Trong những thập kỷ gần đây, những bước tiến đột phá về công nghệ đã mang đến nhiều cơ hội cũng như cải thiện cuộc sống con người. Bên cạnh đó, sự phát triển này cũng tạo ra mối lo ngại không nhỏ cho các quốc gia trên thế giới. Và một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là robot và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhân tố con người trong công việc dẫn đến tình trạng “thất nghiệp công nghệ”. Bài viết cung cấp thêm những luận cứ thực tiễn về thách thức đối với việc làm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) ở một số quốc gia trên thế giới và những giải pháp đề xuất cụ thể trước thực tiễn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn

Đặt vấn đề

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự ra đời liên tục của các công nghệ mới đã tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế và các vị trí công việc mới trong các lĩnh vực sáng tạo, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập của người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống con người, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tuổi thọ. Bởi việc sử dụng robot giúp giảm đáng kể chi phí lao động, tăng hiệu quả lao động và giảm khả năng mắc lỗi của con người, tăng khả năng an toàn cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động tránh được nguy cơ tai nạn lao động, còn đối với người sử dụng lao động cũng có lợi thế là hạn chế chi phí y tế đắt đỏ hoặc chi phí về kiện tụng trong trường hợp người lao động gặp rủi ro (khi so sánh với chi phí sửa chữa robot).

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo nguy cơ hàng triệu người mất việc làm do tự động hóa, sự xâm lấn của trí tuệ nhân tạo ngay cả trong những công việc mà yếu tố con người là quan trọng. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội, nghèo đói do mất việc làm ngày càng gia tăng là một trong những thách thức quan trọng nhất liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì lẽ đó, việc nghiên cứu thực tiễn và đề xuất giải pháp thích ứng về việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là cần thiết.

1. Những thách thức đối với việc làm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở một số nước trên thế giới

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới1, sự gia tăng tự động hóa sẽ gây rủi ro cho gần 57% công việc ở các nước phát triển (thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD), 47% công việc ở Hoa Kỳ và 77% công việc ở Trung Quốc, trong đó có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia: tỷ lệ người lao động có nguy cơ rủi ro cao do tự động hóa ở Đức và Áo là 12%, trong khi ở Hàn Quốc và Estonia có công nghệ tiên tiến là 6%. Các nền kinh tế Đông Á và Bắc Âu dường như ít bị ảnh hưởng bởi tự động hóa hơn (với ước tính khoảng 20–25%). Các nền kinh tế công nghiệp Đông Âu (Đức, Ý, Slovakia, Slovenia) phải đối mặt với tỷ lệ tự động hóa tiềm năng tương đối cao, dao động khoảng 40% nhất là trong lĩnh vực sản xuất và vận tải. Các nền kinh tế dịch vụ chiếm ưu thế như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Hà Lan có mức độ tự động hóa tiềm năng trung bình, các công việc tự động hóa tập trung nhiều vào các ngành dịch vụ và lao động có tay nghề thấp. Các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy có tỷ lệ việc làm cao do công nhân có kỹ năng cao nên công việc ít bị tự động hóa. Các quốc gia châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Nga, v.v..) với trình độ giáo dục và tiến bộ công nghệ cao và các công việc tương đối ít tự động hóa hơn nhưng cũng có mức độ tập trung việc làm tương đối cao trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, các công việc hiện tại ở một số quốc gia có tỷ lệ tự động hóa thấp, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể phải đối mặt với tỷ lệ tự động hóa cao hơn trong ngắn hạn do công nghệ thuật toán đã được sử dụng rộng rãi nhưng về lâu dài (khi tự động hóa đã thay thế các công việc thủ công) thì tỷ lệ tự động hóa sẽ thấp hơn so với các quốc gia có trình độ kỹ năng trung bình và các cơ sở sản xuất lớn. Ngược lại, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ trước mắt có thể phải đối mặt với mức độ rủi ro thấp hơn trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài thì mức độ rủi ro cao hơn trước các làn sóng tự động hóa sau này sẽ thay thế những người lao động thủ công như tài xế và công nhân xây dựng. Điều này được biểu hiện cụ thể ở một số quốc gia như sau:

(1) Đối với Hoa Kỳ

Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở Hoa Kỳ. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức. Mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng, nhất là có thể phá vỡ thị trường lao động khi sự tự động hóa và số hóa thay thế con người. Điều này đồng nghĩa với việc tăng số lượng lao động không có việc làm. Theo nghiên cứu sẽ có thể có 47% công việc ở Mỹ có nguy cơ bị tự động hóa trong tương lai gần2. Trong cuộc thảo luận về hậu quả của công nghiệp 4.0 tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (2016) đã đi đến kết luận rằng, khoảng 7 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng trong 5 năm tới và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra khiến người lao động gặp rủi ro do tự động hóa ở Mỹ mà nguyên nhân chủ yếu là do trình độ giáo dục và đào tạo thấp. Theo điều tra, những người lao động có trình độ học vấn và chuyên môn cao ít bị đe dọa thất nghiệp do tự động hóa, trái lại, nhân viên có kỹ năng, trình độ chuyên môn thấp thường gặp khó khăn khi gia nhập thị trường lao động và thích nghi với các điều kiện làm việc do họ không được đào tạo phù hợp. Những người có trình độ trung học cơ sở là đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với rủi ro tự động hóa, trong khi những nhân viên có trình độ học vấn cao với bằng thạc sĩ/tiến sĩ được bảo vệ nhiều nhất trước rủi ro tự động hóa. Như vậy, không chỉ ở Hoa Kỳ mà ở tất cả các quốc gia, lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và có tay nghề cao nhất có thể thích nghi tốt hơn với các yêu cầu công nghệ mới và được hưởng mức lương thực tế cao hơn, trong khi những người lao động có trình độ học vấn thấp và tay nghề thấp phải chịu gánh nặng chi phí, dễ bị mất thu nhập và thất nghiệp hơn. Bên cạnh đó, kinh nghiệm làm việc yếu của những người trẻ tuổi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

(2) Đối với các quốc gia Châu Âu

Ở Châu Âu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không hẳn đe dọa toàn bộ công việc của con người3, ngay cả trong cùng một lĩnh vực chuyên môn. Người lao động tiếp xúc và bị ảnh hưởng của tự động hóa tùy thuộc vào vị trí họ nắm giữ và nhiệm vụ của họ. Khối lượng công việc lớn liên quan đến trao đổi thông tin, bán hàng, quản lý dữ liệu, công việc thủ công, vận chuyển và lưu trữ sản phẩm, xây dựng và văn phòng có nhiều nguy cơ tự động hóa hơn. Xây dựng, sản xuất, thương mại là những lĩnh vực chuyên môn dự kiến bị tự động hóa cao cho đến năm 2030, với tỷ lệ tự động hóa ước tính lần lượt là khoảng 45 và 34% (đối với quốc gia thuộc OECD)4. Mặt khác, rủi ro tự động hóa thấp hơn đối với những công việc có yêu cầu về trình độ học vấn, kỹ năng giao tiếp và nhận thức cao. Bởi vì những công việc này không thể được xác định bằng mã hóa và thuật toán, chúng liên quan nhiều hơn đến nhận thức, khả năng quản lý các tình huống phức tạp, hoạt động đa cấp độ và tính linh hoạt cũng như khả năng sáng tạo thực sự, đòi hỏi tư duy phản biện như khả năng phát triển lý thuyết mới, văn học, hoặc sáng tác âm nhạc. Y tế và giáo dục là những lĩnh vực chuyên môn có tỷ lệ tự động hóa ước tính thấp nhất (khoảng 8–9% đối với các nước OECD), vận tải, lưu trữ và sản xuất là những ngành kinh tế chịu rủi ro tự động hóa cao hơn (lên đến 50%).

Một vấn đề khác nảy sinh ở Châu Âu do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0  là khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập ngày càng lớn giữa những người lao động. Tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự ra đời liên tiếp của các công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực cùng với các yếu tố về tài chính chưa được kiểm soát đầy đủ và sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường sản phẩm và dịch vụ làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng thu nhập. Đội ngũ người lao động có trình độ học vấn cao, khả năng và kỹ năng thích ứng tốt với tự động hóa sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những thành tựu công nghệ. Hơn nữa, những người có khả năng tài chính ngày càng có lợi thế cạnh tranh, giá trị tài sản của họ tăng lên đáng kể do tiến bộ công nghệ. Ngược lại, những người lao động có kỹ năng thấp rất dễ rơi vào cảnh thất nghiệp, tiền lương và thu nhập của họ luôn có nguy cơ giảm đi. Trong đó, những người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là những người có công việc đòi hỏi kỹ năng vừa phải như dịch vụ khách hàng có thể dễ dàng thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Do đó, nếu không có những chính sách phù hợp, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng thu nhập với những hậu quả bất lợi cho xã hội.

Bên cạnh đó, nguy cơ tăng khoảng cách giới trong lĩnh vực việc làm cũng là một vấn đề xã hội đáng quan tâm. Trong tương lai, lực lượng lao động công nghiệp chủ yếu là nam giới. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ có 24% lực lượng lao động ngành công nghệ thông tin và truyền thông là nữ; chưa đến 10% lập trình viên ở châu Âu là phụ nữ. Khi tự động hóa thay thế công việc thủ công, nam giới có trình độ học vấn trung bình và thấp có xu hướng tiếp xúc với tự động hóa nhiều hơn phụ nữ có cùng trình độ, trong khi phụ nữ có trình độ học vấn cao tiếp xúc với tự động hóa nhiều hơn nam giới. Chẳng hạn như Hy Lạp, tỷ lệ nam giới tiếp xúc với rủi ro tự động hóa (27%) cao hơn của nữ (18%) do tính chất các công việc mà nam giới đảm nhận. Đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ đối mặt với nguy cơ tự động hóa ở Hy Lạp thuộc hàng thấp nhất châu Âu.

Ở hầu hết các nước châu Âu, tỷ lệ người lao động cao tuổi dễ bị tác động của tự động hóa do họ khó thích nghi với điều kiện công nghệ mới và tỷ lệ tham gia của người cao tuổi vào thị trường lao động và các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng giúp họ thích nghi với thực tế mới còn thấp.

Một điểm thú vị nữa khi xem xét mối liên hệ giữa robot, AI và người lao động trong cùng công ty hay công sở. Nếu phần lớn các vị trí công việc tại nơi làm việc được tự động hóa, người lao động sẽ cảm thấy không an toàn, không có động lực, không được đánh giá cao, robot và AI trở thành “đối thủ cạnh tranh vô hình” và người hoàn toàn không hài lòng với sự hiện diện của robot tại nơi làm việc của họ. Mặt khác, nếu robot được đưa vào doanh nghiệp với tư cách là trợ lý cho lực lượng lao động hiện tại thì người lao động sẽ cảm thấy an tâm và hài lòng với sự hiện diện của robot vì họ có một “trợ lý quý giá” để hoàn thành các công việc nguy hiểm và không thú vị. Khi đó, người lao động có cơ hội làm những công việc thú vị hơn, từ đó kích thích tinh thần làm việc hiệu quả hơn.

(3) Đối với một số quốc gia Châu Á và Châu Phi

Việc áp dụng các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo ở các quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc đã tạo ra những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính trị, giúp nền kinh tế các quốc gia này tăng trưởng cao, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những “vết nứt xã hội”, ngày càng làm gia tăng bất ổn xã hội và bất bình đẳng thu nhập. Kuzmenko và Roienko5 trong nghiên cứu của mình cho rằng bất bình đẳng thu nhập sẽ tăng nhanh không chỉ ở các nền kinh tế mới nổi mà còn ở các nước phát triển như Pháp, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha. Theo báo cáo của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS6, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ít tác động đến các nền kinh tế phát triển như Thụy Sĩ và Singapore, nhưng ở các thị trường mới nổi và đặc biệt là ở các nước Mỹ Latinh và Ấn Độ, tác động của việc mở rộng sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ đặc biệt bất lợi vì nó sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ của họ.

2. Một số giải pháp bảo đảm sự thích ứng của việc làm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong bối cảnh đó, các giải pháp mà các chính phủ có thể lựa chọn để đối phó với những thách thức và tận dụng các cơ hội phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực việc làm cụ thể như sau:

Thứ nhất, dung hòa sự thích ứng  giữa con người và công nghệ. Bởi trong xã hội hiện đại, người máy và máy móc đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của con người và đây là một thực tế mới mà con người phải chấp nhận đối mặt. Mục tiêu đặt ra là mọi người phải cố gắng thích nghi với thực tế mới này để có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ từ “thế giới cũ” sang “thế giới mới”. Chẳng hạn, trong công việc như giảng dạy và điều dưỡng, xã hội luôn ưu tiên nhân viên thực hiện là con người chứ không phải robot. Tuy nhiên, robot được sử dụng làm “trợ lý cá nhân” rất tích cực hỗ trợ nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Dựa trên kết quả thí nghiệm của mình, Tiến sĩ Christakis nhấn mạnh rằng “trong cái gọi là “hệ thống lai” - nơi con người và robot cùng tương tác xã hội - “loại AI phù hợp” có thể cải thiện cách con người liên hệ với nhau”. Hay nói cách khác, từ khóa cho sự chung sống hài hòa giữa robot và con người là “loại AI phù hợp”, từ đó hình thành lên cách con người đối xử với robot, máy móc và AI. Có những công việc AI không thay thế được con người nhưng chúng có thể giúp con người trở nên tốt hơn. AI không được coi như con người, như một thành viên gia đình hay bạn bè nhưng AI sẽ là những “trợ lý kỹ thuật số” giúp cuộc sống của con người dễ dàng hơn. Bằng cách này, con người sẽ được hưởng lợi từ những thành tựu công nghệ, tình cảm và các mối quan hệ của con người sẽ được bảo vệ, những năng lực “người” về tình yêu, tình bạn, sự hợp tác và dạy dỗ giúp con người chung sống hòa bình, con người sẽ không gặp nguy hiểm bởi các robot, máy móc và AI hiện diện trong cuộc sống của họ.

Mức độ thích ứng thấp với tự động hóa có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong số các yếu tố rủi ro khi tiếp xúc với tự động hóa. Vì vậy, các quốc gia phải có cơ chế giúp công dân của họ nhanh chóng và dễ dàng thích nghi với thực tế mới. Ở các nước công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, nam giới ngày càng làm việc nhiều hơn với robot và công nghệ để thích nghi cao với tự động hóa, giảm nguy cơ thất nghiệp. Công nghiệp 4.0 dường như không đe dọa đến sức lao động của con người trong điều kiện người lao động có thể nhanh chóng thích nghi với thực tế mới và các chính phủ có các chính sách phù hợp để bảo vệ con người khỏi những hậu quả khó lường và không mong muốn của công nghệ. Các công việc tiếp xúc với tự động hóa nhiều nhất là các công việc thường xuyên, khối lượng lớn, không đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và nhận thức cao như văn phòng, xây dựng và sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, những công việc như dạy học, điều dưỡng và chăm sóc người già đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo thực sự và trí thông minh rất khó bị tự động hóa. Do đó, việc robot thay thế hoàn toàn lực lượng lao động con người trên thị trường lao động là điều rất khó xảy ra.

Thứ hai, tăng cường tính thích ứng nhanh của các chính sách, pháp luật về việc làm. McKinsey7 trong báo cáo của mình nhấn mạnh rằng, chìa khóa để thích ứng thành công với các điều kiện công nghệ mới là khả năng phản ứng nhanh của chính phủ trong xây dựng và thực hiện chính sách mà không phải là các chính sách dài hạn, không bắt kịp sự thay đổi của công nghệ. Đồng thời, phải bảo đảm rằng tiến bộ công nghệ là vì lợi ích của xã hội chứ không phải tìm cách trì hoãn hoặc chống lại nó8. Các chính sách này phải phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 20159.  

Thứ ba, thay đổi chính sách thuế. Trong các giải pháp nhằm thích ứng với tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc làm thì thuế là công cụ khá hữu hiệu. Các quốc gia có thể tăng thuế đối với thu nhập hoặc lợi nhuận kinh doanh cao (do sử dụng các công nghệ mới giúp cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp) và sử dụng nguồn thuế này đầu tư vào giáo dục, đào tạo, cơ sở hạ tầng và mạng lưới an sinh xã hội vững chắc hơn cho những người gặp khó khăn lớn trong việc thích nghi với công nghệ mới hoặc để bảo vệ thu nhập của những người bị thất nghiệp. Đồng thời, giảm thuế cho những người lao động có thu nhập giảm do tác động của công nghệ. Bên cạnh đó, tạo nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao và cơ hội bình đẳng cho những người không có khả năng tài chính thông qua các chương trình đào tạo và đào tạo lại, từ đó giảm mạnh sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng về mặt kinh tế, xã hội.

Thứ tư, giải pháp cơ bản để giảm thiểu rủi ro cho người lao động trước làn sóng công nghệ là đầu tư vào giáo dục và đào tạo cho mọi người ở mọi lứa tuổi (chú trọng đến các vấn đề khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để có thể thích nghi tốt hơn với công nghệ mới và số hóa. Giáo dục có thể giúp mọi người “bảo vệ” công việc của họ, chủ động tiếp nhận những lợi ích từ tiến bộ công nghệ. Robot có khả năng đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ nên con người phải khai thác những lợi thế so sánh với chúng như kỹ năng nhận thức và khả năng suy nghĩ vượt trội của mình để quản lý các tình huống phức tạp và những khả năng này chỉ có thể được cải thiện tốt nhờ giáo dục. Một lần nữa, có thể khẳng định tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo như “lá chắn” chống lại nguy cơ tự động hóa.

Công nghệ số cũng tạo điều kiện cho tất cả mọi người (ở các nước đang phát triển và đang phát triển) tiếp cận giáo dục, giúp họ có cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng bằng cách tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo từ xa. Nhờ đó, các rào cản trong việc tiếp cận giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người sẽ giảm bớt và cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa các quốc gia và các tầng lớp xã hội trở nên hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người lao động thông qua giáo dục và đào tạo thương xuyên giúp họ tự tin và nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động cũng như giúp họ thích nghi nhanh chóng và suôn sẻ với các điều kiện lao động mới. Chiến lược giáo dục và đào tạo có thể là: (i) đào tạo cho các chuyên gia thông qua các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng làm việc để giúp họ làm quen với công nghệ mới, tự tin cạnh tranh trong thị trường lao động; (ii) giáo dục và đào tạo cho thanh niên về công nghệ mới để có thể tham gia vào thị trường lao động với những kỹ năng phù hợp và kiến thức cần thiết; (iii) có sự kết nối trực tiếp giữa giáo dục và thị trường lao động, (iv) đào tạo về STEM  cho những người trẻ tuổi (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và Trung Quốc); (v) thực hành cho những người trẻ tuổi (đến độ tuổi 24 tuổi) để tích lũy kinh nghiệm làm việc trong quá trình học; và (vi) các chương trình học tập dành cho người lớn và học tập suốt đời để giúp người cao tuổi thích ứng thuận lợi với công nghệ mới và số hóa. Đi liền tiếp theo là các chính phủ phải tạo việc làm. Tạo việc làm mới được trả lương cao để giảm bớt khả năng mất việc làm (do tự động hóa) và giải quyết bất bình đẳng về thu nhập và kinh tế xã hội. Giáo dục, đào tạo và tạo việc làm mới luôn phải song hành cùng nhau. Việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo chỉ có hiệu quả khi có những công việc phù hợp.

Thứ năm, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các chương trình và hoạt động STEM nhằm giảm khoảng cách giới. McKinsey10 trong báo cáo của mình nhấn mạnh rằng, các công ty có tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý cao hơn có xu hướng hoạt động tốt hơn. Suy nghĩ của phụ nữ khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, đồng thời thúc đẩy sự tương tác giữa công nghệ và xã hội góp phần vào tiến bộ công nghệ. Các chính phủ cần giải quyết khoảng cách giới bằng cách nhấn mạnh đến tư duy sáng tạo của lao động phụ nữ và khuyến khích họ tham gia tích cực vào quá trình đổi mới thông qua các chương trình công nghệ thông tin và STEM, từ đó giúp phụ nữ cạnh tranh tốt hơn trong thị trường lao động và thúc đẩy tính dịch chuyển xã hội của họ. Việc bảo vệ quyền của phụ nữ và đảm bảo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ ở tất cả các quốc gia, chẳng hạn như tiếp cận giáo dục chất lượng không bị cản trở là những điều kiện tiên quyết để các cơ quan nhà nước giải quyết hiệu quả khoảng cách giới trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các giải pháp khác nhằm giảm thiểu những rủi ro của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc làm là hỗ trợ hoạt động kinh doanh bằng cách tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập cải thiện hiệu quả kinh doanh và tăng doanh thu bằng cách sử dụng các công nghệ mới, từ đó tạo ra nhiều việc làm mới cho lực lượng lao động. Đồng thời, giữa các quốc gia cần tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác trong quá trình đối mặt và thích nghi với những biến đổi của công nghệ để cùng nhau chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm, thông lệ tốt nhằm giải quyết những thách thức về vấn đề việc làm hiện nay.

ThS. Đặng Thị Loan

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

(1)  Ngân hàng Thế giới, Bản chất thay đổi của công việc [Internet]. 2019, http://documents.worldbank.org/curated/en/816281518818814423/2019-WDR-Report.pdf.

(2) Frey CB, Osborne MA, Tương lai của việc làm: Công việc dễ bị tin học hóa như thế nào? Dự báo công nghệ và thay đổi xã hội. 2017;114:254-280.

(3)  Ngân hàng Thế giới, Bản chất thay đổi của công việc [Internet]. 2019, http://documents.worldbank.org/curated/en/816281518818814423/2019-WDR-Report.pdf.

(4) Bowles J., Việc tin học hóa các công việc ở châu Âu - Ai sẽ thắng và ai sẽ thua do tác động của công nghệ mới đối với các lĩnh vực việc làm cũ? Brussels: Viện Bruegel; 2014, https://bruegel.org/2014/07/the-computerisation-of-european-jobs/.

(5) Kuzmenko O, Roienko V, Phân tích bất bình đẳng thu nhập trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Những thách thức kinh tế xã hội. 2017;1(1).

(6) Union Bank of Switzerland (UBS), Baweja B, Donovan P, Haefele M, Siddiqi L, Smiles S, Tự động hóa và kết nối cực độ: Tác động toàn cầu, khu vực và đầu tư của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sách trắng của UBS cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Họp mặt thường niên 2016, https://www.ip-watch.org/weblog/wp-content/uploads/2017/09/ubs-vierte-industrielle-revolution-2016-01-21.pdf.

(7) McKinsey, Công nghiệp 4.0 sau sự cường điệu ban đầu: Nơi các nhà sản xuất đang tìm kiếm giá trị và cách họ có thể nắm bắt nó một cách tốt nhất. 2016, https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey/business%20functions/mckinsey%20digital/our%20insights/getting%20the%20most%20out%20of%20industry%204%200/mckinsey_industry_40_2016 .ashx.

(8) Smit J, Kreutzer S, Moeller C, Carlberg M., Tổng cục Chính sách nội bộ, Vụ Chính sách A: Chính sách Kinh tế và Khoa học Công nghiệp 4.0. Liên minh châu Âu. 2016, http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2016/570007/IPOL_STU(2016)570007_EN.pdf.

(9) Arntz M, Gregory T, Zierahn U., Nguy cơ tự động hóa việc làm ở các nước OECD: Một phân tích so sánh, Tài liệu về xã hội, việc làm và di cư của OECD, Số 189, Paris: Nhà xuất bản OECD; 2016. DOI: 10.1787/5jlz9h56dvq7-vi.

(10) McKinsey, Công nghiệp 4.0 sau sự cường điệu ban đầu: Nơi các nhà sản xuất đang tìm kiếm giá trị và cách họ có thể nắm bắt nó một cách tốt nhất. 2016, https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey/business%20functions/mckinsey%20digital/our%20insights/getting%20the%20most%20out%20of%20industry%204%200/mckinsey_industry_40_2016 .ashx.