Tóm tắt: Giáo dục quyền con người trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân vừa có điểm chung, vừa có điểm đặc thù và vừa có những yếu tố tác động khác nhau đối với các cấp học, ngành học. Bài viết bàn về các yếu tố tác động đến giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”.
Từ khóa: Quyền con người, giáo dục quyền con người, giáo dục nghề nghiệp, yếu tố tác động.
 

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “ Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Triển khai thực hiện Hiến pháp, nhiều biện pháp được tiến hành đồng bộ, trong đó giáo dục quyền con người được tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng. Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện...”1. Điểm nổi bật trong bối cảnh đó là việc triển khai thực hiện Quyết định số 1309 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/9/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Như vậy, nội dung quyền con người sẽ được đưa vào giáo dục trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là nhiệm vụ mới, mang tính tổng thể mà việc thực hiện sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
1. Một số yếu tố khách quan
Một là, thực hiện nhiệm vụ của Đề án đưa quyền con người vào chương trình giáo dục nghề nghiệp và định hướng của Đảng
- Về mục tiêu chung: nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; có đạo đức, sức khỏe và trách nhiệm nghề nghiệp; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hành nghề ở các trình độ khác nhau tương ứng với trình độ đào tạo; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định: “ Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”2.
- Về nội dung giáo dục3
a) Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên: Nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân; Quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền con người trong học tập và đào tạo; Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; Các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền lao động.
b) Đối với học viên: Nội dung cơ bản của quyền lao động - việc làm, an sinh xã hội theo các công ước của ILO; các cơ chế bảo vệ quyền con người; các cơ chế hoạt động nghề nghiệp; phương pháp và chương trình hoạt động nghề; quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
Hai là, cơ sở pháp lý 
Ngoài Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, đào tạo được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện có bước phát triển rất đáng kể so với trước đây. Có thể nhận thấy toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật về QCN trong thời kỳ đổi mới đều xuất phát và đảm bảo theo nguyên tắc: con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Trong hầu hết các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, của từng địa phương đều cố gắng giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa cá nhân, tập thể, Nhà nước theo hướng ưu tiên đảm bảo các QCN đã được thể chế hóa thành pháp luật. Đến nay, các QCN đang được củng cố, mở rộng phù hợp với nhu cầu thực tế của công cuộc đổi mới và với pháp luật quốc tế về QCN. Gần đây, khi Việt Nam tham gia phê chuẩn thêm một số điều ước quốc tế về QCN, nhất là khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (UNHCR) vào năm 2013 thì rất nhiều chính sách, pháp luật trong nước được điều chỉnh theo định hướng đó. Nhờ vậy, thực tiễn đảm bảo QCN đã có những tiến bộ rất đáng kể so với thời kỳ trước. Trong các đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo đảm QCN trong giáo dục, đào tạo, lao động được ban hành, có thể kể đến như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019...
Ba là, yếu tố truyền nghề truyền thống
Truyền nghề truyền thống đào tạo những người làm các nghề cổ truyền  tại nhà hay cơ sở hành nghề của các nghệ nhân, tại các làng nghề hay các cơ sở dạy nghề, như  mộc, rèn, mây tre đan, chế tác đá, đồ gốm, nón, áo dài, thêu thùa, Đông y, nghệ thuật sân khấu truyền thống (cải lương, chèo, ca trù,...) và đào tạo cả những  nghề thủ công mỹ nghệ, dịch vụ hiện đại (tranh, tượng, đồ chơi trẻ em, may, cắt tóc, nấu ăn…) được quan tâm thúc đẩy. Tham gia giảng dạy là những nghệ nhân có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, truyền lại cho học trò những ngón nghề truyền thống gắn lý thuyết với thực hành có tính mẫu mực; từ đó phát triển, làm giàu, phát triển thêm di sản ngành nghề truyền thống.   
Truyền nghề thường mang tính chất “chân truyền”; nghĩa là do cái gốc đạo truyền lại công phu, thật tình. Khi theo học theo kiểu truyền nghề “chân truyền” thì học viên sẽ được học nghề trực tiếp từ vị “sư phụ” của mình. Đây là cách truyền nghề rất thuận theo bản tính tự nhiên của con người, vì trong tự nhiên mọi loài vật đều học săn mồi trực tiếp từ bố mẹ chúng chứ không phải từ những “giáo viên” mà bố mẹ chúng thuê mướn từ bên ngoài. Vì thế cộng đồng truyền nghề là một hệ sinh thái thuận theo tự nhiên, luôn đối xử và giáo dục nghề cho mọi học viên thuận theo bản tính tự nhiên của họ. 
Tuy vậy, trong truyền nghề có những nhân tố không thuận lợi, thậm chí cản trở giáo dục QCN trong giáo dục nghề nghiệp. Trước hết, trong cuộc sống, người Việt thường nặng ân tình khi bị đặt trong tình trạng phải lựa chọn giữa tình với lý. Thói quen đó có thể gây trở ngại cho tình cảm, hành vi theo kiểu bình đẳng, công bằng của con người trong một hoàn cảnh đòi hỏi cần có sự tỉnh táo và dứt khoát về quyền và nghĩa vụ. Hiện tượng không coi trọng vai trò của pháp luật trong quan hệ thực hành nghề cũng như trong việc sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền của bản thân người thợ và của người khác dẫn đến thói quen không coi trọng hoạt động xét xử trong đời sống xã hội; muốn duy trì thái quá cách ứng xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý”, “một câu nhịn, chín câu lành”… mà không phải trong trường hợp nào cũng đều có lợi cho việc tôn trọng, bảo vệ QCN của người thợ và quan hệ công dân trong thực hành nghề, đặc biệt giữa người truyền nghề và người học nghề trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Tuyên ngôn thế giới về QCN năm 1948 nhấn mạnh: “Quyền con người phải được bảo vệ bằng pháp quyền,...”.
Trong điều kiện lối sống của một số học viên học nghề vẫn còn chịu tác động của tâm thức đề cao tập thể, dựa vào sự trợ giúp của tập thể nên nhân tố truyền thống trong truyền nghề nói riêng và đưa giáo dục QCN vào giáo dục nghề nghiệp nói chung không thể tránh khỏi những hiệu ứng không tích cực; từ đó đòi hỏi phải nhận biết để có cách truyền nghề và giáo dục QCN trong giáo dục nghề nghiệp nói chung một cách phù hợp. 
Ngày nay trong các cơ sở dạy nghề nhiều khi được áp dụng ở quy mô khá lớn, có lồng ghép áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại. Giáo viên là các nghệ nhân, thợ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Kết thúc quá trình truyền nghề, cấy nghề, nhìn chung đa số lao động tìm đuợc việc làm với thu nhập ổn định. Nhân tố truyền nghề truyền thống ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế với sự cạnh tranh mạnh mẽ, để đáp ứng nhu cầu phải có đội ngũ nhân lực với tay nghề tinh xảo nhằm tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, nhân văn, phong phú về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. 
Bốn là, yếu tố hợp tác quốc tế 
Điều 47 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định về các hình thức hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: liên kết đào tạo; thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; bồi dưỡng, trao đổi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và người học; trao đổi thông tin phục vụ hoạt động đào tạo; cung ứng chương trình đào tạo; trao đổi các ấn phẩm, tài liệu và kết quả hoạt động đào tạo; tham gia các tổ chức giáo dục, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế; mở văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, có thể còn các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật.  
Trong những năm qua, hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp được mở rộng, phát triển với nhiều đối tác từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,... Chẳng hạn: Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) và KOICA Việt Nam hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội rà soát khoa học và thí điểm áp dụng dự thảo sửa đổi tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao và trung tâm xuất sắc về đào tạo nghề. Viện Khoa học GDNN (thuộc Tổng cục GDNN) trong những năm gần đây đã tiến hành hợp tác ba bên giữa Viện, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) và Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB). Kết quả là Báo cáo quốc gia về GDNN được ra mắt thường niên nhằm thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng thực tiễn trong lĩnh vực GDNN;  Việt Nam cùng với Campuchia, Lào, Brunei, Singapore, Indonesia, Thái Lan  hợp tác GDNN hướng tới phát triển bền vững trong các nước ASEAN; v.v..
Đặc biệt Chương trình hợp tác Việt - Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đã hợp tác chặt chẽ cùng Tổng cục GDNN nhằm góp phần đổi mới hệ thống và chính sách về GDNN; Chương trình cũng hỗ trợ các cuộc thi kỹ năng nghề và hỗ trợ Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới (WorldSkills). 
Như vậy, hợp tác quốc tế góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chú trọng kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN; đổi mới quản lý, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; v.v.. 
Với kết quả quan trọng là thông qua đó, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. Nguồn: TTXVN.


2. Một số yếu tố chủ quan
Một là, năng lực giáo dục quyền con người tại Việt Nam
Trong vài thập kỷ gần đây, hoạt động giáo dục QCN trong các nhà trường phổ thông đã được chú trọng hơn. Trong chương trình tiểu học, môn học Đạo đức đã có một số bài học nhằm hướng dẫn các em tôn trọng khách nước ngoài; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của người khác; tôn trọng phụ nữ... Đặc biệt, môn Giáo dục công dân của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã trang bị một số nguyên tắc cơ bản và nghĩa vụ tôn trọng các QCN, quyền công dân thông qua các nhóm kiến thức về quyền trẻ em; quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, nhất là quyền và nghĩa vụ học tập và một số quyền trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.  
Tính đến cuối năm 2017 ở nước ta có 36 cơ sở đào tạo cử nhân luật. Trong số này, ngoại trừ hai cơ sở là Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Luật trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội có một môn học riêng về QCN, ở các cơ sở khác, sinh viên hiện mới được nghiên cứu các nội dung về QCN lồng ghép trong chương trình học của một số ngành luật có liên quan, mà chủ yếu là Luật quốc tế, Luật hiến pháp Việt Nam, Luật hiến pháp nước ngoài, v.v.. 
Giáo dục QCN trong các trường đại học ở Việt Nam hướng tới hai mục tiêu là: (i) Đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực QCN phục vụ công tác bảo vệ, thúc đẩy QCN trong các trường đại học chuyên ngành Luật; (ii) Giáo dục về QCN cho sinh viên các trường đại học để phục vụ trong các lĩnh vực khác nhau dựa trên cơ sở tôn trọng QCN. Trên cơ sở mục tiêu đào tạo của mình, các trường đại học tiến hành giáo dục QCN với mức độ, nội dung, phương pháp khác nhau.
Các cơ sở giáo dục đào tạo khác gồm các Học viện chính trị (Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) Học viện Hành chính, Học viện Thanh - Thiếu niên, trường Đại học Công đoàn và các trường đào tạo cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội là nơi đào tạo các cán bộ trung, cao cấp và cán bộ dự nguồn cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Họ là những người đã, đang và sẽ trực tiếp tham gia hoạch định, chỉ đạo và giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, mà nền tảng đều liên quan đến QCN. Mỗi quyết định của họ đưa ra liên quan đến việc đem đến cho người dân cơ hội được hưởng thụ QCN, QCD nhưng cũng có thể xâm phạm đến những quyền cơ bản mà người dân đáng được hưởng. Chính vì vậy, họ cần phải được giáo dục QCN một cách nghiêm túc, bài bản để góp phần bảo đảm, thúc đẩy quyền con người nói chung và giáo dục quyền con người nói riêng.
Hiện nay, trên cơ sở kết quả giáo dục, đào tạo QCN tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước, trước hết tại Viện Quyền con người thuộc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam và các trường đại học luật tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội... cũng như kết quả hợp tác quốc tế, ví dụ với Ủy ban Quyền con người Australia trong năm 2019,  năng lực giáo dục quyền con người ở Việt Nam từng bước được nâng lên.

Hai là, năng lực giáo dục QCN tại các chủ thể có nghĩa vụ giáo dục nghề nghiệp 
Hiện nay ở mức độ nhất định, việc lồng ghép giáo dục QCN tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung vào các môn: pháp luật, chính trị và quốc phòng - an ninh.
- Lồng ghép giáo dục QCN trong môn pháp luật
Trang bị kiến thức cơ bản, cần thiết về pháp luật, nhất là về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cho người thợ, đáp ứng được đòi hỏi về quan hệ và chất lượng lao động trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Qua đó, học viên nhận biết được tầm quan trọng của pháp luật trong quan hệ công dân của người thợ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Theo đó các cơ sở GDNN được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn kỹ năng nghề, chuẩn đầu ra cho từng nghề. Vì thế, trong quá trình đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn tại trường, ngoài việc giảng dạy môn học pháp luật là môn học chung, bắt buộc theo quy định của Tổng cục GDNN, nhiều cơ sở đào tạo đã đưa thêm các môn luật chuyên ngành vào giảng dạy. Chẳng hạn một số cơ sở đào tạo chuyên ngành Kế toán đã đưa môn luật Kế toán vào giảng dạy; cơ sở đào tạo ngành khách sạn, nhà hàng đưa môn Luật An toàn phẩm vào giảng dạy;... Thông qua đó, học viên nắm bắt và hiểu biết về quan hệ pháp lý chuyên sâu hơn theo chuyên môn hẹp của mình.
- Lồng ghép giáo dục QCN trong môn Chính trị
Góp phần giáo dục phẩm chất, năng lực về đạo đức, chính trị - pháp lý của học viên xoay quanh các mối quan hệ quyền lợi và trách nhiệm nghề nghiệp của mỗi người với công việc của bản thân, với người khác, với cộng đồng (doanh nghiệp, tổ chức xã hội), trên cơ sở kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, chế độ chính trị - xã hội và quan hệ toàn cầu với tính cách là một phẩm chất cốt lõi góp phần tạo nên năng lực tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền lợi thiết thân của người thợ; đồng thời tạo cơ hội để học viên được trải nghiệm thực hành vận dụng tư duy, hiểu biết về quan hệ công dân trong thể chế nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam vào thực tiễn bảo đảm quyền của mình và của người khác trong cuộc sống người thợ.
- Lồng ghép giáo dục QCN trong môn Quốc phòng - an ninh
Góp phần bồi dưỡng cho học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực  đặc thù về quốc phòng, an ninh; hiểu được vai trò và những vận dụng của kiến thức về quốc phòng, an ninh trong thực tiễn những ngành nghề có liên quan đến kiến thức về quốc phòng, an ninh để học viên có cơ sở định hướng nghề nghiệp cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu, nắm bắt, tôn trọng, bảo vệ và có thể thực hành ở mức độ nhất định quyền, nghĩa vụ phòng thủ dân sự, bảo vệ Tổ quốc cũng như các quyền, bổn phận của người thợ, biết tôn trọng, bảo vệ quyền của người khác phù hợp với Luật Việc làm năm 2013 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. 
 

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2021

-----

Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Luật Việc làm, luật số: 38/2013/QH13, năm 2013.  
2. Quốc hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp, luật số: 74/2014/QH13, năm 2014.
3. Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng hợp “Nghiên cứu nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục phổ thông”, Hà Nội, 2019.
4. Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng hợp “Nghiên cứu Đề án đưa nội dung nhân quyền vào chương trình giáo dục của các tổ chức chính trị, xã hội và hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay”, Hà Nội, 2017.