Trong các văn kiện của Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế, vấn đề mục tiêu của giáo dục quyền con người bao giờ cũng được xác lập một cách rõ ràng, và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động giáo dục quyền con người ở tất cả các cấp học và hình thức đào tạo. Do vậy, nhận thức rõ và quán triệt mục tiêu là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đắn nội dung giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học.

I. Những vấn đề đặt ra về nội dung giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Một là, chưa có hướng dẫn nội dung thống nhất cho môn học quyền con người trên hai phương diện: (i) Lý luận cơ bản đòi hỏi kiến thức chuẩn và thống nhất trên toàn quốc, (ii) Định hướng môn học nâng cao, chuyên sâu, nhưng trao quyền cho các cơ sở đào tạo tự chủ biên soạn giáo trình, tài liệu học tập.

Hai là, môn học về quyền con người chưa được xếp vào nhóm các môn học bắt buộc trong đào tạo chuyên ngành luật, trong khi đây là nội dung quan trọng góp phần hình thành tri thức toàn diện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, bởi bất cứ khía cạnh nào của hoạt động nghề luật cũng đều liên quan đến vấn đề quyền con người.

Ba là, nội dung quyền con người còn hạn chế, thiên về lý luận, ở một chừng mực nhất định chủ yếu dừng lại giới thiệu quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người, thiếu các phân tích sâu về các học thuyết khác cũng như quan điểm phổ biến về quyền con người trên thế giới. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, các quốc gia đều phải đặt quan điểm của mình trong bối cảnh và cách hiểu được thừa nhận phổ biến toàn cầu. Vì vậy, trong thiết kế nội dung nếu chỉ dừng ở phân tích quan điểm của Việt Nam về vấn đề quyền con người, thiếu sự so sánh, đối chiếu sẽ chưa thật sự khách quan, khoa học.

Bốn là, cách thức tiếp cận, nội dung giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học còn một số bất cập, hạn chế như: i) Quá thiên về kiến thức, ít chú ý xây dựng kỹ năng và hình thành quan điểm; dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu kiến thức; ii) Thiếu thông tin và phân tích về thực tiễn; iii) Các nội dung được phân tích, trình bày thiếu tính logic, dẫn đến tình trạng phân mảnh về kiến thức iv) Chưa coi trọng đúng mức tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong xác định, biên soạn các nội dung giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học.

II. Một số giải pháp cụ thể

1. Nhận thức và quán triệt mục tiêu giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học.

Trong các văn kiện của Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế, vấn đề mục tiêu của giáo dục quyền con người bao giờ cũng được xác lập một cách rõ ràng, và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động giáo dục quyền con người ở tất cả các cấp học và hình thức đào tạo. Do vậy, nhận thức rõ và quán triệt mục tiêu là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đắn nội dung giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học.

Phù hợp với trách nhiệm quốc gia theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về quyền con người, giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam cần nắm vững và vận dụng sáng tạo mục tiêu giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc: Giáo dục và đào tạo về nhân quyền bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và các hoạt động học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người và các tự do căn bản và qua đó đóng góp trở lại với việc ngăn chặn các vi phạm về nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như xây dựng thái độ và hành xử để trao cho họ khả năng đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một nền văn hóa về nhân quyền (Điều 2, khoản 1, Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về nhân quyền năm 2011).

 Các Mục tiêu chung nêu trên cần được cụ thể hóa trong xây dựng mục tiêu của giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học, phù hợp với các nhóm đối tượng sinh viên khác nhau.  Ở Việt Nam, theo Quyết định 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học được cụ thể hóa với các nhóm đối tượng: i) Đối với cán bộ quản lý và giảng viên; ii) Đối với sinh viên không thuộc khối trường đào tạo ngành luật, hành chính, nội chính; iii) Đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh khối trường đào tạo ngành luật, hành chính, nội chính (cả khối lực lượng vũ trang).

2. Xác định nội dung môn học riêng về quyền con người đối với các ngành thuộc khối trường chuyên luật, hành chính, nội chính - sư phạm (lý luận chính trị)

2.1. Kế thừa và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế

+ Theo Tuyên bố Graz về các nguyên tắc giáo dục quyền con người và an ninh con người (2003), thành tố cốt lõi của giáo dục và học tập về quyền con người là[1]: Tính phổ quát của quyền con người; Tăng cường tôn trọng các quyền và tự do của người khác; Xây dựng năng lực cho xã hội và trao quyền cho cá nhân hay các nhóm nhằm tạo dựng các quyền con người của mình; Đẩy mạnh câc nỗ lực chống phân biệt đối xử; Bảo đảm bình đẳng giới; Phát triển đầy đủ nhân cách và nhận thức về chân giá trị; Tạo điều kiện tham gia vào các quá trình dân chủ; Thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng và đối thoại với nhau.

+ Nội dung giáo dục quyền con người ở Đức. Giáo dục quyền con người ở Đức dựa trên 3 trụ cột: Khảo cứu lịch sử phát triển quyền con người, và những vi phạm quyền con người; Các tiêu chuẩn, các quy phạm quyền con người và các điều ước về quyền con người; Công khai các vi phạm quyền con người và trang bị khả năng hành động tích cực. Nội dung chủ yếu của giáo dục quyền con người trong các trường đại học ở Đức bao gồm[2]: i) Các khái niệm liên quan đến quyền con người; ii) Cội nguồn triết học và tôn giáo của quyền con người; iii) Nhân phẩm con người như là hạt nhân của quyền con người; iv) Sự công nhận pháp lý các quyền con người; v) Những tiêu chuẩn chính của quyền con người; các nghĩa vụ, nhiệm vụ của nhà nước; các cơ quan giám sát, bảo vệ quyền con người; vi) Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948); vii) Các hình thức bất bình đẳng và phân biệt đối xử; viii) Bảo vệ quyền con người ở Đức; ix) Các hành động của Hội đồng châu Âu vì sự an toàn và bảo đảm quyền con người; x) Phạm vi vấn đề và tính chất địa phương của quyền con người…

Nhiều nội dung khoa học, tiến bộ về giáo dục quyền con người trên đây đã được một số trường đại học ở Việt Nam tiếp thu có chọn lọc để xác định nội dung môn học quyền con người.

2.2. Kế thừa kết quả và tiếp thu các đề xuất về xây dựng nội dung môn học quyền con người trong giáo dục đại học của một số trường đại học ở Việt Nam

a. Các trường thuộc khối không chuyên luật

Từ thực tế giảng dạy, nhiều trường như: Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Cần Thơ; Đại học Nội vụ Hà Nội; Đại học Khoa học, công nghệ…đã đề xuất xây dựng Môn học quyền con người cần bao gồm các nội dung cơ bản sau: Một số khái niệm cơ bản liên quan đến quyền con người; Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về quyền con người; Pháp luật và cơ chế quốc tế về quyền con người; Pháp luật và cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; Những cơ hội và thách thức đối với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế[3].

Năm 2019, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Khu vực 1 - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề cương môn học: Lý luận và pháp luật về quyền con người, với 6 chuyên đề: i) Lý luận về quyền con người, quyền công dân; ii) Pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người; iii) Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; iv) Pháp luật Việt Nam về quyền con người, quyền công dân; v) Cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam; vi) Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

         Môn học có tổng số tiết quy chuẩn là: 35 tiết (Lý thuyết: 30 tiết, thảo luận: 5 tiết); Tự nghiên cứu: 10 tiết, thi hết môn: 05 tiết.

            Mục tiêu của môn học bao gồm: i) Về kiến thức; ii) Về kỹ năng; Về tư tưởng. Các mục tiêu này được thể hiện trong Chuẩn đầu ra và đánh giá người học.

b. Các trường thuộc khối chuyên luật.

* Đề xuất của nhiều trường hiện nay là xây dựng môn học về quyền con người là môn học bắt buộc đối với đào tạo cử nhân luật, với các nội dung chủ yếu sau: Một là, lý luận về quyền con người: phân tích khái niệm, đặc điểm, bản chất và các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người; Hai là, pháp luật quốc tế về quyền con người: phân tích các quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người thể hiện trong các điều ước quốc tế; phân tích các cơ chế quốc tế và khu vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; Ba là, vấn đề quyền con người ở Việt Nam: phân tích các quan điểm cơ bản của Đảng về quyền con người; quy định của pháp luật trong nước về quyền con người; phân tích nghĩa vụ quốc gia trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo vệ quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương[4]

* Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà nội. Năm 2013, Khoa đã xây dựng đề cương và đưa vào giảng dạy môn học: Lý luận và pháp luật về quyền con người[5] (Chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành luật học – trình độ đại học). Mã môn học: CAL3012; Số tín chỉ: 03; Môn học: bắt buộc (khối kiến thức ngành và bổ trợ); Môn học tiên quyết: Luật Hành chính – CAL2002. Môn học có 8 nội dung được thiết kế theo các chương: Chương 1: Nhập môn Lý luận và pháp luật về quyền con người; Chương 2: Khái quát về quyền con người; Chương 3: Khái quát luật quốc tế về quyền con người; Chương 4: Luật quốc tế về các quyền, tự do cá nhân; Chương 5: Luật quốc tế về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương; Chương 6: Các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; Chương 7: Lịch sử phát triển và quan điểm, chính sách cơ bản của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người; Chương 8: Pháp luật Việt Nam về quyền con người.

Môn học đã được thiết kế chi tiết về chuẩn đầu ra, kế hoạch học tập từ tuần 1 đến tuần thứ 15; mỗi nội dung này đều có Mục tiêu bậc 1 (Nhớ); Mục tiêu bậc 2 (Hiểu, vận dụng); Mục tiêu bậc 3 (Phân tích, tổng hợp, đánh giá).

Kết quả và các đề xuất về môn học quyền con người được trình bày ở trên có nhiều nội dung hợp lý, khoa học, được thừa nhận phổ biến cần được kế thừa, bổ sung trong xác định nội dung môn học riêng về quyền con người đối với các ngành thuộc khối trường chuyên luật, hành chính, nội chính - sư phạm (lý luận chính trị)

2.3. Khả năng áp dụng các nội dung môn học

+ Đối với môn học bắt buộc hoặc lựa chọn trong chương trình đào tạo. Các nội dung cơ bản và chuyên sâu khi áp dụng cho môn học bắt buộc hay tự chọn, các cơ sở giáo dục có thể chủ động điều chỉnh cho phù hợp. Nếu là bắt buộc, môn học phải chứa đựng những nội dung chính yếu của nhóm ngành, ngành và chuyên ngành đào tạo mà sinh viên bắt buộc phải tích lũy, hoàn thành. Trong trường hợp, môn học quyền con người là môn học bắt buộc đối với chuyên ngành cử nhân luật, thì đòi hỏi phải xác định được một số nội dung then chốt, chính yếu trong pháp luật quốc tế, quốc gia về quyền con người mà người học buộc phải hiểu, nắm vững và có khả năng vận dụng để được xét tốt nghiệp. Trong trường hợp, môn học về quyền con người là môn tự chọn, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đưa vào những nội dung cần thiết cho nhiều định hướng nghề nghiệp phù hợp (ngành/chuyên ngành/hướng chuyên môn) mà sinh viên có thể tự do lựa chọn; chẳng hạn, quyền tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe (ngành y); quyền học tập, quyền của trẻ em (nhóm ngành đào tạo sư phạm); quyền thông tin, tự do ngôn luận, báo chí (nhóm ngành truyền thông); quyền về văn hóa, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (nhóm ngành ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo)…

+ Đối với cán bộ quản lý và giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học (không chỉ riêng khối trường chuyên luật, hành chính, nội chính - sư phạm). Đây là nhóm đối tượng rất cần thiết được giáo dục, đào tạo về nhân quyền, nhằm: Nâng cao nhận thức, hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người, để từ đó thúc đẩy việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của người học trong hệ thống giáo dục đại học. Trên cơ sở các nội dung cơ bản nêu trên, cần bổ sung các nội dung chuyên sâu, có định hướng nghề nghiệp: i) Các quyền về giáo dục, bao gồm giới thiệu các nguyên tắc, tiêu chuẩn quyền này trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam; ii) Quyền của sinh viên trong các trường đại học, như quyền được tôn trọng mà không có sự phân biệt đối xử về giới tính, tôn giáo, dân tộc, hoàn cảnh kinh tế; quyền tự do tư tưởng, học thuật; quyền được tham gia vào nghiên cứu khoa học; quyền đối thoại…iii) Các hình thức và phương pháp giáo dục mới về quyền con người trong giáo dục đại học; iv) Nghĩa vụ của các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm nghĩa vụ của giáo viên; cán bộ lãnh đạo, quản lý; viên chức trong bảo đảm các quyền của sinh viên.

+ Đối với xây dựng, biên soạn giáo trình. Các nội dung cơ bản và chuyên sâu của môn học về quyền con người là cơ sở để xác định và tổ chức biên soạn giáo trình sử dụng chung cho các trường đại học thuộc khối trường chuyên luật, hành chính, nội chính; và giáo trình đào tạo thạc sĩ pháp luật về quyền con người.

(Còn tiếp...)

TS. Nguyễn Duy Sơn

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Wolfgang Benedek (Chủ biên): Tìm hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2008, tr.387.

[2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2010), Giáo dục quyền con người - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.382,383.

[3] Lê Phương Nga (2021), Nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học tại các trường không chuyên luật ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm: Nghiên cứu xác định nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam, Hà Nội.

[4] Đào Ngọc Báu (2021), Những vấn đề đặt ra trong xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học khối chuyên luật ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm: Nghiên cứu xác định nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam, Hà Nội.

[5] https://123docz.net//document/4888582-ly-luan-va-phap-luat-ve-quyen-con-nguoi.htm