Việt Nam đang triển khai thực hiện Quyết định 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và triển khai Quyết định số 4746/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt khung nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh cấp tiểu học. Bài viết này phân tích và luận giải nguyên tắc, nội dung của giáo dục quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục cấp tiểu học ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI
a) Về nguyên tắc giáo dục: Để hiểu được nguyên tắc giáo dục trong giáo dục phổ thông, trước hết cần hiểu nguyên tắc là gì? Và nguyên tắc giáo dục là gì? Theo cách hiểu thông thường, nguyên tắc là hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt một giai đoạn, hoặc cả một quá trình trong tổ chức/hoạt động nào đó, mà cá nhân hay tổ chức phải tuân theo. Từ cách tiếp cận này, nguyên tắc giáo dục có thể được hiểu là hệ thống quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng trong toàn bộ quá trình xây dựng nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức quá trình giáo dục nhằm hình thành con người theo mục đích giáo dục đã đề ra.
Hiện nay có nhiều cách hiểu, tiếp cận khác nhau về nguyên tắc giáo dục, nhưng đều thống nhất chung, hệ thống các nguyên tắc giáo dục bao gồm các nguyên tắc chính như:
(i) tính mục đích của hoạt động giáo dục;
(ii) Gắn giáo dục với cuộc sống lao động;
(iii) giáo dục trong tập thể;
(iv) kết hợp việc đề ra yêu cầu cao, phù hợp với việc thực hiện sự tôn trọng nhiều nhất đối với người được giáo dục;
(v) tính vừa sức và tính cá biệt trong hoạt động giáo dục;
(vi) đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của nhà giáo dục và vai trò tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của người được giáo dục và
(vii) đảm bảo tính liên tục và hệ thống của hoạt động giáo dục. Ngoài ra, nguyên tắc giáo dục còn đòi hỏi bảo đảm tính hệ thống, tính kế tiếp, tính liên tục trong quá trình giáo dục; sự thống nhất các yêu cầu giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội; có tính đến đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá nhân của học sinh trong công tác giáo dục và tính toàn vẹn của quá trình giáo dục nhân cách người học sinh[1].
b) Nguyên tắc chung của hoạt động giáo dục quyền con người: Nguyên tắc của hoạt động giáo dục quyền con người được quy định trong nhiều văn bản, nghị quyết, chương trình giáo dục do Liên hợp quốc và Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục (Unesco) thông qua[2]. Theo Kế hoạch Hành động giai đoạn 3 (2015 - 2019) của Chương trình Thế giới về giáo dục quyền con người, các nguyên tắc của hoạt động giáo dục quyền con người trong Chương trình toàn cầu về giáo dục quyền con người bao gồm:
(a) Thúc đẩy tính phục thuộc lẫn nhau, liên quan với nhau, tính không thể chia cắt và phổ quát của các quyền con người, bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa và quyền phát triển;
(b) Thúc đẩy sự tôn trọng và trân trọng sự đa dạng, chống phân biệt đối xử dựa trên cơ sở về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tình trạng khuyết tật hay xu hướng tính dục và các căn cứ khác;
(c) Khuyến khích phân tích những vấn đề quyền con người cố hữu hoặc các quyền đang phát sinh/mới nổi, như đói nghèo, xung đột bạo lực và phân biệt đối xử, trong bối cảnh những phát triển đang diễn ra nhanh chóng ở tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, công nghệ và môi trường…;
(d) Tăng sức mạnh cho các cộng đồng và cá nhân để xác định những quyền con người của họ và đòi hỏi những quyền lợi đó một cách hiệu quả;
(e) Xây dựng năng lực của người có nghĩa vụ, đặc biệt là với các quan chức chính phủ, để đáp ứng nghĩa vụ của các chính phủ về tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền con người trong phạm vi tài phán của mình;
(f) Phát triển các nguyên tắc quyền con người nằm trong bối cảnh văn hóa khác nhau và cân nhắc đến lịch sử phát triển và xã hội của từng đất nước;
(g) Nâng cao kiến thức và tiếp thu kỹ năng sử dụng các văn kiện và cơ chế quyền con người ở địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế để bảo vệ quyền con người;
(h) Tận dụng sư phạm tham gia bao gồm kiến thức, phân tích phê phán và kỹ năng hành động để thúc đẩy quyền con người và có tính đến những đặc điểm lứa tuổi cũng như văn hóa của người học;
(i) Thúc đẩy môi trường dạy và học không có sự thiếu thốn và sợ hãi, khuyến khích sự tham gia, thụ hưởng quyền con người và phát triển đầy đủ nhân cách con người;
(j) Phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người học, khuyến khích họ đối thoại về các cách thức chuyển tải các quyền con người từ những khái niệm và chuẩn mực trừu tượng sang thực tế cuộc sống với những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của mình.
c) Nguyên tắc giáo dục quyền con người cấp tiểu học: Giáo dục quyền con người phải dựa trên các nguyên lý chung của giáo dục, nguyên lý chung của giáo dục quyền con người, có tính tới đặc điểm khác biệt của hoạt động giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở với các hoạt động giáo dục khác.
Giáo dục cấp tiểu học cơ sở là hoạt động giáo dục ở năm lớp (lớp 1,2,3,4,5 với độ tuổi tương ứng là 6, 7, 8, 9, 10). Đây là giai đoạn, trẻ em rất dễ cảm xúc trước thế giới xung quanh. Các em thường có biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ, dễ xúc động, khó kìm hãm và khó làm chủ tình cảm của mình. Nhưng tình cảm của học sinh tiểu học chưa bền vững, thường hay thay đổi tâm trạng, thiên về xúc động, biểu hiện khá mạnh và trong chốc lát sự vui mừng, tự hào, lo sợ, hờn giận. Các em hầu như chưa có khả năng tự lập chương trình hành động, do ý chí chưa được phát triển đầy đủ. Ở lứa tuổi này học tập cũng đã trở thành hoạt động chủ đạo, nhưng các em say mê học tập chưa phải vì nhận thức được trách nhiệm đối với xã hội mà chủ yếu vì những động cơ mang ý nghĩa tình cảm như: trẻ học được nhiều điểm tốt, được thầy cô, bố mẹ khen, bạn mến, được nhiều phiếu bé ngoan..
Chính vì vậy mà việc trang bị cho học sinh ở lứa tuổi này các kiến thức, kỹ năng và thái độ phải dựa trên các đặc điểm về tâm sinh lý, phát triển trí tuệ của các em. Cá kiến thức về quyền con người sơ đẳng như quyền, bổn phận gắn với tình yêu con người trong gia đình, cộng đồng, xã hội; về những điều hay, lẽ phải, đúng - sai; điều tốt, điều thiện, về công bằng…sẽ giúp chính bản thân các em thích nghi tốt hơn với cuộc sống, phù hợp với quá trình hòa nhập với môi trường học đường.
Từ sự phân tích như trên, giáo dục quyền con người trong giáo dục phổ thông cấp tiểu học cần được áp dụng các nguyên tắc sau đây[3]:
a) Lấy học sinh làm trung tâm và có sự liên quan giữa người học và người dạy
Học sinh lớp 1,2,3,4,5 đóng vai trò trung tâm, dưới sự dẫn dắt của thầy cô giáo trong các buổi học. Các em tập làm quen về quyền và bổn phận trong lớp học, và gia đình; cùng đưa ra quan điểm, suy nghĩ riêng và chia sẻ kinh nghiệm, nêu các sở thích cá nhân, dựa trên mức độ kiến thức, hiểu biết của họ.
Lấy người học làm trung tâm, là lý thuyết trọng tâm của giáo dục, vì đó “là nơi các quá trình giáo dục lấy các nhu cầu, khả năng và sở thích của người học như là điểm khởi đầu, và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Những gì người học được học phải có ý nghĩa đối với họ, và họ nên tham gia tích cực vào việc học đồng thời họ cần được trao quyền để thực hiện[4]”.
Sự “liên quan giữa người học và người dạy” đòi hỏi người dạy phải có sự hiểu biết về đối tượng người học, xem họ là ai, trình độ của họ như thế nào, môi trường họ sinh sống, cách học học, thậm chí cả nền tảng tôn giáo và văn hóa và tín ngưỡng của họ và các vấn đề quyền con người mà họ đang quan tâm là gì? Đối với người học trong chương trình tiểu học, người học độ tuổi 6,7,8,9,10 tuổi, độ tuổi dễ cảm xúc, chưa tự tin, nên người dạy phải nắm được tâm lý người học. Do đó, nhà giáo dục quyền con người cần có sự đổi mới và thích ứng để đảm bảo rằng hoạt động giáo dục có liên quan và có ý nghĩa với những người tham gia vào quá trình học tập.
b) Học sinh được tham gia đầy đủ vào hoạt động giáo dục
Cách tốt nhất để học tập là được tham khảo ý kiến và tham gia vào quá trình ra quyết định, nên hiệu quả của quá trình học tập, giáo dục về quyền con người chỉ thực sự bắt đầu khi mọi người có trải nghiệm về mình là ai - những ưu tiên, suy nghĩ và câu hỏi của họ - có giá trị và góp phần đóng góp có ý nghĩa cho việc học tập. Các nhà giáo dục quyền con người tìm kiếm những cách thức đáng tinh cậy và có sự tôn trọng để thu hút sự tham gia của người học. Bao gồm các cách tiếp cận có sự tham gia trong giáo dục quyền con người với những đặc trưng cơ bản sau đây:
- Kiến thức có tính năng động và luôn thay đổi, khi có sự đóng góp của người tham gia về kinh nghiệm và quan điểm của họ;
- Sự tham gia của người học, làm cho họ trở nên tích cực tham gia vào quá trình học tập, không tiếp thu thụ động kiến thức từ người dạy;
- Mọi người (cả người học và người dạy) có điều kiện hiểu thêm về bản thân của nhau; gần giũ, thân thiện;
- Người dạy đóng vai trò là người hướng dẫn, chứ không phải là nguồn cung cấp kiến thức một chiều;
- Mối quan hệ với nhà giáo dục dựa trên sự tương tác giữa người dạy và người học;
- Học thông qua tương tác, thay vì ghi nhớ kiến thức thụ động thông qua sự lặp lại của người dạy;
- Tập trung vào phân tích, tổng hợp và ứng dụng, thay vì thực tế và thông tin.[5]
Nguyên tắc “có sự tham gia” yêu cầu nhà giáo dục quyền con người cần đảm bảo để người tham gia được tham gia đầy đủ và tích cực vào hoạt động giáo dục. Cần kết hợp giữa hoạt động cá nhân và nhóm.
c) Mở rộng kiến thức và quan sát thực tiễn
Đặc điểm hữu hiệu nhất trong giáo dục quyền con người nói chung là khuyến khích sự khám phá, chia sẻ và học hỏi về kinh nghiệm thực tiễn của tất cả người học. Bắt đầu từ thực tiễn, cần bắt nguồn từ các nhu cầu, mối quan tâm, kinh nghiệm và các vấn đề gặp phải của học viên, đặc biệt là phù hợp lứa tuổi các em đang ở tuổi khám phá.
Khi thảo luận phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Những người tham gia được khuyến khích để nói về kinh nghiệm và kiến thức, quan điểm của chính họ, cách họ nhìn nhận về cuộc sống; so sánh với các thông tin khác trong lớp; nhìn nhận, đánh giá mức độ tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong thực tiễn cuộc sống; nhận biết mức độ vi phạm quyền; ai là thủ phạm và ai là người có trách nhiệm trong bảo vệ quyền con người của người lao động.
Nguyên tắc này chính là nhằm “thăm dò” về quan điểm, thái độ, trình độ, cách hiểu, nhận thức của người học, do vậy yêu cầu nhà giáo dục quyền con người sử dụng các quy trình, kỹ thuật và công cụ giáo dục khuyến khích người tham gia càng nhiều, càng tốt.
d) Trao quyền, khuyến khích không phân biệt đối xử, bình đẳng và hòa nhập
Giáo dục quyền con người, trước hết phải dựa trên nguyên tắc quyền con người, đó là không phân biệt đối xử, bình đẳng và hòa nhập. Học viên được khuyến khích phân tích các tình huống của họ thông qua lăng kính quyền con người và xây dựng các chiến lược hành động của mỗi cá nhân người học. Theo cách này, giáo dục quyền con người mang tính trao đổi, trao quyền để mọi người có thể kiểm soát cuộc sống của chính họ.
Người học đóng vai trò quan trọng là trung tâm, nhưng trong mối quan hệ với thầy, cô giá và nhà trường lại là quan hệ trên - dưới, nên tâm lý e rè, sợ sệt là thường trực trong mỗi học sinh. Vì vậy, về mặt lý thuyết và thực tế đây là mối quan hệ không bình đẳng, bởi lẽ học sinh có thể bị thầy/cô giáo phê bình, hạ hạnh kiểm hoặc điểm thấp, cá biệt học sinh có thể bị kỷ luật trước lớp, trước toàn trường. Nếu điều này xảy ra sẽ có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển bình thường về tâm lý học sinh. Do đó giáo dục quyền con người trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục cấp tiểu học là trao quyền cho người học. Để họ biết được quyền của họ, nhìn nhận những vấn đề xã hội đang phải đối mặt trong nhà trường và ngoài xã hội. Có thái độ, cách ứng xử và cách giải quyết xung đột/mâu thuẫn trên cơ sở quyền con người. Vì thế giáo dục trao quyền là cách tốt nhất để giải quyết xung đột giữa học sinh với học sinh, học sinh với thày/cô giáo trong môi trường học đường, theo hướng hòa bình, thân thiện, hiểu biết, khoan dung, giảm thiểu các nguy cơ mâu thuẫn, xung đột.
2. NỘI DUNG CỦA GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI TRONG CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CẤP TIỂU HỌC
Kinh nghiệm giáo quyền con người trên thế giới cho thấy, nội dung giáo dục quyền con người các cấp học phải bao gồm cả giáo dục kiến thức, kĩ năng và thái độ[6].
- Về kiến thức: Học tập về quyền con người: Trẻ em độ tuổi 5,6,7,8,9,10 cần hiểu loại kiến thức nào về quyền con người trong cuộc sống hàng ngày của chúng? Các kiến thức về quyền con người cần được thay đổi theo độ tuổi và khả năng của trẻ em.
Chẳng hạn, kiến thức căn bản nhất về quyền con người là cơ sở xác lập các tiêu chuẩn cho hành vi trong gia đình, ở trường, ở cộng đồng và ngoài xã hội như tình yêu thương, lẽ phải, đúng, sai, phải, trái, vai trò, trách nhiệm giữa các thành viên trong đình…; Mỗi đứa trẻ đều hiểu được mình có quyền con người và nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, bao gồm quyền được bảo vệ, chu cấp và quyền tham gia, như quyền được chia sẻ ý kiến về những vấn đề liên quan đến bản thân chúng.
Vì thế các chủ đề cần được thiết kế trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục cấp tiểu học có thể là: Sự tin tưởng và tôn trọng của xã hội; Giải quyết các xung đột; Đối phó với tình trạng phân biệt đối xử; Đề cao những tương đồng và khác biệt; Bồi đắp sự tự tin và lòng tự trọng; Xây dựng niềm tin; Tạo lập nội quy lớp học; Tìm hiểu các quyền con người; Giới thiệu các quyền của trẻ em.[7] Hoặc các chủ đề khác như Phân biệt đối xử/định kiến xã hội; Nghèo/đói; Bất công.
Các khái niệm chính mà các em có thể làm quen như: Các quyền cá nhân; quyền của nhóm; Tự do; Bình đẳng; Công lý; công bằng; Pháp quyền; Chính phủ; an ninh.
Các hoạt động trong lớp học có thể như: Công bằng; Tự biểu đạt/lắng nghe; Hợp tác/Chia sẻ; Làm việc nhóm nhỏ; Làm việc cá nhân; Hiểu nhân/quả; Cảm thông; Dân chủ và các giải quyết quyết xung đột; Đề cao tính đa dạng; Phân biệt giữa sự kiện và quan điểm/ý kiến
- Về kĩ năng: học vì quyền con người
Trẻ em cần rèn luyện các kĩ năng cho phép chúng tham gia vào thảo luận cởi mở, dân chủ và đóng góp xây dựng một nền văn hoá quyền con người. Kĩ năng vì quyền con người bao gồm: Lắng nghe và giao tiếp tích cực: có thể lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau, thể hiện ý kiến cá nhân và đánh giá cả hai; Tư duy phản biện giúp phân biệt thực tế và ý kiến, lường trước những định kiến và thành kiến, nhận ra các hình thức thao túng; Hợp tác làm việc nhóm và giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực; Xây dựng sự đồng thuận; Tham gia một cách dân chủ vào các hoạt động với bạn bè; Thể hiện bản thân một cách tự tin; Giải quyết vấn đề.
- Về thái độ: học tập trong quyền con người
Quyền con người không chỉ là các văn bản pháp lý ràng buộc các quốc gia, mà còn là những nguyên tắc để trẻ em và mọi người biết nên chung sống như thế nào. Tuy nhiên, bởi vì các giá trị và thái độ đối với quyền con người là vô hình và được thể hiện chủ yếu thông qua hành động, chúng là những hình thức khó nhất và lâu bền nhất của giáo dục quyền con người. Trẻ em học được từ những ví dụ không lời không kém những bài học công khai, và trẻ em có thể nhận biết sự đạo đức giả một cách nhạy bén. Đây là trách nhiệm của những người làm việc với trẻ: phải thể hiện được và tuân theo những giá trị quyền con người mà họ mong muốn truyền đạt. Thái độ cần được học về quyền con người bao gồm: Tôn trọng bản thân và người khác; Cảm nhận được trách nhiệm với hành động của bản thân; Tò mò, cởi mở và coi trọng sự khác biệt; Thông cảm và đoàn kết với người khác, cam kết hỗ trợ những người mà quyền con người của họ bị từ chối; Nhận thức về phẩm giá, lòng tự tôn và sự tôn trọng người khác dù có những khác biệt về xã hội, văn hoá, ngôn ngữ hoặc tôn giáo; Nhận thức về tôn giáo và trách nhiệm xã hội để xem mọi người có được đối xủ công bằng không; Mong muốn đóng góp để trường học hoặc cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn; Tự tin thúc đẩy quyền con người ở tầm khu vực và toàn cầu.
Tại Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/9/2017 Phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xác định nội dung giáo dục quyền con người trong cấp tiểu học như sau:
a) Đối với cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo: Các nguyên tắc của quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (bình đẳng, không phân biệt đối xử, tôn trọng nhân phẩm, sự khoan dung v.v...).
Các quyền con người cơ bản.
Trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (đặc biệt là các chủ thể nhà nước, tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục) trong việc xây dựng một môi trường giáo dục có sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người.
b) Đối với người học
- Một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,…);
- Các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định.
Tại Quyết định số 4746/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt khung nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh cấp tiểu học đã xác định nội dung giáo dục quyền con người bao gồm:
(i) Những vấn đề chung về quyền con người như bước đầu nhận biết được quyền con người là những quyền thiên bẩm, vốn có của con người và được thừa nhận cho tất cả mọi người trên trái đất, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, địa vị xã hội; nhận biết được trách nhiệm của trẻ em trong việc thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của bản thân và tôn trọng quyền của người khác.
(ii) Nội dung các quyền con người, gồm nhóm các quyền chính trị, dân sự; nhóm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; và quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
PGS.TS. Tường Duy Kiên
Viện trưởng Viện Quyền con người
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] PGS. TS Tường Duy Kiên, Ths Lê Xuân Huy, “Nguyên tắc, đối tượng và yêu cầu giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Số 4 (25) - 2022
[2] Hội đồng Nhân quyền, Kỳ họp thứ 27, Báo cáo thường niên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền và Tổng thư ký về Thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa, bao gồm quyền phát triển Kế hoạch hành động cho pha thứ ba (2015-2019) của Chương trình Toàn cầu vì Giáo dục Nhân quyền Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền.
[3] 6 nguyên tắc giáo dục quyền con người trong chuyên đề này được tham khảo từ cuốn: “Giáo dục quyền con người - Tài liệu dành cho các Cơ quan quyền con người Quốc gia”, Diễn đàn Châu Á Thái Bình Dương của các Cơ quan quyền con người quốc gia tháng 7 năm 2013 (cập nhật tháng 10 năm 2019).
[4] Viện Nhân quyền Đan Mạch, “Tài liệu Hướng dẫn giáo dục quyền con người - Cẩm nang hướng dẫn thực hành lập kế hoạch và quản lý giáo dục quyền con người”, trang 20,21
[5] Tham khảo từ Gói giáo dục quyền con người; Trung tâm nguồn khu vực châu Á về giáo dục quyền con người; 2003 (tái bản lần 2); tr. 36.
[6] Nancy Flowers, Chủ biên và đồng tác giả, “Cẩm nang giáo dục quyền con người cho trẻ em”. Hội đồng châu Âu, tháng 11 năm 2007, Ấn bản thứ hai, tháng 1 năm 2009, Xuất bản bởi Cục Thanh niên và Thể thao của Uỷ hội châu Âu , trang 26, 27
[7] Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người, ABC: Giảng dạy về quyền con người, các hoạt động thực hành cho trường tiểu học và trung học cơ sở, Niu ước và Giơ ne vơ, 2003