Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện được thể hiện từ cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về con người, đến nghiên cứu các mối quan hệ, phát huy sức mạnh tư tưởng đến sức mạnh tinh thần của con người, giải phóng triệt để con người nhằm bảo vệ quyền con người. Bài viết phân tích các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện ở bình diện chung, đồng thời hàm chứa những giá trị của quyền con người trong những tư tưởng của Người.

Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm duy vật biện chứng, Hồ Chí Minh luôn xem xét con người như một chỉnh thể thống nhất giữa bản chất tự nhiên, (do cấu tạo cơ thể vật chất của nó quy định) và bản chất con người (mà Mác gọi là bản tính loài phổ biến); thống nhất giữa con người cá nhân và con người xã hội. Vì vậy, Người luôn quan niệm con người, trong cấu trúc nhân cách, là một hệ thống bao gồm tổng hoà nhiều yếu tố hợp thành, như thể xác và tâm hồn, thể lực và trí tuệ, tính người - mặt xã hội và tính bản năng - mặt sinh học của con người. Đồng thời, nhìn nhận con người trong tính đa dạng của nó: đa dạng trong quan hệ xã hội, (quan hệ dân tộc, giai cấp, tầng lớp, đồng chí, đồng bào...); đa dạng trong tính cách, khát vọng, phẩm chất, khả năng; đa dạng trong hoàn cảnh xuất thân, điều kiện sống, làm việc... Hồ Chí Minh chỉ rõ, con người luôn có xu hướng vươn đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, song cũng nảy sinh nhiều khuynh hướng phức tạp (như xã hội loài người). Do đó, có thể nhận thức giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện trên các vấn đề sau đây.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cuộc sống nhân dân,
tôn trọng ý kiến và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nguồn: danvan.vn.


1. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện - Nhận thức từ cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về con người
Theo cách tiếp cận của Hồ Chí Minh, con người là một chỉnh thể, trong đó mỗi con người có sự thống nhất giữa con người cá nhân và con người xã hội. Con người vừa là một chỉnh thể đơn nhất mang những phẩm chất riêng, vừa là một thực thể xã hội mang những phẩm chất của một hệ thống các quan hệ xã hội trong sự thống nhất biện chứng giữa cái chung với cái đặc thù và cái riêng. Cụ thể hơn, trong khi luôn nhấn mạnh và coi trọng con người tập thể, con người xã hội, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến con người cá nhân. Chính vì vậy, Người đã khẳng định, chủ nghĩa xã hội không hề phủ nhận cá nhân, chà đạp lên lợi ích cá nhân, mà ngược lại, hơn hẳn bất kỳ một chế độ xã hội nào trong lịch sử, chủ nghĩa xã hội luôn tôn trọng lợi ích cá nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân. Không chỉ trong tư tưởng, lý luận, mà cả trong hoạt động, chỉ đạo thực tiễn, Người thường quan tâm đến mỗi con người cụ thể. Người sâu sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ niềm vui và thấu hiểu nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, bộ đội, phụ nữ, thanh niên đến các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng. Trong chỉ đạo thực tiễn, Hồ Chí Minh không chỉ động viên, phát huy tinh thần tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn biết khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người cụ thể, làm cho những đức tính tốt đẹp đó “nảy nở như hoa mùa xuân”. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...”1. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, con người là chủ thể sáng tạo cao nhất, là lực lượng có đủ năng lực tự giải phóng mình. Do đó, phải quan tâm đến con người, thấu hiểu và kiên quyết đấu tranh để giải phóng con người, đồng thời giác ngộ, tập hợp, phát huy sức mạnh của con người để con người tự giải phóng chính mình. Đó là nội dung cơ bản, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. Đó cũng là những giá trị cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện, được Người đúc rút từ truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hóa văn hóa nhân loại; từ quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. 
Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ tính khoa học, cách mạng và nhân văn trong quan điểm về con người, về giải phóng và phát triển con người toàn diện. Từ đó, Người đã bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm lý luận mácxít trong bối cảnh, điều kiện mới.
2. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện - Nhận thức từ việc nghiên cứu các mối quan hệ của con người.
 Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, để xây dựng con người phát triển toàn diện, phải chú ý đến sự tác động, chi phối lẫn nhau giữa các quan hệ của con người trong sự hình thành bản chất xã hội của chính con người. Hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Mác - Ăngghen về quan hệ xã hội của con người và sự chi phối của nó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không có vấn đề chính trị - xã hội nào lại không xoay quanh vấn đề con người và không có con người chung chung trừu tượng, mà chỉ có những con người hiện thực, sống và lao động trong xã hội hiện thực. Tuy nhiên, khi xem xét các mối quan hệ hiện thực của con người, Hồ Chí Minh còn chú ý đến các quan hệ bên trong, bên ngoài và xem xét các mối quan hệ bản chất (giai cấp, dân tộc, nhân loại). Người cho rằng, dù các quan hệ có cấp độ khác nhau, nhưng có mối quan hệ đan xen và chi phối lẫn nhau. Những quan hệ ấy tạo nên sự gắn bó mọi người trong cộng đồng xã hội một cách bền vững, (nhìn từ mối quan hệ của cộng đồng làng, xã... ở Việt Nam), được bồi đắp trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Xuất phát từ cách xem xét ấy, Hồ Chí Minh đã nêu lên một định nghĩa về con người Việt Nam: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bạn bè. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”2. Đặc biệt, quan điểm về mối quan hệ hiện thực của con người của Hồ Chí Minh còn được nâng lên ở một tầm cao mới, khi Người chỉ ra các mối quan hệ bên trong của chính con người. Với cách tiếp cận duy vật biện chứng về bản chất con người, Hồ Chí Minh quan niệm rằng, bên trong con người hiện thực luôn tồn tại mối quan hệ giữa phần thiện và phần ác, giữa đức và tài, giữa hay và dở, giữa tốt và xấu, hiền và dữ, v.v.. bao gồm cả tính người - mặt xã hội và tính bản năng - mặt sinh học của con người. Từ đó, Hồ Chí Minh đi đến nhận định rằng, con người dù “có thế này, thế khác”, nhưng “dù là xấu, tốt, văn minh hay dã man đều có tình”. Người phân tích, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong con người là vấn đề mang tính phổ biến. Nếu trong con người, cái thiện chiến thắng cái ác, thì cái thiện trong xã hội, cái thiện trên thế giới cũng có thêm sức mạnh để giành chiến thắng cái ác. Người viết: “Trong mình có hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng”, vì vậy, “phải đấu tranh để anh thiện thắng. Nếu anh thiện trong mình thắng thì phe thiện trong nước, ngoài nước sẽ mạnh”3. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, để xây dựng con người luôn “hướng thiện” và có điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, phải quan tâm đến việc tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp; phải chú trọng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng (giáo dục văn, trí, thể, mỹ; nhân sinh quan, thế giới quan); bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận, v.v.. Đây là một đóng góp lớn của Hồ Chí Minh (cả lý luận và thực tiễn) về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. 
3. Nhận thức giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện từ việc phát huy sức mạnh tư tưởng đến sức mạnh tinh thần của con người 
Theo Hồ Chí Minh, con người không chỉ là mục tiêu của sự phát triển xã hội, mà còn là chủ thể của lịch sử, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển lịch sử nhân loại. Bởi con người chính là sự kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần cao nhất, có khả năng lao động, sáng tạo và do vậy, là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Do đó, để xây dựng con người phát triển toàn diện, phải quan tâm trước hết đến mặt tư tưởng, đến sức mạnh tinh thần của con người đối với sự phát triển của xã hội và của chính bản thân con người.
Đối với sự phát triển của xã hội, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc hiện thực xã hội và con người Việt Nam, Hồ Chí Minh đã luận chứng một cách khoa học về vai trò động lực tinh thần trong con người; về tính năng động của yếu tố tinh thần trong sự phát triển của lịch sử. Sức mạnh tinh thần, theo Hồ Chí Minh, được hình thành từ khát vọng giành độc lập, tự do của cả dân tộc; truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm được hun đúc từ ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, sức mạnh tinh thần là nhân tố tạo nên ưu thế tuyệt đối so với kẻ thù. Đó là sức mạnh đoàn kết của tình đồng chí, đồng bào yêu thương chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; đó là tinh thần trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam với Tổ quốc: “Quốc gia hưng vong; thất phu hữu trách”4. Với tinh thần đó, các cá nhân phát huy hết năng lực sáng tạo phục vụ cho lợi ích của cộng đồng và xã hội. Từ việc nhận thức sâu sắc về sức mạnh tinh thần của con người, khi nói về động lực trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh nhận định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và tư tưởng xã hội chủ nghĩa”; “Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa”5. Theo đó, người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa là người luôn có ý thức gắn bó với nhân dân, yêu thương, kính trọng nhân dân và do đó được nhân dân yêu mến, quý trọng, được dân tin, dân phục, dân yêu. Đó cũng phải là những con người có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, tinh thần lao động siêng năng, cần cù, lao động với năng suất và chất lượng cao, tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Đó đồng thời phải là những con người có tinh thần tiết kiệm, biết tiết kiệm sức người, sức của, tiết kiệm thời gian cho đất nước và nhân dân. Thực tế cho thấy, với mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy những tiềm năng, phát huy sức mạnh sẵn có, làm nảy nở những cái mới, cái hay, cái đẹp của cả dân tộc, của mỗi con người trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Quan điểm coi trọng sức mạnh tinh thần của con người của Hồ Chí Minh đã được phát huy thành những phong trào toàn dân thi đua chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và tạo nên chỗ dựa vững chắc nhất trong lòng dân tộc. 
Đối với việc xây dựng con người phát triển toàn diện, sức mạnh tinh thần sẽ giúp cho con người, bằng chính năng lực của mình, tự đấu tranh để thoát khỏi mọi sự áp bức bất công, thoát khỏi mọi sự tha hóa để có thể trở về bản chất người tốt đẹp nhất. Trên quan điểm biện chứng, khi xem xét con người trong sự thống nhất của hai mặt đối lập: thiện và ác; hay và dở; tốt và xấu, Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh tinh thần thể hiện ở sự tự điều chỉnh của mỗi người, tự ý thức của mỗi cá nhân. Vì thế, nếu mỗi người luôn tự ý thức được hành vi của mình, “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước”, mà “nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân”6, thì sẽ “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”7. Để phát huy sức mạnh tinh thần trong mỗi con người, theo Hồ Chí Minh, mỗi người phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện của mình để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục; phải kiên trì rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như việc rửa mặt hàng ngày. Chỉ có như vậy, mỗi người mới có thể chủ động đấu tranh với cái xấu, cái ác trong bản thân mình để nâng mình lên trong mọi hoàn cảnh. Phát huy sức mạnh tư tưởng, sức mạnh tinh thần của con người - nhìn từ góc độ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện, có thể khẳng định, đây là một trong những vấn đề cơ bản, quan trọng, để từ đó vận dụng, phát triển, hình thành thang giá trị xây dựng con người mới Việt Nam trong bối cảnh mới.
4. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện - Nhìn từ quan điểm giải phóng triệt để con người nhằm bảo vệ quyền con người
Theo Hồ Chí Minh: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người - ba cuộc giải phóng này luôn gắn bó chặt chẽ với nhau và chỉ có như vậy, con người mới được giải phóng hoàn toàn. Từ cách nhìn biện chứng và nhận thức chính xác về hiện thực xã hội Việt Nam, (thời kỳ dưới ách cai trị của chính quyền thực dân, phong kiến), toàn bộ quyền của con người bị tước đoạt, do đó phải đặt mục tiêu giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Người nhận định, trong một thế giới còn tình trạng dân tộc này áp bức, bóc lột dân tộc khác, thì muốn giải phóng con người, trước hết phải giải phóng dân tộc; quyền của con người gắn liền và thể hiện trước hết ở quyền của dân tộc. Đây là quan điểm được Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”8. Người khẳng định, trong một thế giới còn tình trạng giai cấp này áp bức, bóc lột giai cấp khác, thì giải phóng con người còn là giải phóng giai cấp, là xây dựng một chế độ xã hội mà trong đó con người “sống với nhau có tình có nghĩa”. Sự nghiệp giải phóng con người chính là mang lại quyền lợi cho các giai cấp, tầng lớp, đặc biệt là giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp là những giai đoạn - trên hành trình giải phóng con người, bảo vệ quyền con người một cách triệt để nhất.  Về phương pháp giải phóng, Người luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình, không dùng vũ lực. Hồ Chí Minh luận giải, giải phóng con người còn là tạo điều kiện để con người có được đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao, là xây dựng một môi trường văn hóa - xã hội mà trong đó con người sống với nhau có tình có nghĩa; con người được phát triển toàn diện và toàn bộ các giá trị làm người được thỏa mãn. Đó cũng chính là các điều kiện để con người thụ hưởng các quyền của mình một cách hiệu quả nhất. Cụ thể, xây dựng con người phát triển toàn diện chỉ có thể thực hiện được một cách triệt để dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người phải tu dưỡng, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đối với thế hệ trẻ, phải tôi rèn trong các phong trào đấu tranh, để trở thành những con người vừa “hồng” lại vừa “chuyên”, thực sự là đội quân chủ lực trong công cuộc cách mạng, trở thành “những người thanh niên phát triển toàn diện”. 
Trên quan điểm đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục và tự giáo dục; coi trọng và mở rộng dân chủ nhằm nâng cao các giá trị làm người. Để phát huy nhân tố con người, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất, Người nói: “Không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”9. Bởi vì giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho con người. Giáo dục có vai trò tạo điều kiện, định hướng cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, đảng phái, chính kiến, giàu nghèo... Giáo dục là sự tác động có mục đích, có hệ thống, có tổ chức chặt chẽ, có “phác thảo trước” mô hình nhân cách cần đạt đến. Mặt khác, giáo dục truyền lại những thành tựu của nền văn minh xã hội theo con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Nhân cách con người được hoàn thiện bởi một nền giáo dục xã hội và tự giáo dục toàn diện sẽ trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”; vừa có phẩm chất, vừa có năng lực; có những công dân tốt, những cán bộ tốt, sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam mới; xây dựng con người phát triển toàn diện - chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng.
Để thực hiện sự nghiệp giải phóng con người triệt để, Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề xây dựng và mở rộng dân chủ, nâng cao các giá trị làm người. Bởi vì, dân chủ là một nhu cầu tất yếu của con người, nó thuộc bản chất người; không ai có quyền tước bỏ đi cái thuộc tính bản chất ấy, cái bản chất luôn muốn vươn tới sự tự do để khẳng định khả năng phát triển của con người. Xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, vốn là một nước thuộc địa phong kiến, trình độ dân trí thấp, trên cơ sở vận dụng phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh sớm nhận thức sự cần thiết phải thực hành dân chủ rộng rãi, để nhân dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, biết đấu tranh giành lấy tự do, hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng. Do đó, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng một chế độ dân chủ nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm, dân chủ không chỉ là vấn đề lợi ích, quyền lực và thể chế gắn với chế độ nhà nước, luật pháp mà còn là những giá trị làm người, giá trị thuộc về phẩm giá, nhân cách, tự trọng và tự chủ của con người. Đây cũng chính là những giá trị cốt lõi của quyền con người.  Hồ Chí Minh sớm thấy rõ sức mạnh của dân chủ - một vấn đề cốt yếu trong sự nghiệp giải phóng con người: giải phóng tư tưởng, giải phóng tinh thần..., từ đó phát huy được mọi khả năng sáng tạo, sáng kiến của nhân dân và tiềm năng xã hội, để tạo ra những nguồn lực dồi dào cho tiến bộ và phát triển. Bởi, nhân tố con người chỉ được khai thác và phát huy tối đa khi con người thực sự làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ chính mình. 
Tóm lại, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, việc nghiên cứu một cách khoa học về bản chất con người; về quy luật vận dộng, phát triển trong mối quan hệ của con người... là những nội dung rất quan trọng, để trên cơ sở đó vận dụng vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện - để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

PGS.TS. Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2023

-----

Tài liệu trích dẫn
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb.CTQG.H.2011, tr. 496.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 6, tr.130.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 8, tr.100.
(4) Nghĩa là: Nước nhà lúc hưng thịnh hay lúc suy vong, một người dân thường cũng phải có trách nhiệm lo lắng.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập12, tr.69.        
(6)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr. 400.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr. 672. 
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.5.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 10, tr. 345.