Bài viết tập trung lý giải vì sao áp dụng lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là quan trọng trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam; phân tích các nguyên tắc căn bản của hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi theo lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền con người; đề xuất những gợi ý để Việt Nam có được các chính sách tốt hơn và bền vững hơn, hướng tới thực hiện mục tiêu “già hóa thành công” và “lão hóa tích cực”.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế, chính trị và xã hội do quá trình già hóa dân số diễn ra một cách nhanh chóng. Trong số những thách thức của quá trình già hóa dân số thì đảm bảo chăm sóc sức khỏe một cách bền vững, lâu dài cho người cao tuổi là thách thức lớn nhất. Để thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, cần thay đổi mô hình điều trị bệnh tật dựa vào bệnh viện bằng một mô hình chăm sóc y tế - tư vấn sức khỏe dựa vào cộng đồng. Chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần có một cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn nhằm hướng tới đảm bảo phúc lợi, chất lượng cuộc sống cũng như nhu cầu chăm sóc và hỗ trợ của người cao tuổi. Theo đó, cần phải đưa cách tiếp cận dựa trên quyền con người vào quá trình hoạch định chính sách, mà trọng tâm là việc thiết kế các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền. 
1. Sự cần thiết vận dụng lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền con người vào hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam
Việt Nam đã “chính thức bước vào giai đoạn “bắt đầu già hóa” từ năm 2014” khi người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10.5%  tổng dân số. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, đến năm 2040 nước ta sẽ có cơ cấu “dân số già” với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20%1. Như vậy, Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 20 năm để thay đổi toàn bộ cấu trúc dân số (Xem số liệu bảng 1).

Thời kỳ Tăng số lượng người cao tuổi trung bình hàng năm
 
Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số tăng thêm (%)
1979-1989 93,000 8.7
1989-1999 155,000 12.9
1999-2009 126,000 13.3
2009-2014 348,000 37.4
2014-2019 387,000 39.6
2019-2024 536,000 68.3
2024-2029 564,000 93.6
2029-2034 565,000 115.4

Nguồn: Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2019)2

Số liệu bảng 1 cho thấy tốc độ già hóa dân số ở nước ta diễn ra một cách nhanh chóng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhóm người cao tuổi trong dân số đã tăng nhanh cả về số tương đối và tuyệt đối. Tốc độ “già hóa dân số” nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống... Điều này đang đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số” của đất nước. 
Mục tiêu “già hóa thành công” đã được đề cập đến trong nhiều diễn đàn chính sách. Khái niệm “già hóa thành công” hướng đến một xã hội trong đó đa số người già được đảm bảo an ninh kinh tế, được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc cơ bản, được tham gia vào các hoạt động cộng đồng và xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đề cập đến khái niệm “lão hóa tích cực”, trong đó đề cập đến một quá trình tối ưu hóa cơ hội về sức khỏe, sự tham gia và an ninh, cho phép mọi người nhận ra tiềm năng của họ về thể chất, phúc lợi xã hội và tinh thần trong suốt cuộc đời, khuyến khích sự tham gia vào xã hội, đồng thời cung cấp cơ sở để họ được đảm bảo an ninh và chăm sóc đầy đủ khi họ có nhu cầu3.
Việc thực hiện mục tiêu “già hóa thành công” ở nước ta đang gặp phải nhiều thách thức bởi quá trình già hóa không chỉ làm tăng nguy cơ rủi ro dẫn đến tử vong do những biến đổi về mặt sinh học mà còn khiến cho các chức năng sinh học ngày càng suy giảm. Theo đó, cuộc sống của con người ngày càng trở lên khó khăn, tình trạng đau ốm, sống không khỏe mạnh sẽ tăng lên. Sự suy giảm về mặt thể chất là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người cao tuổi. “Ốm đau sẽ dẫn đến mất tự chủ và độc lập trong cuộc sống, làm giảm sự năng động, mất sự tôn trọng và sự tự tin.”4 Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (2019) cho thấy hầu hết người cao tuổi nước ta đều mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, khớp, mỡ máu, tiểu đường,...5. “Trung bình một người từ 80 tuổi trở lên ở nước ta mắc ít nhất 6,9 bệnh6. Những năm gần đây,“mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng khiến cho gánh nặng “bệnh tật kép” ngày càng rõ ràng”7. Người cao tuổi ở nước ta vừa phải chịu các bệnh do lão hóa gây ra như xương khớp, tim mạch, huyết áp; rối loạn tiêu hóa, tiền liệt tuyến cũng như các khuyết tật liên quan đến nghe, nhìn, vừa phải chịu các bệnh phát sinh do thay đổi lối sống dưới tác động của biến đổi kinh tế - xã hội như thừa cân, béo phì, viêm phổi và các bệnh khác do thuốc lá, rượu bia gây ra8. Tỷ lệ khuyết tật của người cao tuổi ở nước ta đang có xu hướng tăng lên khi tuổi cao hơn9. Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy: “Tỷ lệ người cao tuổi gặp ít nhất một khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đã tăng từ 28% trong số những người từ 60-69 tuổi lên hơn 50% trong số những người từ 80 tuổi trở lên”10. Bên cạnh đó “Nhu cầu chăm sóc dài hạn được cho là đang tăng lên ở nhóm tuổi 70 trở lên, đặc biệt là những người từ 80 tuổi trở lên”11.
Cùng với quá trình già hóa, nhu cầu hỗ trợ, chăm sóc hàng ngày hay chăm sóc y tế đối với người cao tuổi ở nước ta sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến cho nhiều người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người cao tuổi sinh sống trong các gia đình đơn thân không có điều kiện để có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mặc dù tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế với người cao tuổi ở nước ta là khá lớn, tuy nhiên, “mức sử dụng dịch vụ y tế của người nghèo và các đối tượng khó khăn vẫn tiếp tục còn nhiều hạn chế do thiếu hiểu biết, thiếu lòng tin vào y tế tuyến huyện cũng như các rào cản tiếp cận phi tài chính khác”12. Những người cao tuổi sống một mình thường không tận dụng được lợi ích của thẻ Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe. “Họ không đi khám hoặc ngại sử dụng Bảo hiểm y tế để đi khám ở các tuyến trên vì khó khăn trong đi lại và không có người chăm sóc”13. Rõ ràng, có rất nhiều lý do khác nhau khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. 
Những khó khăn thách thức trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số đặt ra nhu cầu cấp bách phải chuyển đổi chính sách từ cách tiếp cận chăm sóc phúc lợi, dựa trên nhu cầu và sự bảo vệ, sang cách tiếp cận khác, trong đó việc chăm sóc được thực hiện dựa trên các quyền con người về sức khỏe theo cách tiếp cận của khái niệm “già hóa thành công” và “lão hóa tích cực”. Việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ giúp Việt Nam có được các chính sách tốt hơn và bền vững hơn thông qua việc phân tích và giải quyết các bất bình đẳng, phân biệt đối xử, xây dựng các quy định ràng buộc trách nhiệm và nâng cao năng lực cho các chủ thể chịu trách nhiệm bảo đảm quyền cũng như năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cách tiếp cận này giúp hỗ trợ các tổ chức và cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc lấy con người làm trung tâm, đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ sở cung cấp dịch vụ14.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhằm bảo đảm thích ứng với già hóa dân số,

góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Nguồn: moh.gov.vn


2. Những nguyên tắc căn bản của hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi theo lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền con người 
“Tiếp cận dựa trên quyền con người” ban đầu được sử dụng như là nguyên tắc trong xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển do các tổ chức quốc tế đề ra nhằm hướng chính sách đến việc đạt được mục tiêu một cách hiệu quả và bền vững hơn15. Hiện nay, nó được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc hoạch định và thực thi chính sách theo nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền “hướng tới sự cân bằng của cả hai yếu tố nội dung và cách thức thực thi quyền con người”16. Để làm được điều này, các chương trình chính sách được hoạch định và thực thi theo nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền “không chỉ quan tâm tới việc đạt được những mục tiêu đề ra, mà còn chú trọng tới những quy trình, thủ tục thực hiện để đạt được những mục tiêu đó”17. Cách tiếp cận này cũng chú trọng tới việc phân tích và giải quyết những bất bình đẳng, sự phân biệt đối xử và các mối quan hệ quyền lực bất chính18. 
Cách tiếp cận dựa trên quyền được áp dụng trong hoạch định các chương trình, chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đặc biệt nhấn mạnh đến mục đích thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe và các quyền con người liên quan đến sức khỏe khác, đặc biệt là các quyền về sức khỏe, được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền con người. Theo đó, một nguyên tắc đề ra đối với hoạch định chính sách về sức khỏe cho người cao tuổi đó là quá trình này phải được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc nhân quyền. Các tiêu chuẩn nhân quyền sẽ cung cấp hướng dẫn trong việc xác định các mục tiêu liên quan đến sức khỏe của người cao tuổi. Vì vậy, các chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này phải tích hợp và thể hiện đầy đủ các chiều cạnh của quyền chăm sóc sức khỏe và các quyền khác liên quan đến sức khỏe được ghi nhận trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế, khu vực và hiến pháp quốc gia. Các quyền về chăm sóc sức khỏe hiện đang được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền con người bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và Bình luận chung số 6 năm 1995 về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người cao tuổi; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW);...
Cách tiếp cận dựa trên quyền con người không chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các kết quả mà còn nhấn mạnh tới quá trình thực hiện. Theo đó, các tiêu chuẩn và nguyên tắc nhân quyền - chẳng hạn như sự tham gia, bình đẳng, không phân biệt đối xử, và trách nhiệm giải trình - phải được tích hợp vào tất cả các giai đoạn của chu trình chính sách bao gồm: đánh giá và phân tích, thiết lập ưu tiên, lập kế hoạch chương trình, thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá. Để các quyền về sức khoẻ và các quyền liên quan đến sức khoẻ khác được thực hiện đầy đủ thì việc tích hợp hay lồng ghép yếu tố sức khỏe cần được đưa vào trong tất cả các giai đoạn của chu trình chính sách. 
Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến việc “phát triển năng lực cho các chủ thể chịu trách nhiệm đảm bảo quyền và trao quyền để các chủ thể được đảm bảo quyền trong thực tế một cách hiệu quả”19. Năm nguyên tắc căn bản để xây dựng các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi theo cách tiếp cận dựa trên quyền con người bao gồm: 1) Công bằng (Fairness); 2) Tôn trọng (Respect); 3) Bình đẳng (Equality); 4) Phẩm giá (Dignity) và 5 Tự chủ (Autonomy). Mặc dù sẽ rất hữu ích nếu hiểu và xem xét riêng lẻ từng nguyên tắc như sẽ trình bày dưới đây, tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng năm nguyên tắc này phụ thuộc lẫn nhau và thường chồng lấn lên nhau.
Nguyên tắc công bằng. Công bằng là sự xem xét khách quan, không thiên vị và coi trọng quyền, giá trị, niềm tin và tài sản của người khác. Công bằng áp dụng cho con người cũng như hệ thống giá trị của họ, được thực hiện trong cách chăm sóc và điều trị. Nó cũng có thể liên quan đến quá trình nêu ra và giải quyết các mối quan tâm, khiếu nại hoặc thực hiện đánh giá rủi ro. Công bằng gắn liền với các giá trị cốt lõi như bình đẳng và tự chủ, với việc đảm bảo rằng quá trình ra quyết định công bằng, không phân biệt đối xử và con người là trung tâm của quá trình ra quyết định. Công bằng trong chăm sóc sức khỏe có nghĩa là đảm bảo rằng khi một quyết định được đưa ra với người sử dụng dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ, các quyết định cần đảm bảo rằng con người là trung tâm của quá trình ra quyết định. Các quan điểm của tất cả mọi người được tìm kiếm, lắng nghe và cân nhắc cùng với các yếu tố khác có liên quan đến quá trình ra quyết định. Điều quan trọng là các quyết định được thực hiện theo cách rõ ràng và công bằng, để cho phép người khác biết họ có thể được đối xử như thế nào trong những trường hợp tương tự. Nếu một quyết định can thiệp vào quyền con người của một ai đó, điều này phải hợp pháp, hợp lý, tương xứng và chỉ được thực hiện khi tất cả các lựa chọn thay thế khác đã được cân nhắc. 
Nguyên tắc tôn trọng. Tôn trọng được thể hiện trong những hành động mà chúng ta đối xử với người khác, nó có thể được chứng minh bằng giao tiếp một cách lịch sự. Điều này giúp mọi người cảm thấy có giá trị thông qua việc dành thời gian tìm hiểu họ như một con người. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nguyên tắc tôn trọng thể hiện ở việc những người sử dụng dịch vụ phải được lắng nghe và nhu cầu của người sử dụng dịch vụ chăm sóc hỗ trợ là quan trọng đối với người thực hiện chăm sóc hay cung cấp dịch vụ. Nguyên tắc tôn trọng phải được duy trì bất kể đó là người bị suy giảm hoặc mất năng lực. 
Nguyên tắc bình đẳng. Bình đẳng có nghĩa là mọi người có cơ hội bình đẳng và được đối xử như những người khác trên cơ sở quy định của pháp luật. Bình đẳng nghĩa là việc chúng ta đối xử với ai đó không dựa trên các cơ sở như: tuổi tác; hộ tịch; khuyết tật; tình trạng gia đình; giới tính; chủng tộc, màu da, quốc tịch; tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục. Bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nghĩa là đảm bảo rằng không ai bị phân biệt đối xử vì địa vị hoặc đặc điểm của họ. Sự phân biệt đối xử xảy ra khi ai đó bị đối xử theo một cách khác trong một tình huống tương tự hoặc nơi những người trong các tình huống khác nhau được đối xử như nhau. Công bằng trong chăm sóc sức khỏe có nghĩa là công nhận rằng một số người sử dụng dịch vụ, vì nhu cầu hoặc hoàn cảnh của họ, yêu cầu trợ giúp thêm và hỗ trợ để đạt được kết quả tốt nhất có thể. Nhà cung cấp có nghĩa vụ quan tâm để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cho tất cả những người sử dụng dịch vụ. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người cố gắng đảm bảo rằng tất cả những người sử dụng dịch vụ đạt được kết quả tốt nhất có thể từ sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ nhận được, bất kể tình trạng hoặc đặc điểm của họ.
Nguyên tắc phẩm giá. Phẩm giá có nghĩa là đối xử với mọi người bằng lòng từ bi và theo một cách coi trọng họ như những con người và ủng hộ sự tự tôn của họ, ngay cả khi mong muốn của họ không được biết đến vào thời điểm đó. Nhân phẩm là trọng tâm của ý tưởng về quyền con người và tất cả các quyền con người được kết nối với phẩm giá con người. Khi phẩm giá con người được đề cao trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều này sẽ hỗ trợ những người sử dụng dịch vụ cảm thấy an toàn và kết quả điều trị của họ được cải thiện. Nó cũng cải thiện mối quan hệ công việc và có thể dẫn đến kết quả tích cực cho nhân viên. Thiếu phẩm giá là một chủ đề phổ biến trong các ví dụ về lạm dụng và bỏ bê trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, chăm sóc xã hội bao gồm suy dinh dưỡng và mất nước; lạm dụng thể chất, tâm lý hoặc tình dục; phớt lờ những lời kêu cứu; ga trải giường không thay đổi; không cho ăn đúng mực; vết loét do tì đè; chăm sóc cá nhân kém; bỏ mặc không quan tâm, thực hiện các hoạt động chăm sóc với thái độ bắt nạt, trịch thượng. Thiếu phẩm giá có thể dẫn đến cảm giác bất an, tội lỗi, xấu hổ, vô giá trị, tức giận, thất vọng, thiếu tự tin, kém cỏi và giảm động lực. Nó cũng có thể làm giảm chất lượng của sự quan tâm, hỗ trợ và giảm sự hài lòng của nhân viên.
Nguyên tắc tự chủ. Tự chủ là khả năng của một người để chỉ đạo cách họ sống theo các giá trị cá nhân, niềm tin và sở thích. Trong môi trường chăm sóc sức khỏe, quyền tự chủ liên quan đến việc người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin quyết định về việc chăm sóc, hỗ trợ hoặc điều trị của họ. Tôn trọng và ủng hộ quyền tự chủ là quan trọng trong chăm sóc sức khỏe và xã hội vì đây là khía cạnh cơ bản của chăm sóc và hỗ trợ lấy con người làm trung tâm. Tôn trọng quyền tự chủ của một người trong chăm sóc sức khỏe, chăm sóc xã hội liên quan đến giao tiếp có ý nghĩa. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng nó cũng có thể liên quan đến thương lượng và thỏa hiệp khi ý chí và sở thích của một người ảnh hưởng đến quyền, sự chăm sóc và sự an toàn của người khác. 
3. Kết luận và khuyến nghị chính sách
 “Sức khỏe là tiêu chí quan trọng nhất khi phân tích thực trạng về phúc lợi của người cao tuổi”20. Hệ thống luật nhân quyền quốc tế ghi nhận tất cả chúng ta đều có quyền chăm sóc về sức khỏe; đều có quyền được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng tốt, với phẩm giá và sự tôn trọng. Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý theo luật quốc tế phải đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bởi các quyền con người sẽ không thể được đảm bảo đầy đủ nếu không có sức khỏe. Trong bối cảnh chuyển đổi nhân khẩu diễn ra một cách nhanh chóng, để thúc đẩy việc chuyển hóa lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền con người vào quá trình hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Nhà nước cần thực hiện tốt các định hướng chính sách như sau:
Thứ nhất, tất cả các chương trình, chính sách và hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần tiếp tục thúc đẩy nâng cao nhận thức về quyền con người. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người nhấn mạnh rằng, mục tiêu cuối cùng của tất cả các chính sách, chiến lược và chương trình y tế là để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe và các quyền con người khác liên quan đến sức khỏe, được quy định trong luật nhân quyền quốc gia và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này việc nâng cao nhận thức về các quyền chăm sóc sức khỏe là yếu tố quan trọng.
Thứ hai, tập trung vào phát triển năng lực của các nhóm chủ thể chịu trách nhiệm đảm bảo quyền và các chủ thể của quyền. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người tập trung vào phát triển năng lực cho cả các chủ thể chịu trách nhiệm đảm bảo quyền và các chủ thể quyền. Các năng lực bao gồm: kỹ năng, khả năng, nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn và động lực. Đối với nhóm chủ thể chịu trách nhiệm đảm bảo quyền: phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người hướng đến xây dựng năng lực cho các chủ thể ở tất cả các cấp (địa phương, khu vực/quốc gia) để các nhóm chủ thể này có thể tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền. Các nhóm chủ thể thiết yếu chịu trách nhiệm đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi bao gồm: các nhà hoạch định chính sách, pháp luật như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các nhà quản lý tại các bệnh viện, cơ sở y tế, chuyên gia y tế.
Thứ ba, xóa bỏ các định kiến xã hội, giới tính và văn hóa ngăn cản quá trình hiện thực hóa các quyền. Ở cấp quốc gia, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp pháp lý, chính sách và các biện pháp khác để giám sát hướng đến xóa bỏ các định kiến xã hội, giới tính và văn hóa để loại bỏ các rào cản về cơ cấu và pháp lý ngăn cản việc hiện thực hóa các quyền chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. 
Thứ tư, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ sở thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ở cấp quốc gia, Chính phủ phải xây dựng các cơ chế đảm bảo trách nhiệm của các cơ sở thực hiện, cung cấp dịch vụ chăm sóc thông qua các thiết chế như: Tòa án, sự giám sát của Quốc hội, giám sát của ngành y tế và giám sát cộng đồng. Những báo cáo giám sát, hay các phát hiện sai phạm phải được báo cáo thường xuyên và công khai.
 

ThS Phạm Thị Thanh Huyền

Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Quỹ Dân số Liên hợp quốc, “Thông tin tóm tắt Già hóa dân số nhanh chóng ở Việt Nam: thách thức và cơ hội” truy cập từ trang https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/PD_Factsheet_rapid%20population%20ageing%20in%20VNM_printed%20in%202016_Tieng%20Viet.pdf.
(2) Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2019), Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, NXB Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, tr.15.
(4) Thu Phương, Giới thiệu chung về quyền của người lao động di cư trong luật quốc tế, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/05/02/2793-2/, truy cập ngày 20/4/2022.
(5) Nguyễn Thị Hương Lan, Bảo hộ công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo các Điều ước quốc tế  về hợp tác lao động, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/823730/bao-ho-cong-dan-viet-nam-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-cac-dieu-uoc-quoc-te-ve-hop-tac-lao-dong.aspx#, truy cập ngày 20/4/2022.
(3) A human rights-based approach to health, https://www.who.int/hhr/news/hrba_to_health2.pdf .Truy cập ngày 13/5/2022.
(4) Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2011), Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng dự báo và một số khuyến nghị chính sách, NXB, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam,tr.25.
(5) Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2019), Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, NXB Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, tr.25
(6) Tlđd, tr.26.
(7) Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2011),Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng dự báo và một số khuyến nghị chính sách, NXB, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, tr.26
(8) Tlđd, tr.26.
(9) Tlđd, tr.27.
(10) Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2019), Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, NXB Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, tr.26
(11) Tlđd, tr.26
(12) Aparnaa Somanathan, Ajay Tandon, Đào Lan Hương, Kari L. Hurt, và Hernan L. Fuenzalida-Puelma, (2014), Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, NXB Ngân hàng Thế giới, Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tr.13
(13) Đào Quang Vinh, Nguyễn Mai Hường, Tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tang-ty-le-nguoi-cao-tuoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-321433/.Truy cập 12/5/2022.
(14) The Irish Human Rights and Equality Commission 2019, Guidance on a Human Rights-based Approach in Health and Social Care Services, từ trang https://www.hiqa.ie/sites/default/files/2019-11/Human-Rights-Based-Approach-Guide.PDF. Truy cập ngày 12/6/2022.
(15) A human rights-based approach to health, https://www.who.int/hhr/news/hrba_to_health2.pdf. Truy cập ngày 13/5/2022.
(16) Vũ Công Giao (2020), Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210403. Truy cập ngày 13/5/2022.
(17) Tlđd.
(18) A human rights-based approach to health, https://www.who.int/hhr/news/hrba_to_health2.pdf . Truy cập ngày 13/5/2022.
(19) A human rights-based approach to health, https://www.who.int/hhr/news/hrba_to_health2.pdf. Truy cập ngày 13/5/2022.
(20) Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2011), Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng dự báo và một số khuyến nghị chính sách, NXB, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam,tr.25.