Tóm tắt: Vấn đề an ninh con người chính thức được đề xuất trong Báo cáo phát triển con người năm 1994, bởi Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Đây là cách tiếp cận mới trên lĩnh vực an ninh, nhằm bảo vệ con người và các quyền con người. Gần 30 năm qua, vấn đề an ninh con người thu hút được sự quan tâm của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Bài viết góp phần làm rõ nhận thức và thực tiễn bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam, nhằm góp phần tiếp tục bảo đảm tốt hơn an ninh con người trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Từ khóa: An ninh; an ninh con người; bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam.
 

1. An ninh con người - Một cách tiếp cận mới về an ninh và bảo vệ con người 
Vấn đề con người và quyền con người luôn là mối quan tâm của các nhà tư tưởng, chính trị, ở mọi quốc gia, mọi thời đại, mà mục tiêu đều nhằm bảo đảm để con người được hưởng một cuộc sống tự do, hạnh phúc trong sự tôn trọng nhân phẩm. 
Liên hợp quốc ra đời trước hết nhằm giữ gìn một nền hòa bình lâu dài trên thế giới, đồng thời nhằm bảo vệ tối đa các quyền con người (QCN) cho toàn nhân loại. Trải qua nhiều thập niên đối đầu về mọi mặt bởi chiến tranh lạnh, trong đó có vấn đề quyền con người, từ nửa cuối những năm 1970, vấn đề con người và QCN lại nổi lên, thu hút được sự quan tâm của tất cả các nhóm quốc gia trên thế giới. 
Bối cảnh mới đã dẫn đến việc UNDP cho ra đời một ấn phẩm mới - “Báo cáo phát triển con người1. Báo cáo này được xuất bản hàng năm, với các chủ đề khác nhau2 và “đánh giá” tất cả các thành viên Liên hợp quốc trong bảo vệ và phát triển con người3. 
Trong các báo cáo nói trên, đáng chú ý là Báo cáo phát triển con người năm 1994 với chủ đề “Các khía cạnh mới của an ninh con người” (new dimensions of human security).
Theo các tác giả, an ninh con người (ANCN) cần tập trung vào 7 vấn đề/lĩnh vực lớn luôn đe dọa con người, nhất là ở các nước đang phát triển: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, an ninh chính trị. 
Điều cần lưu ý là, các tác giả chỉ xem xét các vấn đề nói trên như những thách thức đối với mỗi con người-cá nhân-cá thể, chứ không xem xét những thách thức đó dưới góc nhìn quốc gia. Điều đó có nghĩa là, dưới góc tiếp cận ANCN, khía cạnh “an ninh kinh tế”, không xem xét dưới góc độ quốc gia (dù điều này rất quan trọng), mà chỉ tập trung ở việc mỗi cá nhân sẽ gặp những rủi ro gì nếu không có thu nhập được tính bằng tiền nhận được mỗi ngày, tức thu nhập cơ bản. 
Để có thu nhập cơ bản (tức thu nhập bền vững), vấn đề việc làm có ý nghĩa quyết định việc mỗi cá nhân nhận được thu nhập theo cách nào - bằng lao động của mình hay do nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức từ thiện trao cho. Trừ trường hợp bất khả kháng, mỗi cá nhân luôn có xu hướng tự tạo thu nhập hợp pháp cho mình thông qua lao động/việc làm, vì nhờ đó có thể khẳng định được nhân cách của mình trong xã hội. 
Đối với lĩnh vực “an ninh lương thực”, với cách tiếp cận của ANCN lại quan tâm nhiều hơn đến khả năng mỗi người có thể tiếp cận lương thực, thực phẩm một cách thuận lợi nhất (tức lượng dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và an toàn) và phù hợp khả năng chi trả của họ, chứ không phải là quốc gia sản xuất được bao nhiêu lương thực, thực phẩm4. Để đạt được điều này, cùng với việc tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp, hiệu quả, với chất lượng tốt, giá cả phù hợp, mọi quốc gia phải làm thế nào để người dân có thu nhập tối thiểu có thể chi trả được. Bên cạnh đó, nhà nước phải đảm bảo để người dân không bị đói trong bối cảnh có xung đột hoặc thiên tai...
Đối với lĩnh vực “an ninh cá nhân”, khái niệm ANCN tập trung vào những hiện tượng bạo lực, xúc phạm nhân phẩm đối với mỗi cá nhân; cả về thể xác và tinh thần. Đó là những hành vi bạo lực trong gia đình, trường học, nơi làm việc và các khu vực công cộng; những lo sợ, căng thẳng tâm lý trước hiểm họa của ma túy, chiến tranh, những hành vi bạo lực, lạm dụng trẻ em, tình dục, tin tức giả mạo, phỉ báng, tội phạm xuyên quốc gia...  
Tương tự như vậy, đối với lĩnh vực “an ninh cộng đồng”, cách tiếp cận mới về an ninh lại quan tâm đến những xung đột trong nước, từ cộng đồng nhỏ (gia đình) đến cộng đồng xã hội (đơn vị hành chính làng xã, khu phố, dân tộc/sắc tộc, tôn giáo)... 
Vấn đề ANCN được xác định luôn gắn liền với quyền con người, phát triển, bình đẳng giới… Chỉ trong các mối quan hệ ấy, ANCN mới được bảo đảm đầy đủ trên thực tế.   
Như vậy, cách tiếp cận mới về an ninh đã hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và quốc gia; từ an ninh quốc gia sang mối quan tâm đến mỗi con người - cá nhân cụ thể. Điều này có nghĩa là, cùng với những nỗi lo ngại “lớn” - vĩ mô (và tiếp tục tìm mọi biện pháp hóa giải) về chiến tranh hạt nhân, khủng bố, ma túy, biến đổi khí hậu… thì sự an toàn, an ninh của mỗi cá nhân là mục tiêu chủ yếu của mọi loại hình an ninh. 
Trong lời giới thiệu Báo cáo phát triển con người năm 1994, Tổng Giám đốc UNDP, James Gustave Speth, chỉ rõ: “Báo cáo năm 1994 khám phá những biên giới mới của tính cách con người trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Cần phải phát hiện ra các tín hiệu cảnh báo sớm có thể thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và phát triển trước để cứu một xã hội thoát khỏi điểm khủng hoảng. Nó vạch ra một thiết kế mới cho sự hợp tác phát triển trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh”5. 
Đúng như người đứng đầu UNDP kỳ vọng, báo cáo nói trên là sự chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (họp tại Copenhagen, tháng 3/1995). Tuyên bố của Hội nghị nhấn mạnh: “chúng tôi chia sẻ niềm tin rằng phát triển xã hội và công bằng xã hội là không thể thiếu để đạt được và duy trì hòa bình và an ninh trong và giữa các quốc gia của chúng ta. Ngược lại, phát triển xã hội và công bằng xã hội không thể đạt được nếu không có hòa bình và an ninh hoặc thiếu tôn trọng tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người”6. 
Điều đáng chú ý là, các hoạt động của Liên hợp quốc từ sau Hội nghị Viên là đều tái khẳng định và đẩy mạnh trên thực tế cách tiếp cận đặt con người ở trung tâm của mọi chiến lược và hoạt động quốc gia cũng như quốc tế. 
Các nhà tư tưởng, chính trị quốc tế đều nhấn mạnh: nếu không bảo đảm ANCN cho mỗi người thì không một mục tiêu chính nào (như hòa bình, nhân quyền, bảo vệ môi trường, giảm gia tăng dân số hay hội nhập xã hội) của một quốc gia có thể đạt được; tất cả các quốc gia cần sớm nhận rõ rằng hành động sớm và hành động ngược truyền thống rẻ hơn và nhân đạo hơn rất nhiều so với việc giải quyết những hậu quả của nó, cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của sự bất an của con người hơn là giải quyết những hậu quả bi thảm của nó. Để hiện thực hóa tầm nhìn nói trên, vai trò của Liên hợp quốc cần được tăng cường đáng kể trong lĩnh vực phát triển, phải được tích hợp chương trình hòa bình với tất cả các chương trình hành động khác; bởi vì, không thể có hòa bình, không thể có phát triển và không phát triển, nền hòa bình chung sẽ bị đe dọa. 
Ở thời kỳ đầu, cách tiếp cận mới về an ninh đã gây ra nhiều tranh cãi, từ tính hợp lý của vấn đề, đến việc thêm/bớt các lĩnh vực cần được quan tâm; đặc biệt là sự lo ngại việc lợi dụng vấn đề ANCN để xâm phạm đến chủ quyền của một quốc gia… Ngày nay, vấn đề ANCN dần được các quốc gia trên thế giới chia sẻ, tiếp nhận như một cách tiếp cận mới về an ninh và bảo vệ con người trước những hiểm họa của tự nhiên và xã hội. 
Ngay sau khi ra đời, đã xuất hiện các tổ chức quốc tế, với các sáng kiến được đưa ra để thúc đẩy ANCN trên phạm vi toàn cầu và ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn, Ủy ban ANCN (do những người có uy tín quốc tế khởi xướng, ủng hộ hoặc đứng đầu), Mạng lưới ANCN (với sự tham gia của nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển)... ra đời và nỗ lực hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức và sự phối hợp hiệu quả về vấn đề ANCN trên phạm vi toàn cầu. Việc công bố Báo cáo ANCN, xây dựng Chỉ số ANCN7 đã giúp nhìn nhận sâu hơn về các nội dung cụ thể của ANCN. 
Do nhận thức rõ tầm quan trọng của cách tiếp cận ANCN, đến nay, khái niệm ANCN đang trở thành quen thuộc và là mối quan tâm lớn ở hầu hết quốc gia trên thế giới. ANCN đang dần trở thành xu hướng chung của nhân loại trong lĩnh vực an ninh và bảo vệ QCN. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn vấn đề ANCN sẽ góp phần vào việc phát triển bền vững ở mọi quốc gia, khu vực và thế giới.
2. Nhận thức và thực tiễn bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam
Mặc dù mới sử dụng khái niệm ANCN, nhưng từ rất sớm, Nhà nước Việt Nam, nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm ANCN, bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Chính những khẩu hiệu và phong trào “phá kho thóc của Nhật, Pháp chia cho người nghèo”, giành lại quyền sống, quyền làm việc... chính là những hình thức sơ khai nhất của ANCN. 
 Ngay sau khi được thành lập, Nhà nước Việt Nam coi bảo đảm ANCN, thông qua các hoạt động như đoàn kết toàn dân (dân tộc, tôn giáo, tổ chức chính trị với các chính kiến khác nhau), “diệt giặc đói”, “tăng gia sản xuất”, phát triển kinh tế (trong nước và kêu gọi các nhà tư bản nước ngoài đầu tư vào làm ăn ở Việt Nam)... như những nhiệm vụ thiết yếu. Suốt những năm tiến hành chiến tranh vệ quốc trường kỳ, việc bảo đảm, bảo vệ QCN (trong đó có các nội hàm ANCN) tiếp tục được Nhà nước quan tâm thực hiện. Chính điều đó là bảo đảm vững chắc cho những thắng lợi liên tiếp của dân tộc. 
Nguồn gốc của những nhận thức nói trên xuất phát từ việc Đảng luôn đứng trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề liên quan đến con người và QCN; coi đó là mục tiêu của Nhà nước và bản chất của chế độ xã hội mà dân tộc Việt Nam đang hướng tới.   
Trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước tiếp tục kế thừa và phát triển những thành quả đã đạt được; đồng thời tiếp nhận nhiều giá trị và kinh nghiệm quốc tế, vì mục tiêu đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. 

Lực lượng công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 
tại khu vực lối dẫn lên cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nguồn: special.nhandan.vn.

Với ý thức coi trọng con người và trách nhiệm bảo vệ QCN con người, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng nêu rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ QCN, gắn QCN với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Đây là luận điểm mới của cộng đồng quốc tế trong  việc ghi nhận và thực hiện quyền phát triển, song hoàn toàn phù hợp với nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Luận điểm này tiếp tục được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ hơn bằng chủ thể “nhân dân” trên các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…   
Theo tinh thần đó, lần đầu tiên khái niệm ANCN được ghi nhận trong văn kiện Đại hội lần thứ XII và được tái khẳng định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 
Đại hội XIII nêu rõ: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, bảo đảm an ninh xã hội, ANCN”; “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, ANCN. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”; “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, ANCN”; “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, ANCN, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”8...
Đáng chú ý là, Đảng luôn đặt vấn đề ANCN trong mối quan hệ mật thiết với an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội. Đây là quan điểm toàn diện, biện chứng, luôn gắn việc bảo vệ con người - cá  nhân với quyền/lợi ích của tập thể - cộng đồng.
Trên cơ sở những nhận thức nói trên, việc bảo đảm ANCN ở Việt Nam đã đạt được những kết quả chủ yếu dưới đây.
Thứ nhất, Nhà nước đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý đủ khả năng bảo đảm ANCN ở Việt Nam. Đó là các bộ luật và luật trực tiếp bảo vệ QCN trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa. Bên cạnh những bộ luật và luật chung, Nhà nước còn ban hành các bộ luật và luật trên từng lĩnh vực cụ thể (như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật Môi trường, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi…).
Thứ hai, Nhà nước thường xuyên xây dựng các chương trình hành động quốc gia để đáp ứng những yêu cầu chung, cấp thiết và dành cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đó là các chương trình: Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng quốc gia; Chương trình vệ sinh, an toàn thực phẩm; Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, Đề án an ninh lương thực...
Thứ ba, bên cạnh chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc tổ chức thực hiện. Chủ thể chính có trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về QCN và ANCN là bộ máy chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cả nước, nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có chức năng giám sát và phản biện xã hội. 
Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế. Bởi thông qua đó, Việt Nam vừa tranh thủ được nguồn lực và kinh nghiệm trong bảo đảm QCN và ANCN; đồng thời thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Những kết quả cụ thể đạt được theo cách tiếp cận ANCN ở Việt Nam những năm qua là hết sức to lớn. Trong giai đoạn 2015 - 2020, đã giải quyết được gần 1,6 triệu việc làm/năm (tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, khu vực thành thị năm 2019 còn khoảng 3,1%); đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn gạo/năm cho người nghèo và bị ảnh hưởng của thiên tai9. Năm 2020, mặc dù bị giảm do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, bình quân thu nhập cả nước vẫn đạt 2.779 USD10…
Việc bảo đảm ANCN được đạt trong tổng thể việc bảo đảm QCN của mỗi hộ gia đình và cộng đồng xã hội. Chẳng hạn, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm liên tục (năm 1993: 58,1% hộ nghèo, năm 2020: hộ nghèo theo chuẩn mới - nghèo đa chiều còn dưới 3%)11. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch năm 2020 đạt khoảng 90%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt 90,2%12.
Hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, nhất là mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển. Năm 2020, bình quân cả nước đạt 28 giường bệnh/1 vạn dân (vượt mục tiêu đề ra); với 9 bác sĩ/1 vạn dân (đạt kế hoạch)13. Đã triển khai phát triển và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân…
3. Bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của nhiều điều ước quốc tế về QCN, thành viên các điều ước của Tổ chức Lao động quốc tế và một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam cũng luôn cam kết “là bạn, là thành viên có trách nhiệm” của các quốc gia trên thế giới, với phương châm hành động là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng” vào đời sống quốc tế... Trong bối cảnh trên, việc Việt Nam chia sẻ những giá trị và mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có vấn đề ANCN trở nên hết sức có ý nghĩa.
Để việc bảo đảm ANCN ở Việt Nam đạt kết quả như kỳ vọng, cần tiếp tục giải quyết những công việc chủ yếu dưới đây.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc bảo đảm ANCN, sao cho nhận thức của Đảng phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhà nước, vận dụng phù hợp điều kiện của mỗi ngành, cấp, tổ chức, cơ quan.
Thứ hai, mỗi bộ, ngành cần lựa chọn một số hoạt động phù hợp giải quyết trước một cách triệt để, hiệu quả, qua đó mở rộng, lan tỏa sang các lĩnh vực, hoạt động khác. 
Thứ ba, cần đẩy mạnh nghiên cứu về mặt lý luận vấn đề ANCN trong tổng thể nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về QCN, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc nghiên cứu lý luận sâu rộng này giúp xã hội hiểu đúng về vấn đề ANCN, không thể tách rời bảo đảm ANCN với bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội... 
Thứ tư, trên lĩnh vực hoạt động đối ngoại, cần tiếp tục thảo luận tại các diễn đàn quốc tế, để phân định hợp tác quốc tế trong bảo đảm ANCN không xâm phạm chủ quyền quốc gia, theo các nguyên tắc đã được Liên hợp quốc xác lập.
An ninh con người là một trong những phát hiện hay cách tiếp cận mới của cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực an ninh, bên cạnh những vấn đề lớn, thường xuyên phải đương đầu, giải quyết. An ninh con người thực chất là việc bảo đảm, bảo vệ QCN ở một số lĩnh vực luôn là thách thức mà các nhóm yếu thế trong xã hội phải đối mặt hàng ngày. Bảo đảm ANCN không tách rời việc bảo đảm quyền con người và phát triển ở mỗi quốc gia. Nhận thức đầy đủ các chiều cạnh, đặc biệt là những tác động của vấn đề này và thích ứng tốt, sẽ giúp Việt Nam đạt những mục tiêu cả ngắn hạn cũng như dài hạn và hội nhập quốc tế thành công.

PGS.TS. Đặng Dũng Chí - TS. Đỗ Thị Thơm

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

---------

Tài liệu trích dẫn
(1) Báo cáo Phát triển con người là một báo cáo độc lập, được UNDP khuyến khích từ các ý tưởng của cá nhân và nhóm (gồm các học giả hoặc từng là chính trị gia hàng đầu thế giới). UNDP tổ chức thảo luận và trình Đại hội đồng Liên hợp quốc. Khi được thông qua, các vấn đề và nội dung đó sẽ trở thành tầm nhìn chung của cộng đồng quốc tế.
(2) HDR đầu tiên được công bố năm 1990, do Mahbub ul Haq (nhà kinh tế học người Mỹ gốc Pakistan) và Amartya Sen (nhà kinh tế học, người Mỹ gốc Ấn Độ, được nhận giải Nobel năm 1998). Từ đó, các báo cáo được phát hành hàng năm về những vấn đề cần quan tâm; chẳng hạn, Báo cáo Phát triển con người năm 1993 có tên “Sự tham gia của người dân”, Báo cáo Phát triển con người năm 2018 “Các chỉ số và chỉ số phát triển con người”, Báo cáo Phát triển con người năm 2010 “Sự giàu có thực sự của các quốc gia: Các con đường phát triển con người”; năm 2020 “Biên giới tiếp theo: phát triển con người và kỷ nguyên con người”...
(3) Các chỉ số và chỉ số phát triển con người….
(4) Thực tế đã cho thấy, ở một số quốc gia, có thời điểm không thiếu lương thực, nhưng do nhiều nguyên nhân, vẫn xảy ra nạn đói trầm trọng...
(5) Báo cáo phát triển con người năm 1994 “Các khía cạnh mới của an ninh con người” (new dimensions of human security).
(6) Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (1995).
(7) Chỉ số an ninh con người đưa ra một khung lý thuyết và ma trận để đo lường và đánh giá, trên cơ sở đó, các quốc gia tự lựa chọn ưu tiên và giá trị để xem xét. Đối với mỗi chỉ số được liệt kê, cần phải hiểu mức độ phù hợp, cụ thể và mối quan hệ của nó với an ninh con người, các biến số cần được đo lường và điều kiện mà các biến số này phát huy tác dụng. Ma trận thông tin kết quả là điểm khởi đầu quan trọng cho việc hoạch định chính sách tập trung vào an ninh con người (xem https://www.gdrc.org/sustdev/husec/z-indicators.html).
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr. 116, 147, 148, 202.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sdd, Tập 2, H, 2021, tr. 41-42-43.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sdd,Tập 2, H, 2021, tr.9.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sdd, Tập 2, H, 2021, tr.43.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sdd, Tập 2, H, 2021, tr. 50-51.
(13)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Sdd, Tập 2, H, 2021, tr. 46-47.