Hiến pháp hiện hành khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Có thể nói, bảo vệ và bảo đảm quyền con người luôn là nội dung trọng tâm trong các chính sách của Đảng và Nhà nước, mà trong đó giáo dục quyền con người là quốc sách hàng đầu. Bài viết trình bày khái niệm, mục tiêu và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người nói chung; sơ lược về giáo dục quyền con người tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo bậc cao học tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm.

3. Một số ưu điểm và hạn chế trong giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo bậc cao học tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Ưu điểm

Với trải nghiệm khi là học viên cao học chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, cùng với kinh nghiệm giảng dạy khi là giảng viên của Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, tác giả nhận thấy rằng giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo bậc cao học tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ưu điểm cần tiếp tục được phát huy.

Thứ nhất, tầm quan trọng và sự cần thiết của giáo dục quyền con người luôn được Đảng bộ, Hội đồng Khoa học và đào tạo, Lãnh đạo nhà trường và Lãnh đạo các Khoa quan tâm. Môn học Quyền con người, quyền công dân đã được đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là môn học bắt buộc với thời lượng 30 tiết (2 tín chỉ).

Thứ hai, đội ngũ giảng viên phụ trách giảng dạy nội dung về quyền con người trong các môn học đều là những chuyên gia có học hàm, học vị, trình độ chuyên môn cao và hiểu biết sâu rộng về quyền con người, quyền công dân và những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, giảng viên phụ trách giảng dạy cao học cũng là những tiến sĩ dày dạn kinh nghiệm trong công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, các bài giảng đều sinh động, hấp dẫn, không những cung cấp cho học viên các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn trong lĩnh vực quyền con người, mà còn truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho học viên tinh thần say mê học tập, nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, học viên cao học đã có kiến thức pháp lý và kỹ năng nghiên cứu khoa học ở mức tương đối qua thời gian nghiên cứu, học tập bậc cử nhân, do đó mà có mà có khả năng tiếp thu tốt các lý thuyết, lý luận, các học thuyết chính trị - pháp lý về quyền con người. Bên cạnh đó, học viên cao học đã có kinh nghiệm làm việc thực tế, tiếp xúc với các vấn đề pháp lý trong xã hội, có ý thức trong việc bảo vệ các quyền của bản thân và những người xung quanh. Vì vậy, các học viên cao học hoàn toàn có thể tiếp cận nội dung quyền con người một cách toàn diện, đa chiều, chuyên sâu, có thể hiểu và vận dụng hiệu quả kiến thức mình học được trên thực tế trên nhiều bình diện tùy theo nghề nghiệp, công tác chuyên môn.

Thứ tư, nguồn tài liệu học tập rất phong phú, đa dạng: Thư viện của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có một khu vực (section) riêng cho chủ đề nhân quyền với rất nhiều tài liệu, ấn phẩm, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo,… đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu của học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học hay làm luận văn thạc sĩ.

3.2. Hạn chế

Giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo bậc cao học tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh sự hiệu quả trong một thời gian dài, đáp ứng nhu cầu nhất định của xã hội về giáo dục quyền con người. Song, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, nhu cầu giáo dục quyền con người ngày càng chuyên sâu hơn, giáo dục quyền con người ở bậc cao học cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với giai đoạn mới. Mà điều kiện tiên quyết cho sự đổi mới hiệu quả là nhận diện được những bất cập còn tồn tại hòng đưa ra giải pháp hiệu quả tương ứng.

Thứ nhất, môn học Quyền con người, quyền công dân mới chỉ dược đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ Luật Hiến pháp & Luật Hành chính. Các chương trình khác không có một môn riêng về Quyền con người, quyền công dân, mà nội dung này được lồng ghép vào các môn học chuyên ngành, chẳng hạn như môn Pháp luật quốc tế về quyền con người có nội dung quyền con người trong các công ước, hiệp định, các FTAs thế hệ mới; môn học Luật lao động có nội dung quyền con người gắn liền với quyền của người lao động (quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được nghỉ ngơi…); môn Luật tố tụng hình sự nội dung quyền con người gắn liền với quyền của người bị buộc tội (quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền im lặng….), quyền con người của bị hại (quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự…);… Có thể nhận thấy trong các môn học này, học viên chỉ được trang bị một phần nội dung về quyền con người, quyền công dân trong một ngành luật nhất định, gắn liền với nhóm quan hệ được ngành luật đó điều chỉnh. Điều này vô hình trung đã hạn chế số lượng sinh viên được tiếp cận đến kiến thức về nhân quyền một cách toàn diện và chuyên sâu.

Thứ hai, phương pháp giáo dục các nội dung về quyền con người còn nặng về thuyết giảng truyền thống. Phương pháp thuyết giảng có thể khiến học viên nhàm chán, hoặc khó hiểu nếu như không có các vụ việc (case study) cụ thể đối với những kiến thức quá hàn lâm, nặng về lý thuyết. Bên cạnh đó, học viên chưa có cơ hội được tiếp xúc với các tiến trình, các cơ chế bảo đảm quyền con người của Liên hợp quốc trên thực tế mà mới chỉ được tiếp cận thông qua các bài giảng lý thuyết, vì vậy học viên khó có thể tưởng tượng được các tiến trình thực tế và vai trò của các bên tham gia, đặc biệt là vai trò của Việt Nam trong các cơ chế bảo đảm quyền con người của UN.

Thứ ba, quyền con người là một vấn đề đa diện, đa chiều, được tiếp cận dưới những góc độ khác nhau bởi những ngành khoa học khác nhau, vì vậy mà tồn tại nhiều học thuyết, tư tưởng phức tạp. Ngay cả trong một quốc gia, tùy từng thời điểm lịch sử, tùy từng trường phái khoa học pháp lý mà quan điểm và nhận thức về quyền con người cũng không giống nhau. Hiện nay, tại Việt Nam, nhận thức về quyền con người trong đào tạo vẫn chưa có sự thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp kiến thức trong công tác dạy và học. Mặt khác, bởi các nội dung về quyền con người đều có lượng kiến thức lý luận tương đối nặng và hàn lâm, như các học thuyết, tư tưởng về quyền con người, hay các cơ chế đảm bảo quyền con người trên thế giới và trong các bản hiến pháp của các quốc gia,… rất dễ khiến học viên cảm thấy rối rắm, quá tải, hoặc dễ rơi vào chủ nghĩa “chiết trung” nếu thiếu sự hướng dẫn, định hướng từ giảng viên.

Thứ tư, giáo dục quyền con người chỉ mới dừng lại ở không gian các lớp học, chưa tạo được một không gian quyền con người trong khuôn viên Trường. Công tác tuyên truyền về quyền con người cho học viên, sinh viên cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm liên quan đến quyền con người.

4. Bài học kinh nghiệm

Từ những ưu điểm và hạn chế nói trên, tác giả đề xuất một số bài học kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, khắc phục các hạn chế nhằm đổi mới, hoàn thiện giáo dục quyền con người trong chương trình đào tạo bậc cao học của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, và các cơ sở có đào tạo luật nói chung.

Thứ nhất, về chương trình đào tạo: Môn học Quyền con người, quyền công dân nên được thiết kế trong mọi chương trình đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ. Điều này sẽ đảm bảo tính thống nhất, tính liên tục của các nội dung về quyền con người, quyền công dân trong giáo dục, từ bậc phổ thông (Chính phủ đã và đang tăng cường thực hiện Đề án đưa quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân), đến bậc cử nhân, bậc thạc sĩ, và sau đó nữa là chương trình nghiên cứu sinh; đồng thời cũng đảm bảo giúp người học chủ động, thường xuyên đào sâu nghiên cứu các nội dung về quyền con người, quyền công dân. Mặt khác, sự thiếu vắng môn học Quyền con người, quyền công dân như một học phần riêng biệt trong chương trình cử nhân khiến chương trình cao học bắt buộc phải dành thời lượng trang bị cho học viên cao học những kiến thức cơ bản và nền tảng về quyền con người, trong khi những tri thức căn bản này có thể được truyền đạt trong chương trình cử nhân. Trên cơ sở kiến thức nền tảng, học viên sẽ có thêm thời lượng nghiên cứu, tiếp cận đến những nội dung chuyên sâu và toàn diện hơn khi học môn Quyền con người, quyền công dân ở bậc thạc sĩ. Bên cạnh đó, đưa môn học Quyền con người, quyền công dân vào mọi chương trình đào tạo ở cả bậc cử nhân và bậc cao học tạo điều kiện cho học viên, sinh viên ở mọi chuyên ngành có thể tiếp cận được nội dung này một cách bài bản, đầy đủ; mặt khác, điều này giúp cung cấp cho xã hội những chuyên gia pháp lý ở các lĩnh vực có nhận thức và hiểu biết về quyền con người, quyền công dân toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên, thiết kế môn học mới ở tất cả các chương trình đồng nghĩa với việc phải thay đổi hàng loạt chương trình đào tạo từ cử nhân đến thạc sĩ, do vậy mà cần sự quyết tâm và thống nhất cao từ Đảng bộ, Lãnh đạo nhà trường, đến các Khoa, các phòng, ban có liên quan.

Thứ hai, về phía giảng viên: Bởi quyền con người là nội dung phức tạp, do đó giảng viên tham gia giảng dạy môn học Quyền con người, quyền công dân ở bậc cao học nên là giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có hiểu biết và chuyên môn cao về quyền con người, có khả năng truyền đạt bài giảng sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần phải có năng lực ngoại ngữ tốt, có khả năng đọc hiểu, dịch thuật, tra cứu tài liệu bằng tiếng nước ngài để luôn cập nhật thông tin, lý thuyết, sự kiện mới trong lĩnh vực nhân quyền. Mặt khác, Trường cũng cần tạo điều kiện, khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia các chương trình, tập huấn, hội thảo quốc tế liên quan đến quyền con người. Điều này giúp giảng viên có điều kiện liên tục cập nhật tri thức và những quan điểm mới trên thế giới, nắm chắc, hiểu sâu, rộng các vấn đề quyền con người và đáp ứng được khả năng giải quyết các tình huống thực tế để học viên có thể tham vấn cũng như trả lời các phản biện của học viên. Ngoài ra, trước nhu cầu rất lớn về giáo dục quyền con người, tác giả cho rằng các trường đại học nói chung và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần bổ sung nhân lực có học vị và trình độ chuyên môn cao về quyền con người. Vì thế, việc tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích các giảng viên trẻ có cơ hội du học bậc tiến sĩ chuyên ngành quyền con người ở các nước tiến bộ là công tác quan trọng để xây dựng đội ngũ giảng dạy quyền con người trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, về phương pháp: Cần đổi mới phương pháp giáo dục quyền con người, vì giáo dục là công cụ chuyển tải những kiến thức cơ bản về các quyền con người, hình thành ý thức tôn trọng quyền con người[1]. Công cụ có tốt, có đúng đắn thì thành phẩm mới hoàn thiện, đẹp đẽ. Quyền con người là nội dung phức tạp, có lượng lớn kiến thức hàn lâm, nặng về lý luận, nhưng điều này không có nghĩa là chỉ có thể dùng phương pháp thuyết giảng truyền thống để truyền đạt. Phương pháp giáo dục quyền con người ở bậc cao học có thể được đổi mới theo các hướng sau:

Một là, giảng viên cần khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp khác nhau bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả đối với các nhóm học viên (người làm việc ở các cơ quan nhà nước, người làm việc ở các công ty luật, hoặc các học viên học chuyên ngành khác nhau…). Thậm chí có thể kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục quyền con người với các kỹ năng sống, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật[2].

Hai là, bởi quyền con người là môn học nặng tính lý thuyết với các học thuyết, quan điểm phức tạp và hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam đồ sộ, vì vậy, nên sử dụng phương pháp giảng dạy theo tình huống (case study), áp dụng các bài học thực tế, phân tích tình huống để áp dụng các điều luật nhằm tránh gây nhàm chán trong quá trình giảng dạy, tạo sự tích cực, chủ động cho học viên khi nghiên cứu, cũng giúp học viên tiếp thu tốt hơn thông qua các ví dụ và vụ việc cụ thể trên thực tế.

Ba là, thường xuyên cho sinh viên trao đổi thảo luận về quyền con người trên lớp thông qua việc cho học viên làm bài tập nhóm, tổ chức đóng vai, diễn kịch, tổ chức seminar, hoặc phiên tòa giả định,… Đặc biệt đối với những tiến trình, cơ chế bảo đảm các quyền con người của Liên hợp quốc, giảng viên có thể tổ chức các buổi mô phỏng và cho các học viên tham gia như đại diện của các quốc gia (ví dụ như có thể tổ chức mô phỏng Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR của Liên hợp quốc). Những phương pháp này sẽ giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả kiến thức một cách chủ động, tích cực và góp phần giúp không khí lớp học sôi nổi hơn.

Bốn là, kết hợp giữa dạy và học với nghiên cứu khoa học. Học viên cao học hoàn toàn có khả năng viết bài tham luận tại các hội thảo chuyên đề, tọa đàm khoa học, hoặc thậm chí là viết bài công bố trên các tạp chí khoa học pháp lý. Do đó, giảng viên nên đóng vai trò như người hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, định hướng học viên trong quá trình nghiên cứu, giới thiệu học viên tham gia các hội thảo và tọa đàm khoa học của Trường liên quan đến nội dung quyền con người.

Thứ tư, về tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền con người: Giáo dục quyền con người không chỉ là hoạt động giảng dạy, mà còn bao gồm những hoạt động tập huấn và phổ biến thông tin về quyền con người. Vì vậy, giáo dục quyền con người không nên chỉ giới hạn trong không gian lớp học, mà cần xây dựng một không gian quyền con người ngay trong khuôn viên Trường. Trong không gian quyền con người có thể trưng bày các khẩu hiệu, áp phích, hình ảnh, biểu mẫu, số liệu, tóm lược tài liệu về quyền con người,… và nên trưng bày tại các địa điểm mà học viên dễ thấy, dễ tập trung đông người. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân cho học viên, sinh viên, Trường có thể tổ chức mít tinh kỷ niệm, các buổi nói chuyện với chuyên gia, hay tọa đàm nhân các ngày kỷ niệm như Ngày Nhân quyền thế giới, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày quốc tế Người khuyết tật… để truyền cảm hứng, giúp học viên thêm say mê, chủ động, tích cực nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, về nhận thức về quyền con người: Bởi quyền con người là một vấn đề phức tạp, đa chiều, vì thế giảng viên cần trở thành người hướng dẫn, cung cấp phương pháp luận nhận thức, giới thiệu các quan điểm khác nhau về quyền con người “tự cổ chí kim”, các chuẩn mực quốc tế nhưng phải đặt trong sự đối chiếu, so sánh rất cụ thể với các quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, giáo dục quyền con người tại Việt Nam không phủ nhận hoàn toàn ý tưởng, quan điểm về quyền con người của các quốc gia phương Tây, mà vẫn tiếp thu những giá trị, quan niệm về quyền con người đương đại của các nước trên thế giới một cách có chọn lọc, đặt trong giá trị văn hóa và pháp luật Việt Nam với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể và đặc thù của nước ta. Trên cơ sở đó, học viên sẽ nắm được những điểm tiến bộ của chính sách và pháp luật Việt Nam vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn về quyền con người của cộng đồng quốc tế, vừa phù hợp với những đặc thù về chính trị, pháp luật, và xã hội Việt Nam.

Thay lời kết

Tại Việt Nam, giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu. Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, giáo dục quyền con người càng được xem là chính sách tối quan trọng cần được đảm bảo và đẩy mạnh thực thi. Điều này không chỉ là để thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam khi gia nhập các công ước quốc tế, mà còn nhằm hiện thực hóa một trong ba mục tiêu cơ bản của Nhà nước là “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân” (Điều 3 Hiến pháp). Với vị thế là Trường đại học trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, có bề dày trong nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực quyền con người nói riêng và pháp luật nói chung, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không ngừng đổi mới, phát huy những thuận lợi và khắc phục các khó khăn trong giáo dục quyền con người nhằm tiếp tục cung ứng cho xã hội những chuyên gia pháp lý không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn có hiểu biết chuyên sâu về quyền con người, góp phần bảo vệ và bảo đảm các quyền con người tại nước ta trong giai đoạn tới./.

ThS. Vũ Lê Hải Giang

Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh


[1] Hà Mai Hiên (2011), “Xây dựng chiến lược quyền con người ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế”, Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2011), Giáo dục quyền con người – những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, tr.388-390

[2] Đỗ Đức Hồng Hà, “Mục đích, vai trò, ý nghĩa, phạm vi giáo dục quyền con người”, Sách tham khảo “Giáo dục quyền con người – những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb. Khoa học xã hội, 2011, tr.59-60