Quyền con người là là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ về quyền con người. Ngay cả trong lĩnh vực thi hành án phạt tù, phạm nhân cũng luôn được Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp; được công nhận, và thụ hưởng các chế độ của Nhà nước từ ăn, mặc, ở, học tập, lao động, sinh hoạt... phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế.

1. Khái quát chung về bảo đảm quyền con người của phạm nhân chấp hành án phạt tù theo pháp luật Việt Nam

Quyền con người (tiếng Anh: Human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc (LHQ), quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người[1].

Quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng của cả nhân loại, được ghi trong Hiến chương LHQ, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng quốc gia dân tộc. Tính phổ biến và tính đặc thù đó không tách rời nhau, luôn bổ sung cho nhau để tồn tại, phát triển.

Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ về quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Ngay từ những ngày đầu gia nhập LHQ(năm 1977), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người của LHQ. Vào những năm 1981, 1982 và 1983 Việt Nam đã gia nhập 7 công ước quốc tế về quyền con người, bao gồm: Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác A-pac-thai; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về các kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với Tội phạm chiến tranh và Tội phạm chống lại nhân loại; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW).

Tính đến nay (2023), Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, chúng ta đều cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Điều này là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách Nhà nước Việt Nam, đó là “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”[2].

Điều 14, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[3].

Quyền con người ở Việt Nam cũng được thể hiện cụ thể, sâu sắc trong công tác thi hành án phạt tù. Việc bảo đảm quyền con người đối với phạm nhân đang chấp hành án ở các trại giam được Nhà nước quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, phù hợp Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt nam đã tham gia ký kết.. Quyền con người của phạm nhân đã được luật hóa trong quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, đây là văn bản pháp lý cốt lõi điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thi hành án phạt tù, đồng thời phản ánh đầy đủ, cụ thể quyền và lợi ích của phạm nhân, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn của Nhà nước Việt Nam.

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được ban hành trên cơ sở tổng kết các thành tựu đạt được qua trên 69 năm thực hiện công tác thi hành án phạt tù ở nước ta, đồng thời tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này. Những quy định của Luật đã thể hiện tinh thần của quy tắc, tiêu chuẩn của quốc tế về thi hành án phạt tù. Tại Điều 27, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định về quyền của phạm nhân cụ thể về quyền và lợi ích hợp pháp mà phạm nhân được thụ hưởng trong thời gian chấp hành án tại các trại giam, cụ thể: “Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án; Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; Được lao động, học tập, học nghề; Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;  Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án”[4]. Đây là những quyền cơ bản, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của luật pháp quốc tế, thể hiện đúng đắn chủ trương, đường lối của Nhà nước đối với người lầm lỗi, tạo cơ hội cho họ được học tập, khắc phục lỗi lầm, làm lại cuộc đời, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của thi hành án phạt tù, thể hiện về một Việt Nam nhân văn trong mắt bạn bè quốc tế, một Việt Nam đầy trách nhiệm với các quy định luật pháp quốc tế đã được ký kết, một Việt Nam tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong tất cả các mặt đời sống xã hội.

2. Thực tiễn bảo đảm quyền con người của phạm nhân trong thi hành án phạt tù ở Việt Nam

Bảo đảm quyền con người gắn với quyền và lợi ích của phạm nhân thể hiện rất cụ thể qua thực hiện chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân. Phạm nhân chấp hành án tại các trại giam được đối xử công bằng, nhân văn, đúng quy định của pháp luật về tất cả các chế độ chính sách, được chăm lo về đời sống vật chất, đảm bảo về tinh thần, được thực hiện các quyền và lợi ích hợp hợp theo quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để phạm nhân an tâm cải tạo, nhận rõ lỗi lầm, sớm nhận được sự khoan hồng trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức thực hiện thi hành án phạt tù tại các trại giam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, đảm bảo an toàn ở các trại giam, góp phần giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, gắn thực hiện chính sách đối với đảm bảo quyền con người, bảo đảm an ninh con người.

Phạm nhân tham gia trồng chè. Nguồn: vovworld.vn

Các trại giam tổ chức các hoạt động giáo dục phạm nhân với nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, hình thức giáo dục đa dạng, phong phú, gắn liền với đời sống hằng ngày của phạm nhân, dần dần hình thành lối sống tích cực, xa dần và xoá bỏ đi các thói quen xấu, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trong thời gian phạm nhân chấp hành án tại các trại giam. Chế độ chính sách đối với phạm nhân luôn được các trại giam quan tâm thực hiện đúng, đủ, đảm bảo đối với phạm nhân, chế độ ăn, mặc, ở, học tập, lao động, sinh hoạt, thăm gặp, chăm sóc sức khoẻ, giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện luôn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tạo được niềm tin đối với phạm nhân, phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo, tích cực học tập, lao động để sớm được trở về với gia đình và xã hội, cụ thể:

Chế độ ăn, mặc, ở phạm nhân được quy định cụ thể trong Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 Quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, ngoài những quy định của pháp luật các trại giam còn cải thiện thêm chế độ phạm nhân thông qua sản phẩm từ kết quả lao động, tăng thêm khẩu phần ăn, đảm bảo dinh dưỡng, chế độ đủ đầy cho phạm nhân. Các trại giam đang được đầu tư xây dựng theo mô hình mới, hiện đại, vệ sinh sạch sẽ, theo tiêu chuẩn nằm tối thiểu 2m2 đối với mỗi phạm nhân. Các trại giam chú trọng đến công tác bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Chế độ chăn sóc sức khoẻ cho phạm nhân luôn đảm bảo, 100% các phân trại giam đều có phòng y tế, có đủ cơ số thuốc, có bác sỹ, y sỹ khám, chữa bệnh cho phạm nhân. 100% phân trại giam đều có thư viện với số lượng sách, báo phong phú. Phạm nhân theo tôn giáo, tín ngưỡng được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo[5].

Chế độ thăm gặp của phạm nhân luôn được tạo điều kiện thuận lợi, các trại giam đơn giản hoá thủ tục thăm gặp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nguyện vọng của phạm nhân. 100% các trại giam đều bố trí nhà thăm gặp theo tiêu chuẩn ở các phân trại giam. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến năm 2022 đã có 4.791.877 lượt phạm nhân được tổ chức thăm gặp 01 giờ; 280.757 lượt phạm nhân được thăm gặp trên 01 giờ; 48.495 phạm nhân được thăm gặp tại phòng riêng; hơn 5 triệu phạm nhân được nhận quà từ gia đình; 6.139.729 phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại với người thân. Từ năm 2011 đến năm 2022 đã có 695.148 phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trong 03 năm thực hiện Đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện (2018 – 2021), đã có 5.333 phạm nhân được hưởng chế độ nhân văn này. Từ năm 2009 đến năm 2022, Chủ tịch nước đã 09 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân và 1132 người được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, ân xá cho nhiều phạm nhân bị kết án tử hình xuống thi hành án phạt tù chung thân, mở ra con đường hoàn lương cho các phạm nhân[6].

Những kết quả đó đã tác động ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của tập thể phạm nhân chấp hành án ở trại giam, giúp phạm nhân có động lực, niềm tin và ý chí phấn đấu, vượt qua những khó khăn trong thời gian chấp hành án ở trại giam, để an tâm cải tạo. Những chính sách đúng đắn, hợp tình người, đầy nhân văn có tác dụng lớn trong việc giáo dục, thuyết phục phạm nhân, tác động đến suy nghĩ và hành động của các phạm nhân, từ tâm lý tiêu cực, buồn chán, thậm chí chống đối, vi phạm nội quy của những ngày đầu mới vào trại giam đã được thay bằng suy nghĩ tích cực, hành động tự nguyện tự giác, cố gắng phấn đấu học tập, thực hiện tốt nội quy, quy định ở trại giam. Những phạm nhân trước khi vào trại giam lười lao động, ỷ lại, thì nay là những lao động tự giác, lao động tích cực, yêu thích lao động, những phạm nhân khi mới vào trại giam với trạng thái tâm lý chán nản, kéo theo sự suy sụp tinh thần, ăn uống sinh hoạt thất thường, thì nay đã có lối sinh hoạt lành mạnh, thực hiện lối sống tích cực, tự chuyển hoá về suy nghĩ, thái độ, hành động[7].

Công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam thuộc Bộ Công an trong thời gian qua đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam về tình yêu thương con người, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người lầm lỗi được hoàn lương, được làm lại cuộc đời, gắn với bảo đảm an ninh con người, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của phạm nhân trong quá trình chấp hành án tại các trại giam.

Công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam đã được phương tiện truyền thông truyền tải đến với nhân dân trong và ngoài nước, đến bạn bè quốc tế qua các chuyên mục như “Chân dung và cuộc sống” trên VTV4, “nhận diện sự thật” trên VOV1, “Góc nhìn sự thật” trên ANTV và VTV1, “nhân quyền và cuộc sống” trên Tạp chí Xây dựng Đảng… Ngoài ra, các đơn vị trại giam phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tại nơi đóng quân, cơ quan đoàn thể Trung ương tổ chức các chương trình có ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng, xúc động như: “Niềm tin và sự hướng thiện”, tổ chức cuộc thi “viết thư xin lỗi” trong toàn thể các phạm nhân… đã giúp quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế thêm hiểu, có cái nhìn đúng đắn, khách quan, toàn diện về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, thấy được giá trị nhân văn trong các mặt công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam.

Có thể thấy, các trại giam đã vận dụng và áp dụng đúng đắn đường lối chủ trương của Đảng, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật về bảo đảm quyền con người, an ninh con người, bảo đảm các quyền lợi ích đối với phạm nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh đều vì mục tiêu giáo dục, cảm hóa phạm nhân; đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của thế lực thù địch về công tác thi hành án phạt tù ở Việt Nam, chứng minh cho bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ, toàn diện về tinh thần nhân đạo, nhân văn trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, các trại giam với chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, vận dụng đúng đắn quan điểm của Nhà Nước về quyền con người và an ninh con người theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân. Các cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu cho Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, văn bản pháp luật trong việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, ban hành các văn bản pháp luật đảm bảo đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền của phạm nhân đồng bộ thực hiện trong các trại giam.

Các trại giam quán triệt đúng đắn quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân, thực hiện việc giáo dục cảm hóa phạm nhân bằng nhiều hình thức, nội dung, phương pháp khác nhau với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho các phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát trại giam luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng cho phạm nhân học tập noi theo, cán bộ trại giam tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, cảm hóa phạm nhân, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, đối xử công bằng, nhân văn đối với phạm nhân, giúp phạm nhân tìm được ánh sáng mới, tìm được còn đường hoàn lương, trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội, cán bộ trại giam xứng đáng là người “thầy”, “người đưa đò thầm lặng” cho những người lầm lỗi trở về với bến hoàn lương.

ThS.Võ Huỳnh Khuyên

Trường Đại học Cảnh sát nhân dân


[1] Phương Minh (2020) Quyền con người và bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam, www.Quocphongthudo.vn

[2] Tường Duy Kiên, Thành tựu về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xaydungdang.org.vn

[3] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, NXB Chính trị quốc gia, năm 2015

[4] Luật Thi hành án hình sự năm 2019

[5] Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 Quy định chi tiết một số điều Luật Thi hành án hình sự

[6] Qu hành án hình sự02Báo cáo kn hình sự020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 Quy định ch, năm 2021

[7] Võ Huỳnh Khuyên (2023), “Quán triệt quan điểm về an ninh con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thi hành án phạt tù ở các trại giam thuộc Bộ Công an”, tạp chí pháp luật về quyền con người tháng 2 năm 2023