Dựa theo tiêu chuẩn quyền con người vốn là giá trị quý giá nhất của chung nhân loại – qua đó có thể đánh giá trình độ phát triển của mỗi dân tộc, bộ Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) được coi như bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt mà vị vua thứ tư của triều đại Hậu Lê (1428-1789) là Lê Thánh Tông (1442-1497, trị vì từ 1460-1497) đã dày công tổng hợp, là một bộ pháp điển các quy định trong các văn bản pháp luật và những phép tắc ứng xử trong dân gian lúc bấy giờ.

Bộ Quốc Triều hình luật đã đề cập đến những khía cạnh của quyền con người. Nguồn: www.nxbctqg.org.vn.

Bộ Quốc Triều hình luật đã đề cập đến những khía cạnh của quyền con người, đặc biệt chỉ xét đối với quyền của người phụ nữ đã có rất nhiều những quy định tiệm cận với giá trị thời đại. Sau đó, nhà Nguyễn đã tiếp tục kế thừa, phát triển bộ luật ấy thông qua Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) – bộ luật cơ bản của triều Nguyễn do vua Gia Long, vị vua khai sáng triều Nguyễn quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thực hiện và ban hành năm 1815. Cả hai bộ luật được đều được đánh giá cao trong việc bảo đảm quyền của người phụ nữ trong xã hội.

Giáo sư Alexander Barton Woodside phụ trách môn lịch sử Việt Nam tại Đại học Hardvard, đã nhận định: “Sự khoan dung này của người Việt thậm chí ủng hộ các quyền tài sản và các quyền thừa kế của người phụ nữ, là độc nhất vô nhị trong lịch sử nền văn minh cổ điển ở Đông Á. Ít có sự nhân nhượng theo bất kỳ hình thức nào trong các bộ luật truyền thống của Nhật Bản, Triều Tiên hay Trung Hoa”[1].

Bộ luật Hồng Đức đã được dịch sang tiếng Anh, trong khuôn khổ của Chương trình nghiên cứu luật Á Đông (East Asian Legal Studies Program) của Trường Đại học Hardvard. Giáo sư Oliver Oldman, chủ nhiệm Khoa Luật Á Đông của Trường Đại học Hardvard đã đánh giá: “Chúng ta cũng thấy trong nhiều thế kỷ qua, sự cố gắng của nước Việt Nam thời Lê, một sự nỗ lực thường xuyên đối với việc xây dựng một nhà nước dân tộc mạnh à sự bảo hộ cho những quyền tư hữu hợp pháp bởi hệ thống luật pháp tiến bộ với nhiều sự tương đương về chức năng so với những quan niệm phương Tây hiện đại”[2].

Dựa trên những cơ sở được ẩn chứa trong văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc Việt Nam, phẩm giá của người phụ nũ trong pháp luật phong kiến được nhìn từ khía cạnh của giá trị bình đẳng, thể hiện ở một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, bình đẳng trong sở hữu tài sản

Luật Hồng đức đã ghi nhận sự bình đẳng tương đối về tài sản giữa người vợ và chồng trong khối tài sản chung.

+ Vợ có quyền có tài sản riêng:

Điều 376 - Quốc Triều hình luật về việc chia tài sản khi người vợ chết trước (điền sản của vợ chia làm ba phần: chồng hai phần, người thừa tự một phần). Vợ chồng có con, nếu aị chết trước mà sau đó con lại chết thì điền sản thuộc chồng hay Neu người trưởng họ chia không đúng phép thì phạt 60 rai, biếm một tư và mất phần được chia (Đúng phép là điện sản của vợ chia làm 5, để chồng 2 phần, cho người như tự một phần. Cha mẹ còn sống thì chia làm hai, 1 phần thuộc cha mẹ, một phần thuộc chồng. Phần của chồng chủ để nuôi mình một đời, không được lấy làm của riêng. Chồng chết thì phần ấy thuộc về cha mẹ hay người thừa tự. Chồng chết trước thì vợ cũng thế, cải giá thì buộc phải trả lại).

Quy định này có thể xem như một một bước đột phá trong truyền thống pháp luật phong kiến nơi phụ nữ vốn “vô sản” thậm chí bản thân còn bị coi là "tài sản" của chồng,

Thứ hai, bình đẳng trong quan hệ hôn nhân, gia đình

Trong những tiến bộ của BLHĐ về quyền lợi của người phụ nữ, thì vấn đề về hôn nhân gia đình được thể hiện rõ ràng nhất.

Quy định về độ tuổi kết hôn:

Quy định về tuổi kết hôn là một nét đặc sắc, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của nhà làm luật thời Lê, Điều mà pháp luật Trung Hoa chưa từng đề cập đến. Theo Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức năm thứ 28 quy định “Con trai từ 18 tuổi trở lên và con gái từ 16 tuổi trở lên mới được kết hôn”. Việc quy định về độ tuổi kết hôn như vậy phù hợp với thực trạng xã hội đương đại; tránh nạn tảo hôn (xóa bỏ quan niệm lạc hậu “nữ thập tam, nam thập lục”), vừa đảm bảo về mặt sức khỏe sinh sản và duy trì nòi giống để bảo đảm nguồn cung sức lao động cho nền kinh tế nông nghiệp thủ công.

Thủ tục kết hôn:

Người phụ nữ có quyền từ hôn trong trường hợp người con trai có ác tật hay phạm tội, hoặc chơi bời lêu lổng, phá gia sản trong trường hợp chưa làm lễ cưới. Điều 322: “Con gái hứa gả nhưng chưa làm lễ cưới, nếu người con trai có ác tật hay phạm tội, hoặc chơi bời lêu lổng, phá gia sản thì người con gái được phép báo lên quan ti mà trả đồ lễ cưới… Ai trái luật này thì đánh 80 trượng.”

Đây là một điều khoản cho thấy sự tiến bộ của các nhà làm luật lúc bấy giờ khi cho người phụ nữ quyền từ chối kết hôn nếu như họ cảm thấy anh ta có nhân cách không tốt. Một trong những Điều luật rất tiến bộ mà chúng ta chưa từng thấy ở Việt Nam trước đó. Bên cạnh đó, Điều 315 quy định: “…nếu nhà trai đã có sính lễ rồi mà không lấy nữa, thì phải bị phạt 80 trượng và mất đố sính lễ”.

Như vậy, có thể thấy các quy định này thể hiện sự bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân.

- Quyền ly hôn:

Nếu trong một số triều đại trước người phụ nữ được coi là phải “tam tòng tứ đức”, phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng thì tại Bộ luật này đã cho phép người phụ nữ được quyền ly hôn chồng mình và hạn chế một số trường hợp người chồng không được bỏ vợ. Cụ thể như sau:

+ Trường hợp người vợ có quyền xin ly hôn chồng, nếu người chồng có những biểu hiện sau:

Thứ nhất: Vi phạm nghĩa vụ đồng cư. Nghĩa là người chồng bỏ vợ, không chăm sóc gia đình, con cái, không có trách nhiệm trong cuộc sống thì người vợ có quyền xin ly dị. Điều 308 BLHĐ quy định: "Người chồng không lui tới với vợ suốt 5 tháng; nếu đã có con thì thời hạn này là một năm mà không có lý do chính đáng thì trình quan sẽ cho ly dị”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Bởi vì không có lý do chính đáng, không biết sống chết thế nào mà người chồng bỏ vợ một thời gian dài; thậm chí người vợ phạm vào thất xuất, song ở vào trường hợp tam bất khứ cũng không được bỏ lửng bởi dễ khiến người vợ và con cái lâm vô cảnh khốn cùng.

Ngoài ra, theo Đoạn 163 Hồng Đức thiện chính thư còn quy định nếu tìm được người chồng thì phạt 80 trượng, bắt đoàn tụ gia đình. Các quy định này cũng trở thành cơ sở để người chồng phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với vợ, với gia đình.

Điều 308 BLHĐ là quy định nổi bật phản ánh tính sáng tạo của nhà làm luật nhằm duy trì trật tự ổn định trong gia đình. Nếu vợ đem đơn đến công đường thì bộ luật cho phép cưỡng bức ly hôn. Nghĩa là, người chồng không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không buộc phải làm tròn bổn phận của mình. Quy định này không có trong bất kỳ bộ luật nào của Trung Quốc cũng như các văn bản cổ luật trước hay sau triều Lê. Ngay cả khi luật bắt buộc người chồng phải bỏ vợ ngoài ý muốn chủ quan, Điều 310 quy định "Vợ, nàng dâu đã phạm vào Điều "thất xuất" mà người chồng ẩn nhẫn không bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ".

Thứ hai: Vô lễ với cha mẹ vợ. Điều 333 BLHĐ quy định: “con rể mắng nhiếc cha mẹ vợ bởi chuyện phi lý, thưa lên quan sẽ cho ly dị”. Theo quy định về tang chế thì con rể để tang bố mẹ vợ là 5 tháng. Do vậy hành vi mắng nhiếc, chửi mắng cha mẹ vợ bị xem là bất hiếu, trái với quan điểm Nho giáo.

Ngoài ra, trường hợp thuận tình ly hôn: Đoạn 167 Hồng Đức thiện chính thư quy định: "Hai vợ chồng bất hòa thuận nguyện xin ly dị, thì tờ ly hôn phải được viết bằng tay ký. Tờ này phải được lập thành hai bản, vợ chồng mỗi người mỗi bản rồi mỗi người tự phân chia một nơi. Người chồng ký tên và người vợ điểm chỉ. Vợ chồng có thể nhờ người trong họ viết thay cũng được. Song dùng hình thức ly hôn khác như: bẻ đồng tiền, chiếc đũa hay nhờ người ngoài viết hộ thì tờ giấy ly dị đó không hợp pháp, vợ chồng phải đoàn tụ lại”. Theo điều luật này, cơ sở để vợ, chồng thuận tình ly hôn là có sự bất hòa trong đời sống vợ chồng và cả hai tự nguyện thỏa thuận, đồng tình ly hôn. Tờ giấy thuận tình ly hôn là bản cam kết của hai bên, họ muốn trả tự do lại cho nhau chỉ vì sự xung khắc, hay mối bất hòa nào đó dẫn đến cuộc sống hôn nhân bị bế tắc. Trong thực tế, tờ giấy này thường do người chồng lập ra rồi giao cho vợ để người vợ làm bằng chứng chứng minh đang trong tình trạng không có chồng để được tái hôn. Một trong những vấn đề mà sau khi ly hôn hay thuận tình chấm dứt hôn nhân được các bên quan tâm là việc nuôi con chung và chia tài sản chung. Tuy nhiên cho đến nay, các tài liệu hiện còn không thể hiện những vấn đề này.

Nếu người vợ có một trong ba căn cứ sau (gọi là tam bất khứ) thì người chồng không được bỏ vợ (đoạn 165 Hồng Đức thiện chính thư)

Giữ canh tam niên tang: đã để tang cha mẹ chồng được ba năm.

- Tiền bần tiện, hậu phú quý: lúc lấy nhau nghèo hèn, về sau giàu có.

- Hữu sở thú, vô sở quy: lúc lấy nhau người vợ còn cha mẹ, lúc bỏ nhau

Trong trường hợp, đã chấm dứt hoàn toàn quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luậtngăn cấm.

- Quan hệ gia đình giữa vợ và chồng

Về quan hệ gia đình, giữa vợ và chồng là một mối quan hệ nhân thân. Người vợ có nghĩa vụ để tang chồng, nghĩa vụ phục tùng nhà chồng. Nhưng không đồng nghĩa là khi có chồng người vợ bị tước đoạt mọi quyền cá nhân. Dù người đàn ông – người chồng là người chủ gia trưởng trong gia đình nhưng không bao hàm sự đối xử tàn tệ, bạo hành trong gia đình. Điều 482 Bộ luật Hồng Đức quy định: “chồng đánh vợ bị thương hay chết cũng bị tội như đánh người khác hay chết nhưng được giảm ba bậc. Nếu cố ý đánh chết chỉ được giảm một bậc.”

- Quan hệ tài sản:

+ Quan hệ về sở hữu tài sản trong hôn nhân:

Quan hệ sở hữu tài sản gia đình trong Lê triều hình luật được phản ánh rất chi tiết qua ba Điều 374: “Chồng có con với vợ trước, không có con với vợ sau, vợ có con với chồng trước, không có con với chồng sau, những chồng chết trước không có chúc thư thì điền sản thuộc về con vợ trước, hay con chồng trước. Nếu vợ sau, chồng sau không chia đứng phép thì phạt 60 roi, biếm một tư” (Đúng phép là vợ trước có một đứa con, vợ sau không con thì điền sản chia 3, cho con vợ trước 2 phần, vợ sau một phần. Nếu vợ trước có 2 con trở lên thì phần của vợ sau, giống phần của các con.

Phần của vợ sau là để nuôi mình một đời thôi, không được lấy làm của riêng. Nếu vợ sau chết hay lấy chồng khác thì phần đó trả về con chồng. Vợ chết trước thì chồng cũng theo lệ ấy, dù lấy vợ khác điền sản đó vẫn còn. Nếu điền sản do vợ và chồng cũng làm ra thì chia 2 phần. Vợ trước và chồng mỗi người một phần. Phần của chồng thì chia ra như trước, còn phần của vợ sau thì được lấy lầm của riêng. Vợ chết trước thì chồng cũng làm như thế). Cha mẹ còn sống thì phải xử khác.”

Điều 375:

Vợ chồng không có con, cử chức trước không có chức thư thì điền sản thuộc chồng hay vợ lại để lo sẽ th nếu làm không đúng phép thì phạt 50 roi, biếm một khi Người trong họ (người được thừa tự) không còn quyền giám hộ điền sẵn tế tự ấy.

Điều 376:

Vợ chồng có con, nếu aị chết trước mà sau đó con lại chết thì điền sản thuộc chồng hay Neu người trưởng họ chia không đúng phép thì phạt 60 rai, biếm một tư và mất phần được chia (Đúng phép là điện sản của vợ chia làm 5, để chồng 2 phần, cho người như tự một phần. Cha mẹ còn sống thì chia làm hai, 1 phần thuộc cha mẹ, một phần thuộc chồng. Phần của chồng chủ để nuôi mình một đời, không được lấy làm của riêng. Chồng chết thì phần ấy thuộc về cha mẹ hay người thừa tự. Chồng chết trước thì vợ cũng thế, cải giá thì buộc phải trả lại).

Ba điều luật này quy định mối quan hệ trong việc sở hữu tài sản của vợ và chồng sau khi ly hôn, khi một trong hai người (vợ hoặc chồng) qua đời. Theo luật thì khi vợ chồng còn sống chung thì tất cả tài sản đều là của chung, khi ly hôn thì phần tài sản của riêng ai thì được nhận lại và tài sản chung thì chia đôi. Theo ba điều luật này thì khi vợ hay chồng chết đi mà không có con thì phần tài sản được thừa kế của hai người và phần tài sản chung sẽ được chia như sau: Khi chồng chết trước (hay vợ chết trước) thì phần tài sản do bố mẹ dành cho được chia làm hai phần bằng nhau. Một phần dành cho gia đình bên vợ hay chồng người vừa chết để lo việc tế lễ (bố mẹ bên vợ/chồng hoặc người thừa tự bên vợ/chồng). Phần còn lại dành cho vợ hoặc chồng để phụng dưỡng một đời (nhưng không có quyền sở hữu). Khi người vợ hay chồng này chết đi thì phần tài sản này giao lại cho gia đình bên chồng. Đối với tài sản do hai người tạo ra cũng chia làm hai phần bằng nhau: một phần dành cho vợ hoặc chồng làm của riêng, phần còn lại được chia như sau: 1/3 dành cho gia đình nhà chồng hoặc vợ để lo việc tế lễ; 2/3 dành cho vợ hoặc chồng để phụng dưỡng một đời, không được làm của riêng, khi chết giao lại cho gia đình bên chồng. Qua các điều luật trên đã cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình truyền thống. Thực tế cho thấy rằng trong xã hội truyền thống, tất cả các hoạt động kinh tế của gia đình đều có sự đóng góp ít hay nhiều của chính người phụ nữ. Tục ngữ Việt Nam vẫn thường có câu “của chồng công vợ” như là một sự ghi nhận cho những đóng góp này của người phụ nữ và ở đây sự công nhận đó đã được chính luật pháp quy định. Trong gia đình, tất cả những tài sản mà người vợ hay chồng được thừa kế riêng thì nó vẫn được phân chia rõ ràng quyền sở hữu của vợ hay chồng đối với những tài sản đó mặc dù nó được đặt dưới sự quản lý chung của hai vợ chồng. Không ai được quyền chiếm dụng những tài sản này và theo đó nếu như ly hôn thì mỗi người có thể mang đi những tài sản của người đó. Về quyền làm chủ tài sản thì có một quy định là người chồng không có quyền thừa kế tài sản của của vợ nếu như người vợ ấy mất đi mà không có con.

Người chồng chỉ được thừa kế một nửa tài sản và khi anh ta chết đi thì phần tài sản này sẽ chuyển sang cho gia đình người vợ.

Thứ ba, bình đẳng trong quan hệ lao động

Người vợ, trên lý thuyết, bị đòi hỏi phải lệ thuộc vào chồng và không được làm điều gì nếu không có sự chỉ đạo hay đồng ý của chồng. Nhưng trên thực tế, địa vị của người vợ - chồng thay đổi nhiều tùy thuộc theo vị trí xã hội và kinh tế của họ. Cũng giống như chồng, người phụ nữ Việt Nam xưa có tài sản riêng và tham gia các hoạt động kinh tế. Đó là điều khác biệt với người phụ nữ Trung Quốc. Trong lao động, người phụ nữ được trả công ngang bằng với người thợ nam, "không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà” – Điều 23 trong "Quốc triều hình luât" quy định tiền công nhật cho nô tỳ là 30 đồng. Việc trả công ngang bằng như thế rõ ràng cho thấy lao động của phụ nữ được đánh giá cao và vị trí của người phụ nữ được tôn trọng trong xã hội.

Thứ tư, bình đẳng trong thừa kế

Pháp luật phong kiến rất coi trọng việc giao tài sản cho con trai, cháu trai để thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên và duy trì nòi giống gia đình nhưng pháp luật vẫn thừa nhận quyền thừa kế của con gái mà không phân biệt là con gái đã đi lấy chồng hay chưa.

Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, BLHĐ không phân biệt con trai – con gái. Tại Điều 388 quy định: “Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con”; "người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng" (Điều 391); "Ruộng hương hỏa giao cho con trai, cháu trai, nếu không có thì giao cho cháu gái ngành trưởng".

Tóm lại, trong những tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, việc bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của người phụ nữ là nét nổi bật quan trọng, không những đặt trong quan hệ với nam giới mà con trong sự tương quan với những vùng văn hóa cùng khu vực.  Điều đó được xem xét trong tổng thể các khía cạnh từ gia đình đến ngoài xã hội, từ trong sinh hoạt dân gian đến trong những hoạt động mang tính quản lý, từ trong những tín ngưỡng dân gian cho đến những văn bản pháp luật kéo dài cả thời phong kiến. Đây chính là căn cứ, là cơ sở quan trọng, đồng thời là xuất phát điểm của Việt Nam trong xu hướng bình đẳng giới hiện nay trên toàn thế giới.

TS. Nguyễn Thế Anh

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Alexander Barton Woodsie, Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa, Ngô Thị Mai Diên, Phan Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Lê, Nguyễn Thị Minh Trung (dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2022, tr 81-82

[2] Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài, Trần Văn Liêm, The Lê Code: Law in traditional Vietnam, Volume 1, Ohio University Press, Athén, Ohion London, 1987, tr.VIII