGS,TS Lê Văn Trung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Vũ Thị Phượng

Trường Đại học Công đoàn

[1] Điều 1, Tuyên bố của Liên hợp quốc về Giáo dục và Đào tạo Nhân quyền năm 2011